VĂN HÓA

Con dấu bảo vật của vua Minh Mạng được mang ra đấu giá tại Pháp

Hoài Việt • 28-10-2022 • Lượt xem: 654
Con dấu bảo vật của vua Minh Mạng được mang ra đấu giá tại Pháp

Việc công khai chào bán ấn vàng quý hiếm của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841) trên trang web chính thức của nhà đấu giá Millon tại Paris đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Đây được xem là sự kiện thu hút đông đảo sự quan tâm của các nhà sưu tầm cổ vật không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế. Cổ vật triều Nguyễn “Kim bảo tỷ” hiện đang được niêm yết giá ở mức 2 - 3 triệu Euro (481 tỷ đồng - 72,2 tỷ đồng). Phiên đấu giá được dự kiến tổ chức ngày 31/10.

Báu vật của hoàng đế 

Được biết, Millon là hãng đấu giá có trụ sở tại Paris (Pháp) ra đời từ năm 1928. Theo đó, đơn vị cho biết lần đấu giá này gồm có 329 cổ vật. Trong số đó có con dấu bảo vật của vua Minh Mạng, thuộc phiên bán hàng nghệ thuật Việt Nam và nằm ở lô 101 tại Millon. 

Với thông tin bài đăng từ Millon đưa ra, “Kim bảo tỷ” được đúc vào năm 1823 có chất liệu bằng vàng quý hiếm. Cổ vật nặng 10,78 kg và cao 10,4 cm. Hình dạng cấu trúc gồm phần dưới là một đế vuông kép xếp chồng (13,8 cm x 13,7 cm), bên trên là quai ấn hình rồng ngẩng cao đầu khí chất, mắt nhìn thẳng, trán rồng khắc chữ 王 (vua). Đuôi và vây dựng đứng, uốn khúc ra phía sau theo dạng xoắn ốc quanh thân. Bốn chân trụ vững chắc với 5 móng hiện rõ. 

Phía mặt trên của con dấu được khắc tỉ mỉ 2 dòng chữ: "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" ( nghĩa là được làm vào ngày 4 tháng 2 năm thứ 4 đời vua Minh Mạng (1823)) và "Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân" (làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân; tương đương 10,7 kg). Bên cạnh đó, phần đế cũng được khắc nổi 4 chữ triện "Hoàng đế chi bảo" mang nghĩa “Báu vật của hoàng đế”, chỉ dùng trong những dịp sắc phong cũng như văn bản quan trọng nhất của triều Nguyễn. 

Ghi nhận các mốc chuyển giao bảo vật 

Sau khi vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị vào chiều 30/8/1945, ông đã trao ấn Hoàng Đế chi bảo cùng với thanh bảo kiếm được trao lại từ vua Khải Định cho chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn. 

Sau đó vào thời điểm trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, nhà sử học Trần Huy Liệu là người tiếp theo tiếp nhận bộ ấn kiếm và chuyển về Hà Nội.

Trước tình hình căng thẳng khi Hà Nội lâm vào cảnh bị tái chiếm bởi thực dân Pháp, bảo vật lúc này được mang đi giấu tại làng Nghĩa Đô - vốn là xưởng in tiền của Việt Minh. Tuy nhiên không lâu sau đó vào năm 1947, ngôi nhà này cũng rơi vào tình cảnh bị phá huỷ. Mãi cho đến ngày 28/2/1952, hai chiếc hòm đựng bộ ấn kiếm mới vô tình được phát hiện bởi một tiểu đoàn Pháp do Toce Raymond làm tiểu đoàn trưởng. 

Ngày 8/3/1952, một sự kiện quan trọng diễn ra và được tạp chí Paris Match (Pháp) ghi dấu lại. Đó là đại diện Pháp trao lại cho cựu hoàng Bảo Đại hai món bảo vật quý. Tuy nhiên lúc này vua Bảo Đại đang ở Pháp. Vì vậy, Đoan Huy hoàng thái hậu và bà Mộng Điệp (thứ phi) đã đứng ra tiếp nhận ấn kiếm thay cho cựu hoàng. 

Đến năm 1953, bảo vật được bà Mộng Điệp chuyển giao cho hoàng hậu Nam Phương và cựu thái tử Bảo Long. Tiếp đến năm 1963, hoàng hậu Nam Phương qua đời. Ấn được thái tử mang đến ký gửi tại Union des Banques Européennes (Ngân hàng châu Âu). Tuy nhiên đến khi bà Mộng Điệp có nhã ý mượn lại thì Bảo Long lại không đồng ý. Vì lí do này, Bảo Đại kiện con trai ra tòa án tại Pháp để đòi lại bảo vật. Sau vụ kiện, Bảo Đại chính thức được quyền sở hữu lại kim ấn. 

Vào năm 1982, Bảo Đại kết hôn cùng một phụ nữ Pháp - quý bà Monique Baudot. Tháng 8/1997, trước khi qua đời, ông đã viết di chúc với nội dung trao lại toàn bộ tài sản dưới quyền thừa kế của vợ, trong đó bao gồm cả con dấu vàng. Cuối cùng đến năm 2021, bà Monique Baudot qua đời, những người thừa kế được giao hưởng tài sản. Đến hiện tại, số tài sản này được mang đi đấu giá. 

Mong muốn đưa bảo vật hồi hương

Đại diện Cục Di sản Văn hoá cho rằng “Nếu đó là ấn Hoàng đế chi bảo thì bên cạnh ý nghĩa về lịch sử, văn hóa..., xét về khía cạnh chủ quyền sở hữu, ấn được dùng cho hoạt động công quyền, chính sự của đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử". 

Ngay sau khi nhận được nguồn thông tin về phiến báo đấu giá bởi nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đức Anh Sơn và Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Đoàn, Cục Di sản Văn hoá ráo riết liên hệ với phía đại diện nhà đấu giá Million để xác minh tính chính xác của hiện vật. Bên cạnh đó là những thông tin khác có liên quan như tính hợp pháp, chủ sở hữu, giá dự kiến, khả năng mua trực tiếp… để có thể lên phương án đưa cổ vật về nước nhà sớm nhất có thể.