VĂN HÓA

Có một Hà Giang đậm chất nhân văn

Thu Ngân • 14-11-2022 • Lượt xem: 898
Có một Hà Giang đậm chất nhân văn

Hà Giang là tỉnh cực bắc của Việt Nam với núi non trùng điệp. Hà Giang là địa điểm yêu thích của nhiều người, đặc biệt là người trẻ. Hà Giang là địa điểm hút tầm mắt và đẹp hơn rất nhiều trong ảnh, vì thế, nếu có thể bạn hãy đến Hà Giang một lần trong đời. Tuy nhiên, trong bài viết này, xin giới thiệu một Hà Giang khác, một Hà Giang đậm chất nhân văn trong văn hóa người H’Mong.

Đây là lần thứ 2 tôi trở lại Hà Giang, lần trước là vào tháng 3/2019 và nay là cuối tháng 10/2022. Thú thật, cũng như chuyến đi đầu tiên, tôi cũng đến những địa điểm nổi tiếng đạ tạo nên sức hút của vùng cực bắc đất nước này như Cột cờ Lũng Cú, Cao nguyên đá Đồng Văn, Cung đường Hạnh Phúc, Dinh thự Vua Mèo, Mã Pí Lèng (Đệ Nhất Hùng Quan), một trong tứ đại đỉnh đèo đẹp nhất Việt Nam, và một địa điểm không thể không trải nghiệm một lần là đi thuyền trên sông Nho Quế, để ngước mắt lên nhìn hẻm Tu Sản cao ngút ngàn ở trên cao.

Tới Hà Giang, nhìn ngắm dòng sông Nho Quế bên núi cao vời vợi, còn gì tuyệt vời hơn?

Tuy nhiên, bài viết này không phải nói về những địa danh trên mà muốn kể về câu chuyện văn hóa của “chủ nhân” vùng đất này – văn hoá của người H’mong.

Người H’Mong đến Hà Giang từ khi nào? Theo lời Lúa, một hướng dẫn viên địa phương của đoàn chúng tôi thì người Hà Giang sinh sống ở phía bắc Việt Nam và phía Nam Trung Quốc và từ thế kỷ 18 bắt đầu di cư về phía Nam nhiều hơn, tức là có nhiều người dân H’Mong chọn Hà Giang để làm nơi sinh sống, đồng nghĩa với đó đã tạo ra một vùng văn hóa đặc trưng của mình.

Người H’Mong thích sống ở trên núi cao, nương rẫy ở đâu thì họ làm nhà ở đó. Vì thế, khi đến Hà Giang du khách sẽ thấy giữa muôn trùng núi non lại có những ngôi nhà nhỏ thấp thoáng trong sương mai, trong nắng chiều khiến cảnh vật vừa hùng vĩ vừa nên thơ như một bức tranh thuỷ mặc. Nhìn hình ảnh ấy khiến tâm trạng con người ta thật phấn khích, yên bình mặc dù mấy phút trước còn trong trạng thái say xe vì đường đèo quanh co.

Do đây là lần thức hai đến với Hà Giang nên lần này tôi dành nhiều thời gian để nói chuyện, thực ra là đặt ra những câu hỏi với cậu hướng dẫn viên nhiệt tình, dễ mến đang dẫn đoàn. Trong câu chuyện của Lúa, tôi nhận ra tính nhân văn của người H’Mong rất cao, đó là phải kế đến tục kéo vợ. Nếu trước đây, trong văn hóa người H’Mong có tục “cướp vợ” thì nay đã bỏ. Tục cướp vợ thường rơi vào tình huống, bên “cướp vợ” thường là thanh niên con nhà giàu có, còn cô gái “bị cướp” thường xinh đẹp và tiền thách cưới rất cao. Do đó, tục “cướp vợ” là chỉ có người giàu mới dám làm. Thật may, tập tục này đã bị xóa bỏ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Song, tục “kéo vợ” hay còn gọi là bắt vợ vẫn tồn tại, và theo quan điểm cá nhân người viết, đây là một phong tục rất nhân văn.

Tục kéo vợ của người Mông 

Cũng theo lời chia sẻ của Lúa, cậu hướng dẫn viên của đoàn, trong văn hóa người H’Mong, đám cưới thường diễn ra ba ngày, trong đó, có một ngày tiệc chính. Và nhà nào có đám cưới thường là lỗ vì khách đi chỉ quy định bắt buộc là 5 lít rượu ngô và 2 kg ngô. Nếu lời - nếu có, theo Lúa là lời được phần rượu ngô mà thôi. Vì thế, làm đám cưới cho con, gia đình chỉ xác định là lời được người con dâu/ con rể chứ về kinh tế là “lỗ rồi đó”.

Chính vì việc tổ chức đám cưới ăn uống linh đình nên nhiều thanh niên “ế vợ” vì nhà nghèo không thể tổ chức tiệc. Từ đó, tục “kéo vợ” hay  “bắt vợ” ra đời để những thanh niên nhà nghèo có thể có vợ. Theo đó, một thanh niên H’Mong yêu một cô gái trong vùng nhưng không có đủ tiền cưới thì anh ấy chỉ cần “bắt vợ” về và sau 3 ngày mà cô gái không bỏ về lại nhà bố mẹ đẻ thì đám cưới được diễn ra. Dĩ nhiên, lúc đó, nhà nam không quá tốn kém về kinh tế để cưới vợ cho con. Tục kéo vợ, bắt vợ này nhân văn là vì giúp những thanh niên nghèo không bị ế vợ còn có ý nghĩa nữa là cô gái cũng phải yêu chàng trai đã bắt mình về làm vợ.

Với tục kéo vợ này nên con trai H’Mong không phải lo ế vợ vì nhà nghèo miễn là thanh niên ấy  “thuyết phục” được người con gái yêu mình và “bật đèn xanh” cho người con trai bắt mình về làm vợ. Một phong tục đậm chất nhân văn chứ không phải một gánh nặng cho bà con.

Vì thế, chuyến đi của mình, với tôi đó là một chuyến đi đầy thú vị. Ở đây, Hà Giang không chỉ cho tôi những phút giây thoải mái để nhắm núi rừng hùng vĩ mà còn đó những bài học nhân văn đến từ câu chuyện văn hóa của con người nơi đây. Do đó, nếu bạn chưa đi Hà Giang, hãy lên kế hoạch để đi một lần trong đời, có thể, đường đèo làm bạn say xe nhưng rất xứng đáng vì ngay trong chuyến đi bạn sẽ “say đắm” cảnh đẹp nơi đây khi có hàng chục tấm hình đẹp để sống ảo với bạn bè.