GIẢI TRÍ

DDVN Review: ‘Người cần quên phải nhớ' chủ đề mới lạ nhưng lại quá dài dòng

Tạ Doãn • 25-12-2020 • Lượt xem: 2390
DDVN Review: ‘Người cần quên phải nhớ' chủ đề mới lạ nhưng lại quá dài dòng

Công chiếu vào mùa Giáng sinh 2020, “Người cần quên phải nhớ” được kỳ vọng sẽ làm nên “đại sự” bởi là đứa con tinh thần của hai “thánh phòng vé trăm triệu” Charlie Nguyễn và Đức Thịnh. Phim được đánh giá là có nét hài duyên dáng cuốn hút, nhưng lại lộ nhiều điểm yếu trong khâu kịch bản lẫn diễn xuất. 

Xem thêm:

DDVN Review: ‘Chồng người ta’ ôm đồm quá nhiều, giải quyết lơ lửng

DDVN Review: ‘Trái tim quái vật’ - Mọi thứ vừa đủ để tạo nên tổng thể đẹp

DDVN Review: ‘Sài Gòn trong cơn mưa’ bản tình ca tuổi trẻ nhẹ nhàng và đầy tiếc nuối

Màn hợp tác ăn ý nhưng chưa trọn vẹn giữa nhà sản xuất Charlie Nguyễn và đạo diễn Đức Thịnh

“Người cần quên phải nhớ” sở hữu một “khung xương” độc đáo: quan hệ đầy duyên nợ giữa cô phóng viên Loan (Hoàng Yến Chibi) - gã giang hồ mất trí nhớ Bình (Trần Ngọc Vàng), hành trình tìm kiếm sự thật đằng sau một bệnh viện tâm thần cùng những câu chuyện hóm hỉnh về tình bạn, tình thân, tình đồng nghiệp. Để đem toàn bộ yếu tố hài - hành động - trinh thám hình sự - tình cảm lãng mạn vào trong một bộ phim dài cỡ 2 tiếng đồng hồ là điều không hề dễ dàng. Dù vậy, với kinh nghiệm và khả năng của mình, nhà sản xuất Charlie Nguyễn và đạo diễn Đức Thịnh đã làm được chuyện không tưởng đó.


Tuyến tình cảm trong “Người cần quên phải nhớ” có sự mới lạ khác với nhiều phim điện ảnh Việt Nam

Đạo diễn Đức Thịnh được khen ngợi đã “lên tay” trong lần chỉ đạo dự án này

Bệnh viện tâm thần Đức Châu là bối cảnh hoàn hảo để mở đầu “Người cần quên phải nhớ”. Từ hàng loạt nghi vấn ở bệnh viện này, tác phẩm khéo léo dẫn dắt người xem đi đến từng nhân vật và mối dây liên kết giữa họ. Tình tiết phim nhanh - chậm đúng lúc và rất hợp lý, đủ để khiến khán giả “đứng ngồi không yên” mỗi khi các nhân vật gấp gáp phá án và chìm vào cảm xúc ở các phân đoạn tình cảm lắng đọng rồi bật cười thích thú trước những màn tung hứng duyên dáng.

Mảng miếng hài nhẹ nhàng vào đúng trọng tâm chính là điểm cộng lớn của “Người cần quên phải nhớ”. Nét hài trong phim vừa đem lại tiếng cười, giảm sự căng thẳng trong tác tác phẩm và cũng chính là bước đệm để khán giả chuẩn bị tinh thần trước khi bước vào hàng loạt cú twist đến mức “há hốc mồm”. Có thể nói, với Đức Thịnh, nhờ “Người cần quên phải nhớ”, anh đã gỡ bỏ định kiến chuyên làm phim hài nhảm. Còn Charlie Nguyễn tiếp tục được khen ngợi cùng khả năng “nhào nặn” đủ thể loại phim ngày càng cao tay. 

