VĂN HÓA

Cơm muối ẩm thực độc đáo hiếm có của Việt Nam

Nguyễn Hậu • 10-03-2023 • Lượt xem: 3596
Cơm muối ẩm thực độc đáo hiếm có của Việt Nam

Cơm muối nghe cái tên tưởng là món ăn dân dã dành cho người nghèo. Nhưng không phải vậy, cơm muối là một trong những món ăn sang quý, thuộc phương diện ẩm thực cung đình của người Huế.

Huế là mảnh đất cố đô không chỉ nổi tiếng với sự nguy nga tráng lệ của các lăng tẩm mà Huế còn được coi là kinh đô ẩm thực Việt Nam với những món ngon đậm chất cung đình. Ẩm thực Huế luôn khiến cho du khách nhớ mãi nhờ hương vị, cách chế biến độc đáo, trang trí rất kỳ công đẹp mắt mang đậm nét tinh hoa văn hóa dân tộc.

Cơm muối Huế là gì?

Cơm muối là một món ăn mang đậm nét tinh hoa văn hóa của người Huế. Ngày xưa cơm muối được coi là hàng cực phẩm cao sang dùng để phục vụ vua chúa, quý tộc thời xưa. Xã hội ngày càng phát triển, nhiều món ăn mới lạ hấp dẫn ra đời nhưng cơm muối vẫn được coi là đặc sản không thể thiếu của xứ Huế.

Muối - nguyên liệu chính tạo nên món cơm muối đặc sản Huế

Theo nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà - truyền nhân ẩm thực cung đình Huế cho biết các món muối tưởng rất đơn giản nhưng thể hiện triết lý tri túc của người Việt, khơi dậy sự khai hoang, chống chọi lại với thời tiết. Tuân thủ nghiêm ngặt yếu tố cân bằng “âm dương, hàn thực”. Lượng muối và cách chế biến, cách kết hợp nguyên liệu được điều chỉnh cho phù hợp theo mùa màng và thời tiết cũng như thời gian trong năm. Theo đó vào mùa có mưa nhiều, ẩm ướt, lạnh thì người Huế sẽ chế biến các món muối có vị cay mặn và ngọt, vào mùa nắng nóng, oi bức thì chế  biến các món muối có vị đắng và vị chua.

Cách chế biến cơm muối Huế

Người Huế xưa thường nấu muối trong các vại sành để muối bốc hơi rồi lắng tụ thành những hạt muối thô. Hạt muối này sau khi lắng tụ có màu trắng như bông tuyết. Quá trình làm muối rất cực khổ, công phu, thực hiện trong không gian nóng hầm hập, cẩn thận từng li từng tí để tạo ra những hạt muối trắng ngần. Những hạt muối cực phẩm này sau đó được dùng để làm nguyên liệu chính cho cơm muối trứ danh. 

Cơm muối cung đình Huế

Ngoài ra, cơm cũng là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên giá trị của món cơm muối quý tộc này. Cơm trong cơm muối phải được nấu bằng gạo Nàng Hương loại gạo giã sao cho vỏ lụa còn nguyên, hạt gạo không bị vỡ hay sứt mẻ. Và nấu bằng niêu đất nung làng Phước Tích có kích cỡ nhỏ, nấu sao cho khi chín cơm tỏa ra mùi thơm đặc trưng, nhưng hạt gạo không được nứt nở, cơm phải khô, tơi, xốp, không dính chùm vào nhau thì mới chuẩn nhất.

 Các loại cơm muối Huế

Cơm muối Huế như cái tên của nó là cơm ăn cùng với các loại muối. Lấy muối làm chính người ta tạo ra 3 loại muối: Muối thực vật gồm có muối mè, đậu phộng, tiêu, ớt, mơ, chanh... Muối cá thì có muối cá thu, cá rô đồng, cá bống, cá nục... Muối thịt gồm có muối thịt heo, bò, gà, dê... Các loại muối có đủ các vị như đắng, cay, chua, mặn, ngọt, bùi. Được chế biến theo nhiều phương thức khác nhau từ rang, chiên, trộn, muối, kho... Vì vậy món cơm muối tuy đơn giản nhưng lại giàu dinh dưỡng cân bằng được âm dương và là bài thuốc, bồi bổ sức khỏe.

Cách trình bày và số lượng món

Một phần làm nên giá trị của cơm muối vua chúa, quý tộc nằm trong khâu trình bày. Đĩa chén để đựng phải là đĩa sang trọng, có chất liệu tốt, chén có hoa văn thanh nhã và có chân cao. Bát cơm đặt ở giữa các đĩa muối sẽ được bày xếp vòng quanh trông như đóa hoa đang nở rộ với nhiều màu sắc khác nhau kích thích vị giác và thị giác.

Một bữa cơm muối bình dân có 9 loại muối

Một bữa cơm muối cho vua chúa có thể có hơn 20 loại muối đến 36 loại muối. Đối với những gia đình bình dân bữa cơm muối phổ biến có 9 loại muối. Người Huế thích số 9 "trùng trùng cửu cửu" mang lại ý nghĩa trường tồn, vững bền.

Khi ăn cơm muối cần giữ được phong thái lịch sự, ăn từ tốn, nhai chậm mới thưởng thức hết hương vị thơm ngon, mặn mà, dịu ngọt, thâm trầm của văn hóa ẩm thực Huế. Chế biến cơm muối là nghệ thuật của Huế vì vậy người thưởng thức cũng phải có chiều sâu văn hóa.