Duyên Dáng Việt Nam

Có một hành trình gọi là tìm kiếm chân tình

Hoài Anh • 02-06-2020 • Lượt xem: 1014
Có một hành trình gọi là tìm kiếm chân tình

Tác giả trẻ Anh Khang tái ngộ bạn đọc qua tác phẩm mới có cái tên độc đáo: Thả thính chân kinh và vài ghi chép linh tinh trên hành trình tìm kiếm chân tình. Sách do NXB Trẻ phát hành trong mùa hè này.

Tin, bài liên quan:
Thong dong như chú mèo hong nắng bên hiên: Những bài học từ sự bình thản, tinh tế và chậm rãi
Cuốn sách về Tự do của triết gia có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX

Vẫn giọng văn mềm mại và tràn đầy cảm xúc, trong sáng và đầy hy vọng, tập sách trẻ trung và thú vị với nhiều cung bậc về tình yêu và cuộc sống. Sách như một món quà để mách nước cho các cậu trai cô gái cách “thả thính” làm sao cho đối tượng mình thầm thương trộm nhớ phải “gục ngã’. Nhưng sâu hơn, xa hơn những lời ngọt ngào có cánh là thái độ vui sống sau bão giông tình trường, là cách hành xử văn minh sau khi tình yêu bỏ ra đi.

Thả thính chân kinh là hành trình tìm kiếm chân tình của những người trẻ, có vấp váp, có tổn thương, thậm chí đau đớn nhưng tác giả đã gởi một thông điệp rất rõ ràng: Hãy không ngừng tin tưởng vào tình yêu và bản thân mình, rồi chân tình sẽ đến.

Và, bạn sẽ thấy đâu đó dáng hình của mình những ngày ngu ngơ cũ, thật buồn mà cũng thật đẹp, vì nếu thật là tình yêu thì tình yêu luôn luôn đẹp…

Thả thính chân kinh có gì?

Tất nhiên là có “thính”. Thính Thiên văn khí tượng, Thính ăn vạ, Thính đường đi phương hướng, Thính lên men… với lời lẽ ngọt hơn mật, nghe vào là phấn khích hơn cả uống được ly trà sữa thơm ngon béo ngậy. “Em có biết mỗi lần nhìn vào bản đồ thế giới, anh lại thấy gì không?/ - Đừng nói là anh lại tìm bản đồ đường vào tim em nữa. Thính đó cũ rồi!/ - Không! Anh nhìn vào bản đồ thế giới, chỉ toàn thấy mỗi em. Vì em là thế giới của anh mà.”

Thả thính chân kinh có câu chuyện của những chàng trai và cô gái sống hết mình với tình yêu. Họ yêu chân thành và tự nguyện, yêu hồn nhiên không toan tính.  Một khi yêu là yêu hết lòng, thương hết dạ nhưng chia tay rồi vẫn giữ những khoảnh khắc đẹp của tình yêu, nuôi dưỡng tâm hồn với suy nghĩ tích cực và vẫn đau đáu về hạnh phúc của người kia. “Chúng ta dừng lại một đoạn đường từng-chung, rẽ ngang về những đoạn đời riêng khác hướng, không phải vì đã cạn lòng thương nhau. Chỉ là vì càng thương nhau lắm, càng hiểu rõ đối phương cần gì thích hợp để đồng hành trên chặng đường tiếp sau. Buông tay để họ tự do cầm tay một bạn đường phù hợp. Để phương trời trước mắt, là những lời chúc phúc đủ đầy dành cho nhau. Dù hạnh phúc đó, không-là-bên-nhau.”

Thả thính chân kinh không phải chỉ có “thính” mà còn có tình. Là tình cảm của Khang dành cho bạn đọc yêu quý của mình.  Tình của Khang là ý nghĩ thiện lương hiền hòa Khang gieo vào lòng bạn đọc. Bằng một thái độ bình thản và cái nhìn trìu mến về tất cả những dấu yêu đã trải qua, Khang nói với người đã đi ngang qua đời mình: “Dạo này, anh có một thói quen pha trà mỗi sớm. Giờ anh mới hiểu, hóa ra niềm vui có thể đến từ những việc nhỏ xíu giản đơn, như là đun sôi ấm nước, nhìn khói tỏa mơ màng khi rót vào chiếc bình sứ trắng tinh, và nghe mùi thơm nồng của trà, vị béo ngậy của sữa… thoang thoảng đưa hương, vấn vít gian phòng. Anh đặt tên cho mùi hương này là “Không khí của Khang” –  Khang trong An Khang, trong Khang Lạc. Để mong một ngày của mình an định yên nhiên, mong ‘dạo này’ của mình an lành khang kiện. 

Tuổi trẻ vốn hay nông nổi và khó kiềm chế cảm xúc, nhưng bạn đọc văn của Khang muốn nóng cũng không nóng được bởi tính cách hiền hòa, và điềm đạm của Khang tản mát khắp tập sách, len lỏi vào lòng, vào tâm trí những cô cậu vừa chớm yêu lần đầu. Đó là một thái độ ứng xử văn minh trong tình yêu và ít nhiều sẽ ảnh hưởng tích cực đến thái độ của bạn đọc.