Tuy nhiên, hoàn thành được và hoàn thành tốt là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Charlie Nguyễn cùng Đức Thịnh đã mang đến một tác phẩm điện ảnh hay về mặt hình ảnh và ý nghĩa nhưng lại chưa thỏa mãn về mặt nội dung. Kịch bản của George Ding lộ không ít hạt sạn, từ vấn đề chuyên môn nghiệp vụ báo chí của nhân vật nữ phóng viên Loan đến các tình tiết xoay quanh góc khuất dơ bẩn đằng sau bệnh viện tâm thần Đức Châu. 


Màn hợp tác giữa nhà sản xuất Charlie Nguyễn và đạo diễn Đức Thịnh chưa đạt được hiệu suất tối đa

“Người cần quên phải nhớ” đặt ra các tình huống lạ lẫm đan xen cùng những nút thắt úp mở đầy hứa hẹn, song cuối cùng lại giải quyết chưa triệt để. Cái kết xử đúng người đúng tội chỉ đủ để khép lại một phần nào đó của bộ phim. Đặc biệt, ngoài Loan (Hoàng Yến Chibi) và Vân (Karen Nguyễn), thì các nhân vật còn lại chỉ được khai thác một cách nửa vời. Điển hình như Bình (Trần Ngọc Vàng), tên giang hồ làm việc vì đam mê và thiếu sót kỹ năng lẫn bản lĩnh trầm trọng. Nguyên nhân Bình muốn theo con đường làm xã hội đen và hoàn cảnh đưa đẩy anh chấp nhận sống lay lắt hiện tại không được đề cập ở trong phim. Do đó, khán giả có cảm giác Bình khá… vô duyên và có lối hành xử khó chấp nhận. 

Phải chi Thái Hòa xuất hiện nhiều hơn…

Không chỉ chưa miêu tả trọn vẹn được nhân vật, “Người cần quên phải nhớ” còn cho các nhân vật chẳng cần thiết vào tác phẩm. Việc phải phân chia đều thời lượng lên hình trên màn ảnh đã khiến nhiều vai diễn hay đành chịu cảnh “ít đất” phát huy. Ví dụ như nhân vật Mr. Bô hài hước của Thái Hòa, dễ dàng chiếm spotlight vì quá hài hước, song lại chưa có tần suất xuất hiện như ý khán giả. Với sự góp mặt của Thái Hòa thì việc bộ phim thắng ở mảng hài là chuyện dễ đoán. 


Trần Ngọc Vàng lộ rõ điểm yếu khi diễn cùng Thái Hòa. Sao phim “Tiệc trăng máu” biết cách nắm bắt tiết tấu trong hầu hết cảnh quay “Người cần quên phải nhớ”

Ngoài ra, “phản ứng hóa học” giữa cặp đôi chính Hoàng Yến Chibi – Trần Ngọc Vàng còn có gì đó gượng gạo, thiếu bùng nổ. Cả hai đều đóng tròn vai, thể hiện đúng tinh thần của nhân vật và…hết. Diễn xuất của họ trong “Người cần quên phải nhớ” không để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem. Thậm chí, Trần Ngọc Vàng lộ rõ sự non nớt của mình khi diễn tay đôi với “bệnh nhân tâm thần” Thái Hòa. Một số ý kiến còn cho rằng Thái Hòa trông còn tỉnh táo hơn đàn em dù anh đang hóa thân thành một bệnh nhân có vấn đề về thần kinh.


Trần Ngọc Vàng lần đầu đóng vai nam chính trên màn ảnh rộng. Anh và Hoàng Yến Chibi chưa tạo nên hiệu ứng bùng nổ cho phim

Trong khi đó, Karen Nguyễn được đánh giá có màn chuyển biến tâm lý xuất sắc trong “Người cần quên phải nhớ”. Khả năng nhập vai của cô xứng đáng được tán thưởng. Karen Nguyễn biết cách làm chủ biểu cảm, nét mặt và hành vi để người xem hiểu được những ý đồ mà nhân vật đang muốn thực hiện. Còn các nhân vật phụ như: HuyMe, Xuân Phúc, Gi A Nguyễn… hoàn thành tốt vai trò phụ họa, trợ lực cho dàn diễn viên chính. Một chút nuối tiếc cho Xuân Phúc khi anh chưa phát huy được hết vai phản diện trong tác phẩm.


Karen Nguyễn để lại ấn tượng với dù chỉ là vai phụ