VĂN HÓA

Cồn cát Tottori - Địa điểm du lịch nổi tiếng đang dần biến mất tại Nhật Bản

Diễm Chi • 24-06-2023 • Lượt xem: 1256
Cồn cát Tottori - Địa điểm du lịch nổi tiếng đang dần biến mất tại Nhật Bản

Được hình thành bởi những trầm tích của ngọn núi Chūgoku, dưới tác động của gió và dòng chảy của con sông Sendagawa trong suốt hàng ngàn năm, Tottori trở thành một trong những cồn cát thu hút lượng lớn khách du lịch đến thăm tại Nhật Bản. Tuy nhiên, địa điểm này lại đang dần biến mất.

Xem thêm:

Gua bao - Món ăn đường phố độc đáo của Đài Loan

Cồn cát Tottori - Sa mạc duy nhất tại Nhật Bản

Được hình thành từ hơn 100.000 năm trước, cồn cát Tottori nằm bên bờ biển xinh đẹp của Nhật Bản thuộc tỉnh Tottori, vùng Chūgoku. Được du khách xem là sa mạc duy nhất của Nhật Bản, cồn cát Tottori có diện tích 16km2 với chiều dài 16km và rộng khoảng 2,4km. 

Có thể nói, cồn cát Tottori được xem là một trong những kiệt tác được thiên nhiên ban tặng với hình dáng đặc trưng của những dải cát dài và uốn lượn, tạo nên những đồi cát và cung đồng cỏ bạt ngàn.

Tùy theo mùa và sự thay đổi của thời tiết mà khi đến đây, du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ. Những hiện tượng đặc trưng có thể kể đến chính là: fumon (tụ cát), sachu (trụ cát) và saren (rèm cát). Tuy nhiên, fumon là hiện tượng xuất hiện nhiều nhất tại cồn cát Tottori. Khi gió thổi qua, cát được thổi lên cao tạo thành những cột cát dày đặc. Khi tốc độ gió vượt ngưỡng nhất định, các bức tường cát có thể có độ dày và chiều cao lên đến hàng chục mét.

Sachu, một trong những hiện tượng thiên nhiên xuất hiện tại cồn cát Tottori.

Mặc dù được xem là một môi trường khá khắc nghiệt, tuy nhiên, cồn cát Tottori cũng là điểm đến cho một số loài động, thực vật đặc biệt như cỏ biển và cỏ bụi. Ngoài các các loài động vật sống ẩn mình trong cát, chim cắt, bướm hay thằn lằn cũng lựa chọn nơi đây là một trong những điểm dừng chân trong cuộc hành trình của mình. Khi mùa thu đến, thảm thực vật nơi đây cũng khoác lên mình một sắc tím mộng mơ bao phủ những đồi cát vàng tạo nên một khung cảnh đẹp mắt.

Đến với cồn cát Tottori, du khách cũng có cơ hội trải nghiệm những hoạt động đặc biệt nơi đây như tận hưởng cảnh quan rộng lớn bằng cách đi dạo trên những bãi cát, trượt cát, bay dù lượn hay sử dụng xe đạp vượt địa hình. Đặc biệt, vào tháng 6 hàng năm, du khách có thể trải nghiệm thu hoạch một loại hành được trồng tại đồi cát Tottori, một trong những nguyên liệu đặc trưng để chế biến món kiệu muối Sakyu.

Du khách cũng có thể lựa chọn dừng chân, tìm một góc ngồi xuống, lắng nghe tiếng sóng biển rì rào và ngắm hoàng hôn trên cồn cát.

Được công nhận là báu vật thiên nhiên quốc gia của Nhật vào năm 1995 và công viên quốc gia năm 1963 nhưng đến thời điểm hiện tại, cồn cát Tottori, sa mạc duy nhất của Nhật Bản đang dần biến mất. 

