VĂN HÓA

Cuốn sách kinh điển về nghệ thuật chơi sách

Ly Ly • 02-12-2023 • Lượt xem: 1180
Cuốn sách kinh điển về nghệ thuật chơi sách

 

Tác phẩm của cụ Vương Hồng Sển, xuất bản lần đầu tiên năm 1960, là một trong những cuốn sách đầu tiên thử tìm cách định nghĩa về “thú chơi sách” và bàn luận về nhiều khía cạnh của cái thú nhàn, thú phong lưu này. Qua thời gian, cuốn sách đã trở thành “kinh điển”, thành sách gối đầu giường cho nhiều người đọc có niềm đam mê với sách, hay như cụ Vương Hồng Sển giải nghĩa, là những người “si tình” vì sách.

 

Người quý trọng sách thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ sẽ dễ dàng bắt gặp mình trong tác phẩm này. Những suy nghĩ, chiêm nghiệm và tâm sự của cụ Vương Hồng Sển về sách, về giá trị cùng cái đẹp của sách và nghệ thuật chơi sách hẳn sẽ nhận được sự tán đồng, tâm đắc của bạn đọc.

Mượn lời của nhiều tác giả, cụ Vương Hồng Sển gọi “những pho sách xinh xinh” là “bằng hữu”, những người bạn “không khi nào phiền nhiễu tôi, và một khi tôi hỏi han điều gì, vẫn có câu trả lời túc trực. Có bạn nhắc tôi những dĩ vãng êm đềm năm cũ, có bạn chỉ tôi những huyền diệu trong vũ trụ hiện thời. Bạn dạy tôi sống cho phải đường, bạn dạy tôi chết cho phải cách”. Ngoài ra, sách còn là “một quà hữu ích, khả lân khả ái”, có khả năng “dạy khôn dạy khéo, vừa an ủi cơn sầu, vừa giúp vui và gây phấn khởi; sách làm đời sống tinh thần người đọc thêm hào hứng, hùng mạnh”.

Yêu sách như vậy, người chơi sách cũng biết phân biệt sách hay sách dở, ban đầu thâu lượm tất cả những sách gặp được, sau đó chắt lọc lại, “tự mình làm thầy, tự mình học hỏi lấy mình”, chọn giữ lấy những gì đáng quý. Đặc biệt, người chơi sách cũng đặc biệt mê thích sách lạ, sách in khéo, bìa đẹp, nhưng đặc biệt quý trọng giá trị nội dung, cái giá trị giúp cho cuốn sách thành “trường cửu”. 

Xuất phát từ ham thích tìm tòi của một học giả, nhà sưu tầm, cụ Vương Hồng Sển đặc biệt thích thu thập về nhiều ấn bản khác nhau của cùng một tác phẩm, từ ấn bản đầu tiên đến những bản in giấy đẹp, có chữ ký tác giả, có minh họa hay có thêm nội dung đặc sắc. Trong Thú chơi sách, cụ đã hãnh diện kê ra 26 ấn bản Truyện Kiều và 11 ấn bản Lục Vân Tiên mà cụ sưu tầm được, mỗi bản mang một giá trị riêng.

Người yêu sách thời nay cũng sẽ lấy làm thích thú và đồng cảm khi cụ Vương bày tỏ ước mơ được mở một hiệu sách quý sách cổ, sự kén chọn với từng cuốn sách và bìa sách, hay sự buồn bực trước “cái họa cho mượn sách”:

Truyện hay mua lấy để mà coi,
Tới mượn không cho nói hẹp hòi,
Quân tử trao ra nào có tiếc,
Mất công cho mượn, mất công đời (Khuyết danh)

Cụ Vương giục giã mọi người làm sao cho xứng là người chơi sách, “biết thương sách, mê sách, biết chơi sách và trân trọng xem cuốn sách như những người bạn tốt”, “cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa”. Đặc biệt, cụ khuyến khích mọi người đọc nhiều sách, tủ sách người Việt cần có cả sách Pháp, sách Anh, sách Trung-Hoa, nhưng cần kíp là phải cứu với sách chữ Nôm, một bộ phận quý giá của ngôn ngữ dân tộc. Nỗi lo nỗi thương của cụ dành cho sách và ngôn ngữ chứng tỏ tấm lòng của một nhà văn hóa.

Song song với những suy nghĩ chung về sách, cụ Vương Hồng Sển cũng chia sẻ về tuổi thơ đọc sách của mình, về người mẹ đã gieo vào lòng ông tình thương với sách, và về những câu chuyện hoặc con người thú vị mà ông tao ngộ trên hành trình sưu tầm sách của mình. Những mẩu truyện nhỏ này góp phần giúp ta hiểu thêm về chính con người của cụ Vương Hồng Sển, một trong những học giả uy tín nhất về Nam bộ, và về thời đại mà cụ sống. 

