GIẢI TRÍ

Cười ra... nước mắt với thiết kế phim (P.1)

Lữ Đắc Long • 08-07-2019 • Lượt xem: 2014
Cười ra... nước mắt với thiết kế phim (P.1)

Họa sĩ thiết kế được xem là “tứ trụ” của một đoàn phim bên cạnh Đạo diễn, quay phim, và chủ nhiệm. Tuy “quyền lực” là vậy, lại đòi hỏi trình độ cao, nhưng túc trực xuyên suốt cùng đoàn phim, lắm lúc thiết kế tạo nên những câu chuyện cười ra... nước mắt.

 

Tin, bài liên quan:

Bi, hài đóng phim với… siêu sao (P.1)

Bi, hài đóng phim với… siêu sao (P.2)

NSND Lý Huỳnh: Điện ảnh - võ thuật là đam mê (P.1)

NSND Lý Huỳnh: Điện ảnh - võ thuật là đam mê (P.2)

Thiết kế hại diễn viên

 

Trong phim Một thời ngang dọc của đạo diễn Xuân Cường có cảnh đánh nhau giữa tướng cướp Ba Lành (Quyền Linh đóng) với võ sư Campuchia Xavirit (võ sư Quốc Cường), và võ sĩ Pháp (diễn viên RaJa thể hiện). Đây được xem là các trận đấu ác liệt nhất của phim. Theo kịch bản, để tăng cường khí thế trước khi giao đấu, mỗi nhân vật sẽ được đạo diễn cho thể hiện vài chiêu thức độc đáo để thị uy. Quyền Linh ốm yếu hơn so với hai bạn diễn, chọn bài trường côn với các đòn thế linh hoạt, xem ra cũng giông giống… tướng cướp. Vốn là võ sư thứ thiệt nên thầy võ Campuchia Quốc Cường trổ tài bằng cách dùng dừa khô đập vào đầu bôm bốp, đập tới đâu dừa khô bể tung tóe đến đó. Đặc biệt, võ sư Cường la hét rất dữ dội trong các thế tấn, đấm đá vào không trung, khiến ai nấy ở trường quay đều bị “hút hồn”.

 

Diễn viên RaJa trong phim "Một thời ngang dọc"

 

Trong phim này diễn viên gốc Ấn RaJa, đóng vai võ sĩ Pháp, vốn là võ sĩ quyền anh nên đạo diễn cho chào sân khá ấn tượng: Ngay từ ngoài cổng, một cascadeur lộn vòng đáp xuống, tung năm cú đấm liên tục vào bụng mà RaJa không hề hấn. Ngược lại, chỉ sau cú đập bằng đôi “tay thép” của anh, chàng võ sĩ kia gục ngay tại chỗ.

 

RaJa lệnh cho tên lính cầm tấm ván bự bước ra, sau tiếng thét, anh tung cú đấm như trời giáng làm tấm gỗ vỡ tan, bụi bay mù mịt. Tiếng vỗ tay thán phục vang lên ào ạt. Hấp dẫn hơn khi Raja dùng thế cương đao phạt mộc (dùng tay chặt gỗ) điệu nghệ hạ nhánh cây án ngữ trước mặt để “hù” thiên hạ. Để làm được cảnh này, tổ thiết kế đã cưa trước nhánh cây hơn phân nửa, sau đó cột kẽm giấu bên trong, rắc thêm bột mì, để khi RaJa tung chiêu sẽ phối hợp làm nhánh cây gãy tung bụi.

Sau khi thiết kế bối cảnh đâu vào đó, lệnh quay của đạo diễn vang lên, RaJa ngạo mạn, oai dũng tiến về hướng nhánh cây, tung cú “cương đao phạt mộc”. Theo đúng kịch bản, khi chặt chỉ cần chạm nhẹ là nhánh cây sẽ gãy lìa, nhưng đến cú chặt thứ ba mà cây vẫn cứ trơ trơ, chỉ có chút xíu… bột mì bay là là phía trước!

Đạo diễn bực tức la làng: “Cái gì vậy trời? Tại sao nhánh cây không gãy, còn ông võ sĩ Pháp chặt cái gì mà mặt bí xị thế?”. Phó đạo diễn chạy ra, thấy RaJa nhăn nhó xoa tay bị sưng như tay voi. Đến phút này anh thiết kế mới thật thà: “Sáng giờ cảnh đấm đá nào ổng làm cũng siêu quá, cứ tưởng ổng là võ sư thiệt sẽ “đo ván” nhánh cây dễ ẹc, nên em không… cưa nhiều chờ xem cho đã mắt. Thôi quay lại đi, em sẽ cho cưa sát vỏ cây luôn, chỉ cần chạm đến, em giựt dây là gãy liền”. Đạo diễn la lớn: “Trời ơi, đóng phim mấy ông nội thiết kế ơi, làm gì có võ sư thiệt ở đây!”.

