Duyên Dáng Việt Nam

Có nên cho trẻ tiền tiêu vặt? (Kỳ II)

Hà My • 29-10-2020 • Lượt xem: 1429
Có nên cho trẻ tiền tiêu vặt? (Kỳ II)

Làm thế nào để bạn xác định khi nào con bạn nên được cho tiền tiêu vặt và số tiền nên là bao nhiêu? Đây là một vấn đề mà hầu hết cha mẹ đều cũng băn khoăn.

Tin, bài liên quan:

Có nên cho trẻ tiền tiêu vặt? (Kỳ I)

Tuổi nào là thời điểm tốt để bắt đầu cho tiền tiêu vặt?

Phần lớn các bậc cha mẹ trên thế giới bắt đầu đưa tiền tiêu vặt cho con cái của họ vào lúc trẻ 5 hoặc 6 tuổi. Hội đồng cố vấn Thụy Sĩ khuyên bạn nên đưa tiền tiêu vặt hàng tuần, vì trẻ nhỏ không thể đánh giá tốt khoảng thời gian dài hơn. Từ mười tuổi, chúng có thể nhận tiền tiêu vặt hàng tháng.

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia hành vi tại Đại học Cambridge, ở tuổi lên bảy, một đứa trẻ đã phát triển một số khái niệm cơ bản liên quan đến tài chính. Đó là lý do tại sao bạn nên cho trẻ em bắt đầu với tiền càng sớm càng tốt, ngay cả khi đó là những khoản tiền nhỏ. Tại hội thảo "Giáo dục con trẻ về tài chính" diễn ra ở TP. HCM, bà Neale S.Godfrey, Giám đốc điều hành ngân hàng dành cho trẻ em đầu tiên trên thế giới (The First Children's Bank-Mỹ) cho rằng, lứa tuổi lên 3 các bé đã có thể nhận thức được những điều mình mong muốn, và đây là thời điểm thích hợp để cho các cháu làm quen với tiền.

Vậy, làm thế nào để chúng ta biết rằng đã đến lúc cần phải cho con tiền tiêu vặt? Mặc dù không có quy tắc cứng về thời điểm bắt đầu cho trẻ tiền tiêu vặt, nhưng cha mẹ hãy căn cứ vào những điều sau đây để xem chúng đã sẵn sàng hay chưa:

Con bạn đã cần tiền để mua thứ gì đó hay chưa?

Con bạn đã có thể đếm được một số lượng nhỏ, đã hiểu thế nào là thêm hay bớt?

Tiền tiêu vặt hợp lý là bao nhiêu?

Trẻ em ở Vương quốc Anh trung bình nhận được £ 7,01 tiền tiêu vặt mỗi tuần. Trẻ em Úc từ 4-8 tuổi nhận được trung bình $ 6,20 mỗi tuần, từ 9-13 tuổi nhận được trung bình 9,60 đô la mỗi tuần.

Thực tế rằng không có một con số nào cụ thể cho việc nên đưa bao nhiều tiền tiêu vặt cho trẻ vào mỗi ngày, mỗi tháng hay thậm chí là trong một năm. Các chuyên gia khuyên rằng số tiền tiêu vặt phù hợp để cho trẻ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ và hoàn cảnh cá nhân, khả năng tài chính của vợ chồng bạn, thậm chí còn phụ thuộc vào nhu cầu của trẻ.

Cha mẹ không cần phải bắt đầu với một số tiền lớn; trong thực tế, một số lượng nhỏ là tốt hơn. Bạn hãy rót "ngân sách" tùy theo độ tuổi và nhu cầu của trẻ. Những đứa trẻ lớn thường quản lý tài chính tốt hơn, nhu cầu chi tiêu cho bạn bè, học hành, đi chơi cũng nhiều hơn. Vì vậy, cần căn cứ vào nhu cầu và độ tuổi của trẻ để cho con khoản tiền tiêu vặt hợp lý. Tránh cho quá ít hoặc quá nhiều. Nếu cho con quá ít, trẻ sẽ cảm thấy khó khăn trong việc chi tiêu, còn cho quá nhiều trẻ sẽ không biết tiết kiệm.

Những sai lầm của cha mẹ khi cho con tiền tiêu vặt

1. Không bàn bạc thống nhất và không giải thích cho trẻ hiểu về tiền tiêu vặt

Một số cha mẹ nghĩ rằng nói chuyện về tiền nong với con là không nên. Họ nghĩ rằng chúng còn quá nhỏ để hiểu về tiền bạc. Thế nhưng, trao đổi thẳng thắn với con cụ thể về tình hình kinh tế của gia đình sẽ khiến trẻ hiểu được chúng nên chi tiêu những gì.

