Duyên Dáng Việt Nam

Đàn ông vào bếp - Ấm lửa yêu thương

Hồng Linh • 28-04-2020 • Lượt xem: 2020
Đàn ông vào bếp - Ấm lửa yêu thương

Từ muôn đời nay việc bếp núc, nội trợ đã được mặc định sẵn là dành riêng cho những người phụ nữ. Bởi vậy hình ảnh người phụ nữ trong gian bếp quá đỗi bình thường, không mấy gây sự chú ý, quan tâm. Nhưng đối với đấng mày râu lại có sự khác biệt lớn.

Tin, bài liên quan:
Ai cũng có 24 giờ trong một ngày, nhưng dùng thời gian như thế nào cho đáng?

Những hé lộ... hết hồn!

Gần đây trên mạng xã hội đang dậy sóng trước một cuộc thi vào bếp. Đối tượng tham gia là phái mạnh không phân biệt độ tuổi. Và ở đây, nhiều câu chuyện vui nhộn, ấn tượng được “vén màn” khiến chị em phải cười bò.

“Đến tận bây giờ em vẫn không tin là nhà mình còn nóc các chị ạ. E tưởng nó phải bay theo làn khói hư vô từ gian bếp của chồng em rồi cơ.” Một trạng thái được đăng lên thu hút rất nhiều sự đồng tình. Dưới mỗi bình luận, các chị em vào hòa hứng kể lại những kỉ niệm “banh nóc” của chồng mình.

Hay một ông chồng “sống trên đời 28 mùa xoài” mà không biết quả xoài có hột. Anh còn tự hào bê nguyên cái thớt vào khoe với vợ như vừa khám phá ra thứ gì to tát lắm: "Vợ ơi, xoài có hột em này. Hột to chà bá luôn cơ". Và kết quả làm chị vợ muốn "đáp" cả cái thớt cho ông chồng tỉnh táo mà không làm nổi vì bận cười.

Ngược lại cũng có những ông chồng rất khéo léo, nấu ngon nhưng luôn đàm phán với vợ như kí hợp đồng mỗi lần trước khi vào bếp. Có ông chồng nhất quyết không chịu trổ tài lần thứ hai vì thấy việc vào bếp vô cùng mất sức và tốn nhiều thời gian. Có ông lại thương thảo: “Anh thay bỉm, rửa mông cho con cũng được nhưng đừng bắt anh rửa bát". Có như vậy mới thấy chị em phụ nữ chúng ta siêu nhân cỡ nào.

Đàn ông nấu ăn, một cách hâm nóng tình cảm vợ chồng

Chỉ cần đọc những dòng trên đã cảm nhận được tình cảm chan chứa trong từng câu chữ của các chị em dành cho chồng khi vào bếp. Phụ nữ vốn đơn giản, chẳng cần phải lãng mạn hay quà cáp xa xỉ mà cần một người thật lòng quan tâm, chiều chuộng bên cạnh. Chỉ cần các ông chồng thấu hiểu, thử một lần. Dù thất bại hay thành công cũng khiến cho vợ mình vui suốt cả tuần liền.

Mỗi lần chồng vào bếp vợ sẽ được san sẻ một phần công việc nội trợ. Đỡ mệt mỏi hơn, tâm trạng thoải mái hơn. Mặt mũi khi nói chuyện với chồng con cũng vì thế mà tươi tỉnh hơn rất nhiều. Quanh đi quẩn lại thì người được lợi vẫn là các ông chồng. Nên các anh cứ mạnh dạn xung phong vào bếp không lo thiệt thòi.

Bên cạnh đó các anh còn được vợ hào hứng đem khoe khắp nơi. Các chị em hàng xóm, bạn dì hay đồng nghiệp của vợ chỉ có thể trầm trồ mà ngưỡng mộ. Đúng chuẩn mẫu “chồng nhà người ta” giúp những ai còn độc thân thêm hi vọng về một cuộc hôn nhân, cuộc sống gia đình.

Quan trọng hơn cả là việc giáo dục con cái. Nhiều người cứ theo đuổi những chân lý ở tận đẩu tận đâu, nuôi con khoa học hay thai giáo từ trọng bụng mà quên mất việc vợ chồng cùng nhau vào bếp là cách chỉ dẫn con hiệu quả nhất.

Thứ trên đời dễ đánh mất nhưng cũng tồn tại lâu nhất chính là cảm xúc chân thành của mỗi chúng ta. Đối với một số người việc chồng vào bếp mỗi ngày vô cùng đơn giản, quen thuộc nhưng cũng có những người nhắc đến là nước mắt trực tuôn trào.

Cuộc đời người phụ nữ giai đoạn bầu bì sinh nở quan trọng chả kém gì chính bản thân cất tiếng khóc chào đời. Thật đáng trân trọng biết bao khi giai đoạn này có chồng bên cạnh chu toàn từng bữa ăn.

Xúc động hơn khi một chị chia sẻ: “Hãy bên nhau như thể không có ngày mai. Từ lần ấy bếp nhà mình đã không còn bóng anh.”

Đàn ông vào bếp nấu ăn thì có sao? Mình tự tay nấu cho những người mình yêu thương nhất cơ mà. Định kiến này, suy nghĩ nọ không có sức nặng bằng bản thân ta có muốn làm hay không. Đàn ông hiện đại, không ngại vào bếp.