VĂN HÓA

Đã qua 20/10, thử bàn một chút về Quyền bình đẳng giới

Ngọc Hùng • 28-10-2022 • Lượt xem: 946
Đã qua 20/10, thử bàn một chút về Quyền bình đẳng giới

Tôn trọng và yêu thương nữ giới là một việc làm nên được khuyến khích vì đó là một hành động đẹp của các quý ông. Do đó, ngoài ngày 8/3, sinh nhật, chúng ta còn có thêm ngày 20/10 để tôn vinh những người phụ nữ là mẹ, là chị em, là người yêu hay đồng nghiệp.

Chắc chắn trong ngày 20/10, Ngày phụ nữ Việt Nam mà nói về quyền bình đẳng giới chẳng thú vị chút nào vì đó là sự thiếu tế nhị dù vấn đề được tiếp cận theo hướng nào. Nay ngày 20/10 đã đi qua, thử bàn một chút về quyền bình đẳng giới.

Trong một buổi học với một lớp sinh viên năm nhất Đại học tại TP.HCM, tôi có đưa ra hình ảnh một thầy đứng trên giảng đường với hình ảnh mặc quần đùi để minh học cho việc khuyến khích sinh viên sáng tạo, để lấy ý kiến nhanh của sinh viên.

Giáo sư Trương Nguyệt Thành trong một lần giảng bài với quần đùi và tạo ra những phản ứng "trái chiều" ngay sau đó trên cộng đồng mạng. Và sau đó, nhiều người gọi ông với tên gọi "Giáo sư quần đùi" như một thương hiệu cá nhân của ông. Ảnh: TNO

Kết quả, ý kiến của sinh viên chia làm hai phe là ủng hộ và không/chưa ủng hộ. Đây chỉ là một khảo sát có giá trị trong môn học nhưng qua đó tôi cũng có cơ hội hiểu hơn về suy nghĩ của các bạn sinh viên.

Dĩ nhiên, sau đó, các sinh viên sẽ được hỏi lý do vì sao mình chọn đứng về phía ủng hộ hay phía chưa/không ủng hộ. Ý kiến khảo sát này được thực hiện trong 2 năm liên tiếp và cùng một đối tượng là sinh viên năm nhất.

Sau khi nghe các bạn trình bày lý do, tôi hỏi một bạn nữ - người đứng về phía không ủng hộ rằng, nếu người thầy giáo (trong tấm hình phía trên) được thay thế bằng một cô giáo và chiếc quần đùi được thay bằng một chiếc váy đến đầu gối thì em có còn giữ quan điểm (phản đối) của mình nữa hay không?

Không những bạn sinh viên nữ ấy im lặng mà những bạn chọn chưa/không đồng ý cũng im lặng và bắt đầu trả lời theo hướng vòng vo cho câu hỏi này. Có thể, sau khi nghe câu hỏi của tôi, trong đầu các bạn bắt đầu hiện lên những so sánh hay thắc mắc nào đó về chuyện này. Kế quả khảo sát nhanh cũng cho thấy, năm nay số lượng sinh viên ở phía “đồng ý -  không phản đối” cao hơn năm trước, nếu năm trước là tỷ lệ 50/50 thì năm nay là 70/30.

Xin nói thêm, ý tưởng khảo sát này có được sau khi tôi có tham gia một chương trình học bổng về bình đẳng giới cho báo chí, tại đây, chúng tôi - những người đang làm trong môi trường báo chí cùng nhau học và chia sẻ quan điểm, góc nhìn về bình đẳng giới để những người làm trong lĩnh vực báo chí có cái nhìn khách quan và đúng về vấn đề bình đẳng giới.

Thực tế, chuyện bình đẳng giới là một câu chuyên dài và thường không có một kế luận cuối cùng mà luôn gây ra những tranh luận không hồi kết.

Cụ thể, sau chuyện thầy giáo "mặc quần đùi" lên giảng đường gây ra những tranh luận thì mới đây, cộng đồng mạng cũng phản ứng theo hướng “tiêu cực” khi hình ảnh một số chị em cỡi áo ngực khi chơi team building của công ty. Theo đó, với nhiều người đây là hành động "không thể chấp nhận" được. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta sẽ thấy rất bình thường khi đó là một nhóm đàn ông (không phải phụ nữ) cỡi trần khi chơi team building.

Cả hai câu chuyện này, xét ở góc độ bình đẳng giới thì như thế nào? Rất khó để có một sự thống nhất và chắc chắn sẽ có hai luồng ý kiến ủng hộ và không/chưa ủng hộ.

Trong hai câu chuyện ở trên, chúng ta cùng thống nhất rằng, không có sự đúng hay sai mà chỉ khác nhau về góc nhìn, nhận thức của mỗi người. Theo đó, khi góc nhìn, cách tiếp cận khác nhau thì sẽ có những kết quả khác nhau. Với những người trong cuộc, việc mặc quần đùi để hỗ trợ cho bài giảng thêm phần sinh động hay cởi áo ngực để chơi trong một trò chơi team building với nhau là bình thường, vì họ - nhân vật chính của câu chuyện thấy bình thường thì họ mới làm, phải không? Còn chúng ta, cứ tạm xem như là khán giả được xem hình ảnh ấy và mỗi người có những bình luận của riêng mình.

Vậy cho nên, đôi khi chuyện bình đẳng ở một khía cạnh nào đó có thể gây ra những tranh cãi giữa các quan điểm khác nhau là cũng bình thường. Vì thế, bình đẳng giới, đôi khi nói vẫn dễ hơn làm. Vì thế, những dịp quan trọng của phụ nữ như 8/3, 20/10 cánh đàn ông hãy cứ làm gì đó cho những người phụ nữ của mình, vì thực tế, trong cuộc sống này không có gì là rạch ròi cả. Vậy nên, hãy làm và đừng viện cớ gì cả.