Duyên Dáng Việt Nam

COVID-19 đang lây nhanh kỷ lục trên toàn thế giới khi các nước mở cửa trở lại

DDVN • 20-06-2020 • Lượt xem: 521
COVID-19 đang lây nhanh kỷ lục trên toàn thế giới khi các nước mở cửa trở lại

Theo số liệu sáng nay, toàn thế giới đã ghi nhận thêm 170.000 ca mới nhiễm virus COVID-19, nâng tổng số người nhiễm lên 8.739.787. Đây là tốc độ lây lan nhanh nhất từ trước đến giờ và đã có 461.624 ca tử vong.

Tin, bài liên quan:

Phi công người Anh liên tục gọi điện cho người thân báo tin tình hình sức khỏe

Phát biểu tại cuộc họp báo từ trụ sở WHO ở Geneva (Thụy Sĩ) vào 19.6, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong ngày vừa qua đã “ở mức cao nhất từ trước tới nay tính trong vòng 24h.

Số liệu của WHO cho thấy những ngày gần đây, thế giới đã chứng kiến số lượng ca mắc COVID-19 mới vượt quá ngưỡng 150.000 ca mỗi ngày. Riêng 24 giờ qua thì số ca nhiễm mới là gần 170.000. Theo số liệu sáng nay từ worldometers.info, toàn thế giới đã ghi nhận 8.739.787ca nhiễm virus COVID-19, trong đó có 461.624 ca tử vong.

Brazil đã vượt qua mốc 1 triệu người nhiễm COVID-19

Theo ông Tedros Ghebreyesus gần một nửa số ca mắc này được ghi nhận ở châu Mỹ, trong khi khu vực Nam Á và Trung Đông cũng ghi nhận số lượng bệnh nhân lớn. Người đứng đầu WHO nói: “Nhiều người đã chán ngán việc ở nhà. Nhiều quốc gia đang háo hức mở cửa các hoạt động xã hội và kinh tế cho dù virus SARS-CoV-2 vẫn lây nhiễm nhanh. Virus này vẫn gây chết người và hầu hết mọi người vẫn dễ mắc bệnh”.

Cho đến lúc này, các nước châu Âu đã bắt đầu kiểm soát dần được dịch bệnh với số ca nhiễm mới chỉ còn vài trăm mỗi ngày (trừ Anh và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ghi nhận hơn 1.000 ca mỗi ngày). Tuy nhiên, tình hình dịch lại lây lan nghiêm trọng ở châu Mỹ, đặc biệt là Brazil.

Brazil đã trải qua một ngày tồi tệ khi ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục từ đầu dịch: 49.554. Con số đó cũng chính thức đưa Brazil trở thành nước thứ hai vượt qua mốc 1 triệu người nhiễm COVID-19, chính xác là Brazil đã ghi nhận 1.032.913 ca nhiễm và số ca tử vong tại Brazil đã là gần 49.000 người. Với tốc độ gần đây giảm xuống 1.000 ca tử vong vì COVID-19 mỗi ngày thì Reuters đáng giá khả năng Brazil chạm mốc 50.000 ca tử vong vào cuối tuần này là chuyện trong tầm tay.

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong tổng số 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dịch COVID-19, với 2.294.824 ca nhiễm và 121.384 ca tử vong.

Nga là nước có số người nhiễm cao thứ 3 thế giới 569.063 ca nhiễm và 7.841 ca tử vong; Ấn Độ với 395.182 ca nhiễm và 12.970 ca tử vong. Hiện Ấn Độ là nước có tình hình lây lan nhanh và số người nhiễm cao nhất khu vực châu Á. Trung Quốc, nơi bắt đầu bùng phát dịch bệnh đã ở ngoài top 20 nước có nhiều ca nhiễm nhất.

Còn tại khu vực Đông Nam Á, trang thống kê worldometers.info, tính đến 23 giờ 59 phút ngày 19.6 ghi nhận có tổng cộng 126.506 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.717 ca tử vong, tăng 48 trường hợp so với một ngày trước đó. Khu vực cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 69.337 trường hợp.

Trong ngày 19.6, Indonesia vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Nước này ghi nhận 1.041 ca nhiễm mới và 34 ca tử vong. Tình hình tại Singapore khả quan hơn. Bộ Y tế Singapore cho biết, ngày 19.6 nước này ghi nhận 142 ca nhiễm virus, nâng tổng số ca bệnh lên 41.615 trường hợp. Trong số các ca nhiễm mới có một trường hợp duy nhất lây nhiễm cộng đồng liên quan đến một tù nhân trong chuyến thăm xã hội. Con số bệnh nhân nhiễm mới trong ngày 19.6 là thấp nhất kể từ ngày 8.4. Đa số người mắc bệnh vẫn các công nhân nhập cư.

Trong khi dịch đã dịu đi đáng kể tại Singapore thì tại Philippines, vẫn có tới 660 ca nhiễm mới và 14 ca tử vong trong ngày. Trong ngày, ba nước gồm Thái Lan, Việt Nam, Myanmar đã ghi nhận thêm các ca lây nhiễm có kiểm soát và tiếp tục chuỗi ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Bản tin lúc 18h ngày 19.6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã phát hiện 7 trường hợp mắc COVID-19 là người trở về từ Châu Âu (Thụy Điển, Phần Lan), được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 349 ca

Liên quan đến vắc-xin phòng chống COVID-19, Tổng Giám đốc Tedros Ghebreyesus cho hay các nhà khoa học trên khắp thế giới đang khẩn trương phát triển ít nhất 141 loại vắc-xin, trong đó 13 loại đang được thử nghiệm lâm sàng. Song ông cũng lưu ý rằng phát triển một vắc-xin an toàn và hiệu quả sẽ là một lộ trình rất khó khăn và lịch sử chưa hề có loại vắc-xin coronavirus nào được sản xuất.

(Theo MTG)