Thế nên, trước khi quyết định bắt đầu cho con một khoản nhất định để tiêu vặt, cha mẹ hãy bàn bạc và thảo luận với nhau xem nên cho trẻ bao nhiêu là hợp lý. Sau đó, hãy ngồi lại với con và giải thích cho chúng về khái niệm tiền tiêu vặt. Đồng thời thông báo cho con số tiền và tần suất mà chúng được cho tiền. Quy định với con những quy tắc về việc tiêu tiền: gợi ý những gì chúng được và không được mua.

2. Dùng tiền như một mồi nhử

Một số cha mẹ cảm thấy rằng việc trả tiền cho con khi chúng làm việc nhà là một ý kiến hay. Các chuyên gia phản đối điều đó, con bạn nên là một phần của gia đình, nên thực hiện các nhiệm vụ chung. Công việc là nhiệm vụ chung chứ không phải là cuộc thi để treo thưởng. Nếu bạn trả tiền cho con mỗi lần chúng làm việc nhà sẽ gây nên một tiền lệ xấu. Trẻ sẽ trở thành những người ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi mà không biết sẻ chia với bố mẹ.

Theo Ron Lieber thuộc Thời báo New York và là tác giả của cuốn “Đối diện hư hỏng: Nuôi dạy những đứa trẻ có căn cứ, hào phóng và thông minh về tiền bạc” khuyên cha mẹ rằng: "Người lớn không được trả tiền để làm những việc nhà và trẻ em lại càng không nên. Đó chỉ là trách nhiệm chúng ta cần làm để hỗ trợ nhau, vun vén tổ ấm. Nếu bạn nghĩ đó là sự rèn luyện và con phải được trả công xứng đáng thì đến khi trưởng thành, con đi làm rất khó thích nghi với môi trường, sinh ra bản tính tự phụ, làm gì cũng phải có điều kiện. Và nếu bạn muốn dạy con chăm chỉ, hãy đưa ra hình phạt nếu con không chịu làm chứ không phải treo thưởng".

Không trả tiền tiêu vặt cho mọi công việc nhà mà con là một bước đi khôn ngoan. Những công việc ‘cơ bản’ nên là một phần của cuộc sống của trẻ, ví như: dọn giường, dọn phòng và chăm sóc vật nuôi của riêng của chúng. Tuy nhiên, cha mẹ có thể khuyến khích các công việc ‘thêm’ bằng tiền tiêu vặt như hút bụi, giặt giũ thêm hoặc các trách nhiệm khác trong nhà.

3. Cho tiền vô độ

Khi cho trẻ tiền tiêu vặt, cha mẹ nên nhớ rằng cần phải có một “thời gian biểu” hợp lý với một số tiền nhất định. Nên cho trẻ nhỏ tiền tiêu vặt theo tuần, trẻ lớn có thể cho theo tháng. Tránh trường hợp một số phụ huynh thấy con hết tiền là ngay lập tức cấp thêm cho con. Cách cho tiền vô độ này sẽ khiến trẻ nghĩ rằng tiêu hết tiền bố mẹ sẽ lại cho. Nên dẫn đến trẻ chi tiêu một cách hoang phí, không biết tiết kiệm. Điều này là vô cùng nguy hiểm trong việc hình thành nhân cách của con bạn.

Nếu con bạn muốn có thêm tiền, hãy khuyến khích con cố gắng và kiếm được nó. Đừng đưa tiền trước cho trẻ hoặc đưa thêm tiền. Bằng cách này, cô ấy sẽ học cách quản lý ngân sách.

Để trẻ sử dụng tiền tiêu vặt một cách hợp lý, cha mẹ cần:

▪ Giúp con lập ngân sách. Hướng dẫn chúng phân bổ số tiền chúng sẽ chi cho các khoản mua sắm, số tiền dành để tiết kiệm và số tiền dùng để làm thiện nguyện.

▪ Hãy đặt ra giới hạn chi tiêu cho trẻ. Đừng quản lý vi mô cách con chi tiêu các khoản của chúng, nhưng hãy can thiệp nếu điều đó vi phạm quy tắc của bạn, ví dụ tiêu hết tiền vào đồ ăn vặt hoặc mua những thứ vô bổ.

▪ Hãy thực hiện kế hoạch đã thống nhất với con về số tiền và thời gian cho tiền, đừng cung cấp thêm tiền nếu chưa đến thời hạn.

▪ Làm gương cho cọn, hãy trở thành hình mẫu cho con noi theo. Thói quen tài chính của bạn sẽ ảnh hưởng đến con bạn. Nếu bạn thường chi tiêu quá mức cho những thứ không cần thiết, con sẽ nghĩ rằng đó là hành vi có thể chấp nhận được và chúng sẽ bắt chước điều đó.