 

Khổ thân bình hoa… giả

Trong phim Thám tử miệt vườn của đạo diễn Võ Tấn Bình có cảnh quay nhóm thám tử gồm Nhã Phương, Ngọc Thuận, Nhan Phúc Vinh đột nhập vào nhà ông trùm (Nguyên Khôi đóng) phá đường dây buôn bán ma túy. Biết mình bị bại lộ, ông trùm nhanh trí xử đẹp tên đàn em để lộ chân tướng, bằng cách chụp bình hoa đập thẳng vào đầu tên này đến… phun máu. Chỉ mới đọc kịch bản thôi, anh đóng vai giang hồ đã xanh mặt. Không xanh sao được khi ông trùm Nguyên Khôi vốn là võ sư thứ thiệt, lại được đạo diễn khích lệ: “Tôi thích quay thật, không “chơi” cắt ghép, một take ăn ngay. Anh cứ đập như thật, chính xác đập vào đầu cho tôi! Có chuyện gì tôi lo”.

 

 

Đạo diễn Võ Tấn Bình chỉ đạo cảnh quay trong phim "Thám tử miệt vườn"

 

Trước thái độ dứt khoát của đạo diễn, cả hai diễn viên đóng vai giang hồ và ông trùm đều… run, bởi nếu lỡ tay, chuyện nứt sọ não là có thật. Để hạn chế nguy hiểm, cả hai cố gắng tập thử nhiều lần. Ông trùm lột tả cảm xúc giận dữ bằng cách lấy cuốn kịch bản vo tròn lại, đập thẳng vào đầu anh giang hồ nhiều lần cho… chắc ăn. Máy! Diễn! Qua hai câu thoại đối đáp, ông trùm tức giận la hét, lao tới túm áo, lên gối, đấm thẳng vào mặt tên đàn em cái bốp khiến hắn văng ra ngoài. Ông Trùm chụp luôn bình hoa trên bàn, nhưng do hơi khớp, anh đập… sượt qua đầu tên đàn em. Bình bể tan tành, nhưng đầu người bị đập không đổ máu như dự định. Cắt! Tiếng đạo diễn la làng: “Đập hụt rồi anh ơi. Quay lại!”.

Tổ thiết kế đem đến bình hoa thứ hai, kèm theo lời dặn “ông trùm”: “Cái bình này mấy trăm ngàn, phải đặt trước mới có. Giờ chỉ còn một cái, anh cố gắng diễn chính xác, nếu không được là… xong phim”. Cả hiện trường im phăng phắc hồi hộp. Đạo diễn lại công bố: “Đây chỉ là cái bình giả, không việc gì phải sợ, cứ đập thoải mái cho tôi”. Nghe thì nghe, nhưng run thì vẫn… run. Trước khi diễn, “ông trùm” tới động viên đàn anh: “Thôi anh ráng cho em đập một phát nhe, chứ diễn không tới đạo diễn chửi thì anh em mình quê lắm”. “Đàn em” trong phim cười như mếu.

 

 

Tất cả sẵn sàng. Máy! Diễn! Lần này thể hiện sự tập trung cao độ, ông trùm la to giận dữ như muốn ăn tươi nuốt sống đàn em. Vừa la hét ông vừa túm áo đánh, thuận tay cầm cái bình quất thẳng vào đỉnh đầu tên đàn em cái bốp. Bình bể tan, rất tuyệt. Cả đoàn phim nín thở, vừa hồi hộp vừa vui vì cảnh diễn quá tuyệt vời. Cắt! Tiếng đạo diễn lại vang lên bực dọc: “Chết tôi rồi mấy cha! Bị đập bể nguyên cái bình bông trên đầu mà không thấy… đau đớn gì hết là sao?”. Cả đoàn ngớ ra ngạc nhiên. Lúc này, tên “đàn em” mới ỏn ẻn phân trần: “Dạ, em rất tập trung, thấy anh ấy đập đầu đàng hoàng, nhưng đập lẹ quá, em không thấy đau thì làm sao diễn… đau!”. Đến lúc này, cả đoàn mới vỡ lẽ, do cái bình hoa giả của tổ thiết kế quá dễ bể, nên mới có chuyện đập đầu phun máu mà… hổng đau. Sau cảnh quay “chảy máu không đau”, đoàn phim phải ngưng chơi mấy bữa chờ tổ thiết kế đi đặt cái bình khác để quay lại!

 

(Còn tiếp)