Kiệt tác thiên nhiên đang dần biến mất

Trước những năm 1923, khái niệm về cồn cát Tottori còn khá xa lạ với người dân Nhật Bản. Tuy nhiên, khi xuất hiện trong tác phẩm của một tác giả nổi tiếng người Nhật, Takeo Arishima, cồn cát Tottori trở thành điểm đến thu hút lượng lớn khách du lịch đến thăm.

Ở thời điểm hiện tại, cồn cát được xem là một trong những trung tâm du lịch của tỉnh Tottori với lượng khách ghé thăm được ước tính khoảng 1,2 triệu người mỗi năm. Mang đến hàng triệu USD cho đất nước nhưng cồn cát Tottori đang dần bị thu hẹp do chịu nhiều tác động.

Với mục đích phục hồi và phát triển rừng, giúp ngăn chặn những ảnh hưởng của thiên tai và bảo vệ môi trường, các dự án trồng rừng và trồng cây đã được phát động và diễn ra một cách hết sức thành công trên khắp đất nước Nhật Bản. Chính vì vậy, so với 100 năm trước, cồn cát Tottori chỉ còn 12% so với kích thước ban đầu.

Cồn cát Tottori dần được phủ xanh bởi các hoạt động trồng cây.

Tiến sĩ Dai Nagamatsu, giáo sư chuyên nghiên cứu về cồn cát Tottori, trực thuộc Khoa Nông Nghiệp, đại học Tottori giải thích: "Trên khắp các quần đảo Nhật Bản, nhiều cây thông đã được trồng để ngăn cát bay. Đặc biệt, khi công nghệ ngày càng phát triển và có nhiều bước đột phá, các khu rừng ven biển đã được phát triển thành công đến nỗi nhiều cồn cát ven biển đã được chuyển đổi thành những cánh đồng và khu dân cư".

Vì sự phát triển của nền kinh tế và những mục đích nghiên cứu trong tương lai, ngay khi dự án trồng rừng được phát động trên cả nước, các nhà nghiên cứu, những công ty du lịch và lữ hành đã yêu cầu bảo vệ một phần của cồn cát. Các quan chức địa phương cũng đã đồng ý với đề xuất trên và giữ lại cồn cát hiện tại làm công viên quốc gia.

Bảo tồn thiên nhiên và du lịch cùng tồn tại song hành

Làm thế nào có thể bảo tồn thiên nhiên nhưng vẫn thúc đẩy được du lịch luôn là một trong những câu hỏi khiến các nhà nghiên cứu trăn trở. Có thể nhìn nhận một điều rằng việc trồng cây gây rừng sẽ là một trong những sự lựa chọn tốt nhất đối với sự phát triển của hành tinh, tuy nhiên, với những giá trị độc đáo mà cồn cát Tottori mang lại, nơi đây xứng đáng cần được bảo tồn.

Tiến sĩ Dai Nagamatsu chia sẻ: "Điều kiện môi trường của Cồn cát Tottori khác biệt so với các vùng đất khô do khí hậu ẩm ướt. Nhưng Đại học Tottori đang khuyến khích nghiên cứu vùng đất khô của Cồn cát Tottori này."

Khi công nghệ thực tế ảo ngày càng phát triển và đạt được một số thành tựu nhất định, những lo ngại về việc du lịch tại cồn cát hay những địa điểm khác không phải là một vấn đề đáng bận tâm. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo địa phương và các chuyên gia nghiên cứu vẫn quyết tâm xây dựng và quảng bá cồn cát Tottori như một địa điểm du lịch nổi tiếng.  

Một số nhà khoa học thậm chí còn suy đoán rằng khi khí hậu tiếp tục thay đổi, việc khôi phục cồn cát Tottori tự nhiên bên bờ biển của Nhật Bản có thể được bảo vệ mạnh mẽ hơn so với việc trồng rừng. Tuy nhiên, bên cạnh việc bảo vệ cồn cát, người Nhật vẫn sẽ trồng cây gây rừng để hạn chế những ảnh hưởng của thiên tai.