ĐỜI SỐNG

Đâu là sự thật trước tin đồn ăn cơm nguội có thể gây ung thư?

Hoài Việt • 26-10-2022 • Lượt xem: 212
Đâu là sự thật trước tin đồn ăn cơm nguội có thể gây ung thư?

Thời gian vừa qua, thông tin ăn cơm nguội gây nên nhiều tác hại đối với sức khỏe, thậm chí là ung thư đã khiến nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng. Bởi thói quen ăn cơm nguội từ trước đến nay luôn được xem là phổ biến đối với các gia đình Việt. Đặc biệt là với cuộc sống hiện đại, tính chất công việc bận rộn như hiện nay. Vậy, liệu thông tin này có thực sự đúng, câu trả lời chính xác là gì?

Có thể thấy, việc nấu nhiều cơm sau đó cho vào tủ lạnh và hâm nóng lại vào ngày hôm sau là cách mà nhiều người áp dụng không chỉ mới thời gian gần đây. Bởi bên cạnh tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian, công sức nấu nướng thì còn có cả tiết kiệm chi phí. Hơn nữa là đáp ứng được tính bận rộn của công việc. Nhiều người, nhiều gia đình chọn phương án mang cơm nguội đến văn phòng hâm lại để ăn trưa. Đặc biệt là từ sau đại dịch Covid-19, thói quen này bắt đầu được nhiều người thực hiện nhằm hạn chế tối đa tình trạng ăn ở nơi hàng quán tiếp xúc đông người. 

Vì lẽ đó, khi tiếp cận nguồn thông tin về việc ăn cơm nguội có thể gây ung thư đã khiến nhiều người bàng hoàng lo sợ sức khỏe bị ảnh hưởng do đã theo thói quen này một thời gian rất dài. Cụ thể về thông tin được chia sẻ như sau:

"Rất nhiều người vì tiết kiệm hoặc vì tiện lợi nên thường xuyên hâm nóng lại cơm nguội để ăn nhưng thực ra điều này không tốt với dạ dày. Cơm nguội đã được hâm nóng rất khó tiêu hóa, vì thế, nếu ăn nhiều trong thời gian dài có thể gây ra ung thư dạ dày.

Thành phần chủ yếu của cơm chủ yếu là tinh bột khi tinh bột được làm nóng đến 60 độ C trở lên sẽ dần dần nở ra cuối cùng biến thành dạng bột hồ, quá trình này gọi là 'hồ hóa', sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiêu hóa. Do đó, thường xuyên ăn cơm nguội hâm nóng lại sẽ dễ dẫn đến khó tiêu hóa, lâu dài dễ gây ung thư dạ dày. Ngoài ra, cơm nguội còn dễ gây tăng cân, gây ngộ độc, suy nhược cơ thể và có hại cho đường tiêu hóa."...

Tuy nhiên khi trao đổi cùng các chuyên gia về vấn đề này, thông tin nói trên được khẳng định là chưa có căn cứ khoa học. Theo đó, Thạc sĩ Dược sĩ Lê Hồng Dũng - Trưởng Khoa Hóa thực phẩm, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết rằng thực chất tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra không nằm ở việc làm nóng lại cơm nguội mà chính ở cách bảo quản không đúng cách dẫn đến sinh ra độc tố. 

Nguồn cơn của vấn đề này bắt nguồn từ trong gạo có thể tồn tại một loại bào tử vi khuẩn có tên Bacillus cereus. Bản chất của loại bào tử này là chúng có thể tồn tại ngay cả ở nhiệt độ cao khi cơm đã được nấu chín. Do vậy, khi cơm được bảo quản ở nhiệt độ phòng sẽ gia tăng nguy cơ bào tử phát triển thành vi khuẩn. Để càng lâu, số lượng vi khuẩn cứ thế được nhân lên nhanh chóng. Từ đó gây nên nội độc tố ngộ độc. Mắc cảm giác buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy 1 - 5 giờ sau khi ăn là những triệu chứng ngộ độc thường thấy do độc tố vi khuẩn Bacillus cereus gây nên.

Vì vậy, phương pháp sử dụng cơm nguội hâm nóng lại là hoàn toàn có thể áp dụng. Tuy nhiên cần đặc biệt chú ý thực hiện sao cho đúng cách để không sản sinh ra độc tố. Thạc sĩ Lê Hồng Dũng đưa ra những lưu ý về việc bảo quản và dùng lại cơm nguội như sau:

  • Đảm bảo sao cho cơm được làm nóng đều trong quá trình làm nóng. Bên cạnh đó, cần xem lượng nước đủ để tạo ra hơi nóng. Để dễ dàng hơn, bạn cũng có thể thêm một ít nước dàn đều lên cơm trước khi cho vào lò vi sóng làm nóng. 
  • Cơm thừa sau bảo quản quá 24 giờ thì không được sử dụng nữa.
  • Chỉ thực hiện làm nóng lại cơm nguội 1 lần trước khi ăn, không lặp lại nhiều lần. 

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng tốt nhất vẫn là cơm nấu chín và ăn ngay để đảm bảo được lượng dưỡng chất cung cấp không bị hao hụt. Cơm còn thừa thì cho vào tủ lạnh bảo quản nhưng tuyệt đối không để quá một ngày với mức nhiệt độ dưới 5 độ C.