“Thợ mộc” và “người làm vườn” là hai hình mẫu cha mẹ phổ biến được Giáo sư Alison Gopnik (Đại học California, Mỹ) đúc kết trong cuốn sách “The Gardener and The Carpenter”. Đã bao giờ bạn tự hỏi mình thuộc hình mẫu nào, cách mình dạy con của mình đã thực sự tốt hay chưa?
Tin, bài liên quan:
Khi COVID-19 vẫn đang tồn tại, chúng ta vượt qua nỗi sợ như thế nào?
Nói dối con: Đừng nghĩ là chuyện nhỏ
Cha mẹ khác biệt
Giáo sư Alison Gopnik cho rằng “Công việc của cha mẹ không phải là định hình tâm trí trẻ em, mà là để cho những bộ óc đó khám phá tất cả những gì mà thế giới cho phép”. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng nhận thức được điều đó. Trong xã hội có rất nhiều hình mẫu cha mẹ, “người làm vườn” và “thợ mộc” là 2 hình mẫu cha mẹ được xem là phổ biến nhất.
Người làm vườn và Thợ mộc, là cách nói ẩn dụ về mối quan hệ cha mẹ và con cái. Người thợ mộc, đẽo gọt tấm gỗ để tạo nên hình hài – cha mẹ “thợ mộc” nuôi dạy để định hình một người con kiểu mẫu. Họ tin rằng, với sự rèn rũa của mình gỗ mục sẽ biến thành đũa son, con thơ sẽ thành thiên tài. Nếu cha mẹ giống người thợ mộc, họ sẽ xây dựng một kiểu mẫu nhất định, vạch sẵn lộ trình để con hiện thực hóa hình mẫu ấy. Trẻ ít được lắng nghe và không được sống với sở thích, đam mê của riêng mình.
Người làm vườn thường xuyên chăm bón, tưới tắm… làm tất cả để cây cối được sinh trưởng. Công việc của họ là tạo điều kiện thuận lợi cho cây cối sinh sôi. Họ hiểu rằng quá trình sinh trưởng của cây cối được diễn ra hoàn toàn tự nhiên, không thể quyết định được cái cây sẽ cao bao nhiêu, tán rộng như thế nào. Cha mẹ giống như người làm vườn luôn chú tâm tìm hiểu khả năng của con ngay từ nhỏ, để con được bay nhảy trong khoảng trời an toàn, luôn lắng nghe và đưa ra lời chỉ dẫn.
Những đứa trẻ khác biệt
Một giáo viên xuất sắc người Mỹ từng nói: “Cha mẹ muốn đứa trẻ trở thành loại người nào thì trước tiên bản thân hãy làm người như thế. Hình mẫu của cha mẹ là tương lai của trẻ. Không một đứa trẻ nào tự nhiên trở nên ưu tú, nó đều có lý do đằng sau mà mọi người đều có thể thấy được. Nguyên do nằm ở gia đình và nguồn gốc nằm ở cha mẹ”.
Đúng vậy, cha mẹ khác biệt sẽ tạo nên những đứa trẻ khác biệt.
Người thợ mộc thường có xu hướng áp đặt cực đoan, gây áp lực lên tâm lý của con trẻ bằng sự nghiêm khắc, kỷ cương. Đứa trẻ có bố mẹ là “người thợ mộc” luôn cảm thấy lo sợ, dè dặt.
Dạy con theo kiểu "người thợ mộc" áp đặt khiến trẻ luôn thấy gò bó, sợ hãi - Hình minh họa
Áp lực thành tích, nỗ lực đạt được các cột mốc cha mẹ kỳ vọng trở thành nỗi ám ảnh đè nặng tâm lý của trẻ. Đa phần những đứa trẻ bị “tước đoạt giấc mơ” khi trưởng thành sẽ không tìm được niềm đam mê trong công việc và cuộc sống. Nếu một ngày, vì quá mệt mỏi không thể tiếp tục lộ trình cha mẹ đặt ra từ nhỏ, chúng sẽ chơi vơi mất phương hướng.
Người thợ làm vườn san sẻ với con cái những áp lực cuộc sống. Thường xuyên góp ý, ngợi khen, động viên khiến con cái an nhiên, tự do và sống một cuộc đời mà con cho là tốt nhất. Nếu trẻ được khám phá và phát triển theo khả năng, thiến hướng của mình, khi trưởng thành sẽ mạnh mẽ, độc lập và tự tin.
Tuy không phải đứa trẻ nào cũng gặt hái được thành công. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, những đứa trẻ được sống và làm việc theo lựa chọn của chính mình sẽ luôn vui vẻ và hạnh phúc hơn những đứa trẻ sống trong sự sắp đặt của người khác.
Mặt khác, để cho con phát triển một cách bản năng như người làm vườn cũng có mặt trái. Điều đáng lo của phương pháp này ở chỗ, nếu trẻ được quá buông lỏng, không có sựu kiểm soát, rất có thể sẽ phát triển lệch lạc, bất trị.
Dù là người thợ mộc hay người làm vườn, mục đích của cha mẹ cũng là giúp con có một cuộc sống tốt đẹp. Cha mẹ thương con phải tính chuyện lâu dài, 3 tuổi phải tính chuyện 5 tuổi, 5 tuổi phải tính chuyện 10 tuổi, 10 tuổi phải tính chuyện cho 10 năm sau… Vậy, người thợ mộc xây dựng lộ trình cho con có gì sai?
Không thể nói cha mẹ theo hình mẫu người thợ mộc hay người làm vườn tốt hơn. Bởi tất cả chỉ là tương đối. Nếu có thể, cha mẹ hãy tạo mọi điều kiện cho con phát triển, chấp nhận cá tính, sở trưởng, đam mê của con như “người làm vườn” nhưng cũng nghiêm khắc như một người “thợ mộc”.
Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Giáo dục học, Đại học Newcastle (Australia) cho rằng: “Thực chất mỗi cá nhân chỉ có thể có năng lực ở một vài lĩnh vực nhất định và thêm vào đó không phải tất cả các em đều giống nhau. Vì vậy không thể và không bao giờ chỉ có một mô hình giáo dục cho tất cả. Một nền giáo dục toàn diện không phải là đào tạo ra những cá nhân toàn diện mà nó phải cung cấp các cơ hội để có thể phát triển toàn diện các năng lực của mỗi học sinh".