Duyên Dáng Việt Nam

“Cu đơ” – Hương vị ngọt ngào tình người Hà Tĩnh

Phạm Trang • 28-07-2020 • Lượt xem: 920
“Cu đơ” – Hương vị ngọt ngào tình người Hà Tĩnh

“Chơ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh,...”, câu hát ngân lên làm biết bao con người Hà Tĩnh xa quê không khỏi bồi hồi nhớ về vùng đất đầy nắng và gió này. Và đã là người Hà Tĩnh thì không thể nào không biết đến kẹo Cu đơ – loại đặc sản với hương vị ngọt bùi của mật mía, cay cay của gừng, giòn tan của đậu phộng và bánh tráng.

Cái tên Cu đơ nghe thật lạ lẫm nhưng đằng sau nó là một giai thoại bắt nguồn từ một câu chuyện cảm động. Người đời truyền miệng nhau rằng, xưa kia ở một làng tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, có một gia đình nghèo có 2 người con trai. Cậu con trai cả đã lớn, thưa với bố mẹ muốn lấy vợ. Vì không có tiền mua sinh lễ cũng như làm cơm thiết đãi hàng xóm, người cha bèn nảy ra ý nấu sôi mật mía rồi đổ lạc (đậu phộng) vào. Không ngờ khi ăn ai cũng khen ngon. Từ ấy, ông tiếp tục nấu mật mía với lạc và gọi là kẹo lạc. Sau đó để nhớ ơn người đã tạo ra thứ kẹo này nên nhân dân gọi thành kẹo “cu Hai”, ý chỉ một người cha có 2 người con trai. Sau này khi phong trào Tây học nở rộ, mọi người mới bắt chước và thay từ “Hai” bằng tiếng Pháp là "Deux" cho  độc đáo và tri thức. Do đó, kẹo ‘cu Hai” biến thành "cu deux", đọc là cu đơ.

Và cũng kể từ đó kẹo “Cu đơ” trở thành đặc sản của Hà Tĩnh. Nó trở thành một món quà không thể thiếu mỗi khi có du khách từ các vùng miền tới tham quan. Người Hà Tĩnh cũng dùng kẹo cu đơ để thiết đãi khách quý như cũng như giới thiệu một đặc sản truyền thống của quê hương mà họ rất trân quý, tự hào.

Để sản xuất ra keo Cu đơ thì cần chuẩn bị:  

 Đậu phộng

 Mật mía

Mạch nha

 Gừng

Bánh đa nướng (bánh tráng nướng)

Cách làm thành một miếng cu đơ thơm ngon:

Đầu tiên, cần rang vàng đậu phộng lên, gừng đem rửa sạch, cảo vỏ rồi thái nhỏ. Cho mật mía và mạch nha vào chung một nồi, đun trên bếp với lửa vừa, khi thấy hỗn hợp mật mía sôi thì hạ lửa, đem khuấy đều. Khi thấy mật nấu đủ độ thì cho gừng thái nhỏ và đậu phộng rang vào, đảo đều rồi tắt. Nhanh tay múc đậu phộng còn nóng dàn dều lên bánh đa.

Kẹo Cu đơ có thể ép thêm một lớp bánh đa phía trên tùy theo sở thích của mỗi người. Nên bảo quản bánh trong lọ kín hoặc túi nilon để giữ cho bánh luôn cứng và giòn.

 Trên cơ sở hình thành, kẹo Cu đơ ngày nay đã được sản xuất nghiêm ngặt với quy trình chọn lọc với nhiều hình thức và kiểu dáng khác nhau, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thưởng thức kẹo cu đơ cùng nước chè xanh

Cắn một miếng cu đơ, uống ngụm chè tươi mà vị ngọt và chát hòa tan rất thú vị. Kẹo Cu Đơ phối hợp hài hòa giữa mật, đậu phộng, bánh đa, nước gừng,... tạo nên một hương vị không thể nào cưỡng lại được. Một miếng kẹo Cu Đơ ngon khi ăn phải giòn, hội đủ vị ngọt mát của mật-nha, vị béo bùi của đậu phộng, vừng, bánh đa, có vị cay ấm của gừng pha một chút chua nhẹ của chanh... Người ta ăn kẹo Cu Đơ thường uống kèm nước chè xanh (loại nấu bằng lá chè còn tươi) vào những ngày se lạnh thì tuyệt vô cùng. Vị béo, ngọt, cay cứ dìu dịu tỏa nơi đầu lưỡi truyền hơi ấm vào cơ thể ta, tạo cảm giác ấm áp khó quên. Cu đơ kết hợp với bát nước chè tươi cùng đôi câu chuyện ở chốn thôn quê bình dị thấy cuộc sống biết bao. Cu đơ còn mang một nét văn hóa độc đáo của mảnh đất đầy lam lũ này.

Giờ đây, cuộc sống của con người ngày càng phát triển, xu hướng xa quê hương để tìm tới các thành phố lập nghiệp ngày càng cao. Vì thế, mỗi thức quà mang đặc trưng của quê hương sẽ mang một giá trị to lớn trong lòng những người con xa quê, nó gợi lại trong tâm hồn những người con xa xứ bao cảm xúc về mảnh đất khô cằn sỏi đá nhưng vô cùng ấm áp và bình dị này.