Thú chơi sách đã giải mã những vấn đề thú vị và những bí mật mà không phải ai cũng biết trong nghệ thuật chơi sách từ đông sang tây, xưa tới nay, và không khó để hiểu được tại sao mà nó trở thành “kinh điển” trong thể loại sách nói về sách. Bạn đọc hiện đại chắc chắn sẽ rất vui thích khi nhận ra cái chung và cái riêng của người xưa và người nay trong cách thưởng thức và giữ gìn sách. 

Là tựa sách gối đầu giường của người yêu sách nhiều thế hệ, Thú chơi sách hiển nhiên trở thành một tác phẩm không thể thiếu đối với những người có chung nỗi thương với sách như cụ Vương. Kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1960 tại Sài Gòn (nhà sách Khai Trí), những ấn bản xưa của Thú chơi sách luôn được độc giả săn lùng. Năm 2019, một ấn bản xưa của Thú chơi sách đã thắng đấu giá 35 triệu trong một cuộc đấu giá sách xưa và hiếm tại Đường sách TP.HCM.

Hiểu được mong muốn của bạn đọc, NXB Trẻ phát hành một ấn bản mới thật đẹp của cuốn sách xưa này. Sách có bìa cứng mang phong cách cổ xưa, thêm bìa áo bọc ngoài trang trọng, và những tấm hình do biên tập viên chụp tại chính Vân Đường phủ, căn nhà của cụ Vương Hồng Sển. Phần mục lục chi tiết, nêu rõ nội dung từng phần nhỏ vốn không có sự tách biệt trong sách, giúp bạn đọc thuận tiện tra cứu và tham khảo.

Nội dung sách cũng đặc biệt bám sát ấn bản xưa, với cách viết gạch nối và những từ cổ có thể xa lạ với độc giả hiện đại, nhưng hàm chứa nhiều thông tin quý giá về chữ quốc ngữ một thời và ngôn ngữ miền Nam. 

Đây là một ấn bản đẹp về cả hình thức lẫn nội dung, giúp bạn đọc khám phá mọi sắc thái của cái thú chơi phong lưu bậc nhất là chơi sách, qua đó khơi gợi trong mỗi con người khát khao lưu giữ vốn tri thức và văn hóa chung của dân tộc.

Vương Hồng Sển (1902 - 1996) bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai, là nhà văn hóa, học giả, người sưu tầm cổ ngoạn có uy tín trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam nhờ vốn hiểu biết sâu rộng về miền Nam. 

Ông sinh ra ở Sóc Trăng, mang trong mình ba dòng máu Kinh, Hoa và Khmer. Sau khi đậu bằng Brevet Elémentaire (bằng Thành Chung), ông làm công chức ngạch thư ký và công tác ở nhiều nơi từ năm 1923 đến năm 1943, trong đó có dinh Thống đốc Nam Kỳ (1939 – 1943) và làm đến Phó Ban hành chánh của chính phủ thời Pháp thuộc. Từ năm 1948, ông làm Quyền quản thủ thư viện trong Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn cho đến khi về hưu vào năm 1964.

Niềm đam mê trọn đời của Vương Hồng Sển là đọc sách, sưu tầm, tìm tòi và ghi chép tất cả những điều tai nghe mắt thấy. Ông say mê đồ cổ, quyến luyến những giá trị cũ xưa và thích khảo cứu về các trò chơi cổ truyền như đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng kiểng, nghệ thuật chơi cổ ngoạn, chuyện tiếu lâm xưa và nay. Có thể xem ông như một kho tàng sống về những lĩnh vực đó. 

Các tác phẩm của ông phần nhiều thuộc dạng hồi ký, bút ký. Chúng là nguồn tư liệu sống động cho thấy đời sống, suy nghĩ, văn hóa ở xã hội năm xưa. Những tư liệu mà ông thu thập và ghi chép là nguồn tài liệu lịch sử và văn hóa quý giá cho những ai muốn tìm hiểu về nhiều khía cạnh của đời sống ở miền Nam qua nhãn quan một chứng nhân thời cuộc.

Học giả Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “Chúng ta nên cảm ơn ông đã ghi lại - mặc dầu là hấp tấp trong sự trình bày - vô số tài liệu mà trong mấy chục năm, ông đã tốn công đi sưu tầm khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và các vùng lân cận. Về nhà cân nhắc chọn lựa với tinh thần thận trọng đáng khen...”

“Nhà Nam bộ học” Sơn Nam từng nhận xét về ông rằng những gì ông viết có khi chỉ là “chuyện lụn vụn ‘tào lao’, ‘loạn xà ngầu’, nhưng với những người đến sau, nó mang một giá trị to lớn, nó chất chứa những niềm say mê và quyến rũ”. 

Khi qua đời, ông đã hiến tặng ngôi nhà (Vân Đường phủ) và bộ sưu tập cổ vật của mình (tổng cộng 849 món) cho Nhà nước Việt Nam. Ngày 5/8/2003, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định xếp hạng ngôi nhà là di tích cấp thành phố và là di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống.