ĐỜI SỐNG

Cơ hội ngắm mưa sao băng lớn nhất năm

Ngọc Nga • 21-04-2020 • Lượt xem: 1350
Cơ hội ngắm mưa sao băng lớn nhất năm

Vào đêm 22/4, rạng sáng 23/4 (theo giờ Việt Nam), người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Lyrid, một trong những trận mưa sao băng lớn nhất năm với 10 - 20 vệt sáng mỗi giờ.

Tin, bài liên quan:

Kỳ ảo mưa sao băng đầu tiên của thập kỷ nhìn từ không gian

Chiêm ngưỡng mưa sao băng Perseids lớn nhất năm 2019

Vũ trụ có ‘biến’ gì vào sinh nhật bạn?

Mưa sao băng Lyrid diễn ra từ ngày 17/4 đến 26/4, và đạt cực đại vào đêm 22/4, rạng sáng 23/4. Ánh trăng thường che khuất tầm nhìn khiến việc xem mưa sao băng không được rõ. Tuy nhiên, năm nay, thời điểm xuất hiện mưa sao băng Lyrid trùng với giai đoạn trăng mới, bầu trời hầu như không có ánh trăng nên rất thuận lợi để quan sát. 

Vẻ đẹp kỳ ảo của mưa sao băng. Ảnh: Getty Images

Theo Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Canada, thời điểm mưa sao băng Lyrid đạt cực đại, kéo dài chỉ vài tiếng đồng hồ, sẽ có khoảng 10 - 20 vệt sáng xuất hiện trên bầu trời mỗi giờ. Các vệt sáng có thể quan sát bằng mắt thường, xuất hiện từ phía sao Chức Nữ (Vega) - ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Lyra và sáng thứ 5 trên bầu trời. 

Chòm sao Lyra rất dễ phát hiện lúc trời ít mây. Ảnh: Space

Người yêu thiên văn có thể xác định chòm sao Lyra ở phía Đông, hơi chếch sang Đông bắc hoặc tìm 3 ngôi sao sáng nhất bầu trời phía Đông, như hình tam giác lớn. Đỉnh cao nhất của tam giác cũng là ngôi sao sáng nhất, đó là sao Chức nữ. Cách Chức Nữ một đoạn ngắn là 4 ngôi sao còn lại trong chòm Lyra, tạo thành hình bình hành hoàn chỉnh trên bầu trời. 

Vị trí của sao Chức Nữ và chòm sao Lyra trên bầu trời. Ảnh: Vatlythienvan

Thời điểm quan sát mưa sao băng Lyrid tốt nhất là sau 1h sáng ngày 23/4. Người xem nên chọn nơi thoáng đãng và ít ánh đèn điện (như các vùng ngoại ô) hoặc các tòa nhà cao tầng để chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn thú vị này. Nên đứng từ 5-10 phút để mắt quen dần với bóng tối mới quan sát rõ được sao băng.
Mưa sao băng Lyrid được đặt tên theo chòm sao Lyra, là mưa sao băng lâu đời nhất, được nhìn thấy từ cách đây 2.700 năm. Mưa sao băng Lyrid có nguồn gốc từ các hạt bụi và mảnh vỡ của sao chổi C/1861 G1 Thatcher, được khám phá vào năm 1861. Chúng mất khoảng 415 năm để quay quanh Mặt trời và dự kiến sẽ được nhìn thấy từ Trái đất một lần nữa vào năm 2276.

Mưa sao băng Lyrid năm nay sẽ quan sát khá rõ

Khi cắt ngang qua quỹ đạo của Trái Đất (mỗi năm một lần), các thiên thạch vỡ vụn trên đường đi của sao chổi này sẽ xuyên qua lớp khí quyển và bốc cháy, tạo thành những vệt sáng dài trên bầu trời, được gọi là mưa sao băng. 
Nếu bỏ lỡ mưa sao băng Lyrid, người xem vẫn có thể chờ ngắm trận mưa sao băng Eta Aquarids được hình thành từ những hạt bụi của sao chổi Halley vào đêm ngày 6, rạng sáng 7/5. Tuy nhiên, trận mưa sao băng này sẽ khó quan sát hơn nhiều. 

(Theo Timeanddate, CNN)