Duyên Dáng Việt Nam

Có nên cho trẻ tiền tiêu vặt? (Kỳ I)

Hà My • 27-10-2020 • Lượt xem: 695
Có nên cho trẻ tiền tiêu vặt? (Kỳ I)

Đã bao giờ bạn nghĩ trẻ con thì không nên tiêu tiền? Liệu bạn có tự hỏi có nên cho con mình tiền tiêu vặt và độ tuổi nào con nên có khoản tiền để tiêu riêng cho mình?

Tin, bài liên quan: 

Bạn muốn chọn chất lượng hơn số lượng khi mua sắm?
Giữ nét văn hóa Việt trong chính gia đình bạn

Có nên cho trẻ tiền tiêu vặt?

Nhiều phụ huynh quan niệm rằng tiền bạc sẽ làm cho trẻ hư hỏng, vì vậy không nên cho trẻ tiền tiêu vặt. Thế nhưng, đấy là một quan niệm sai lầm. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng bằng cách cho tiền tiêu vặt, bạn sẽ giáo dục tài chính cho con mình. Và đây là một điều cần thiết cho sự an toàn và hạnh phúc trong tương lai của con cái bạn.

Với những nguyên nhân dưới đây, ngay lập tức bạn sẽ thấy vì sao nên cho trẻ tiền tiêu vặt:

1. Tiền tiêu vặt giáo dục con cái về quản lý tài chính

Các chuyên gia khuyên bố mẹ nên cho trẻ tiền tiêu vặt. Vì tiền tiêu vặt dạy trẻ về trách nhiệm tài chính và giúp chúng xây dựng lòng tin với tiền ngay từ sớm.

Nếu bạn cho con mình một số tiền nhất định, định kì vào mỗi tuần, hoặc mỗi tháng, chúng sẽ phải học cách để quản lý số tiền đó bằng các chi tiêu hợp lý. Nếu làm đúng cách, tiền tiêu vặt có thể giúp con bạn hình thành thói quen tài chính thông minh giúp chúng thiết lập một cuộc sống an toàn về tài chính thay vì nhiều năm vật lộn với tiền bạc.

Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ sử dụng hộp hoặc lọ đựng tiền để chúng có thể nhìn thấy và xử lý tiền. Chia các lọ và hộp thành 3 nhóm - chi tiêu, tiết kiệm và cho đi (như làm từ thiện) và khuyến khích chúng phân bổ tiền vào từng lọ. Bằng cách này, trẻ sẽ biết quản lý tài chính một cách hợp lý.

Cha mẹ có thể lo lắng rằng con cái họ sẽ hoang phí với số tiền chúng được cho, tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ rằng đứa trẻ nào cũng sẽ phạm sai lầm trong chi tiêu, nhưng điều quan trọng rằng đây là lúc con sẽ rút kinh nghiệm cho bản thân mình trong những lần sau.

2. Con hiểu được giá trị của đồng tiền

Nếu một đứa trẻ không phải tự trả tiền cho mọi thứ - bằng tiền của chúng - thì chúng có thể không biết quý trọng đồng tiền. Mua một thứ gì đó bằng tiền của mình, trẻ sẽ phải cân nhắc rằng món đồ đó có ích hay không, có nên mua chúng hay không, món đồ ấy là đắt hay rẻ? Thay vì nằng nặc đòi bố mẹ phải mua bằng được, tiêu bằng chính số tiền tiêu vặt của mình, trẻ sẽ phải cân nhắc nên hay không nên mua những món đó.

Người đồng sáng lập 7IM, Justin Urquhart Stewart, nói rằng: Dạy một đứa trẻ cách đếm tiền không chỉ nâng cao kỹ năng toán học của chúng mà còn thực sự dạy chúng về khái niệm tiền, cách lập ngân sách và giá trị của đồng tiền. Rose St Louis, phát ngôn viên của quỹ tiết kiệm tại Zurich Vương quốc Anh, cũng cho rằng: Dạy con cách lập ngân sách sẽ giúp chúng áp dụng phương pháp tương tự khi chúng lớn hơn. Giúp chúng dành ra một khoản nhất định hàng tháng, không chỉ cho chúng bài học về lập ngân sách mà còn dạy trẻ giá trị của những món đồ chúng  mua.

Một phụ huynh tâm sự rằng “tiền tiêu vặt thực sự đã giúp tôi tiết kiệm được một gia tài. Thay vì những đòi hỏi vô lý, con tôi đã tự kiểm soát ngân sách của mình và bắt đầu tìm hiểu giá trị của đồng tiền: Chà, cái đó thực sự đắt - Mình không nên mua cái đó; hãy để dành tiền để mua những món khác hoặc để đi ăn vào ngày cuối tuần".

3. Con biết tiết kiệm cho tương lai

Thu nhập đều đặn cho phép trẻ tiết kiệm thường xuyên cho tương lai. Đó là cơ hội để trẻ biết rằng những khoản tiết kiệm nhỏ có thể tạo nên một khoản lớn trong dài hạn.Con sẽ tập được thói quen dành tiền để tiết kiệm, chi tiêu và cho đi mỗi lần con được “nhận lương”.

Trẻ sẽ biết đặt mục tiêu tiết kiệm cụ thể. Ví dụ như khi con bạn muốn một món đồ chơi lớn nào đó, món đồ đó không nằm trong danh mục bố mẹ sẽ mua cho trẻ, chúng biết rằng chúng có thể tiết kiệm tiền tiêu vặt để có được nó. Đây là một cách hữu ích để khiến con bạn hành động có trách nhiệm với tiền tiêu vặt của chúng - một hành vi sẽ giúp ích tốt cho chúng trong cuộc sống sau này.

4. Con trở thành những đứa trẻ tự lập

Với số tiền con được cho định kì, con sẽ phải tự mình suy nghĩ và đưa ra quyết định là nên tiêu những gì. Bằng cách quản lý chi tiêu, trẻ sẽ tự mình rút ra bài học kinh tế cho bản thân. Ví dụ như khi con tiêu hết tiền tiết kiệm trong những ngày đầu tuần, cuối tuần có những thứ con cần mua, sẽ không còn khoản nào nữa. Điều này sẽ giúp trẻ biết rằng mình đã chi tiêu không hợp lý và lần sau trẻ sẽ phải cân nhắc cẩn thân hơn trong mọi quyết định của mình.

Việc cho con tiền tiêu vặt sẽ khiến con cảm thấy rằng mình ‘trờ thành người lớn”. Đây là một phương pháp hữu ích của người Nhật trong việc dạy con tự lập. Bố mẹ hãy hạn chế tối đa việc can thiệp vào chi tiêu của trẻ, miễn là con bạn không mang về nhà những thứ độc hại, nguy hiểm.

5. Giúp con biết quý trọng đồ vật

Bất kì món đồ nào được mua bằng tiền tiêu vặt của con, tiền chúng tiết kiệm được, làm ra được sẽ khiến chúng biết quý trọng đồ vật đó. Trẻ biết rằng, nếu làm hỏng, làm mất, bản thân chúng sẽ phải bỏ tiền ra để mua lại nó. Điều này sẽ mang lại cảm giác “tiếc tiền” cho trẻ. Nếu giữ gìn đồ dùng cẩn thận, chúng có thể để dành khoản tiền đó cho những việc khác hấp dẫn hơn như đi chơi với bạn hay một bữa gà rán vào ngày cuối tuần.