Duyên Dáng Việt Nam

Để mạng xã hội trong sạch, lành mạnh hơn

DDVN • 28-03-2022 • Lượt xem: 326
Để mạng xã hội trong sạch, lành mạnh hơn

Đưa tin sai sự thật, truyền bá sản phẩm văn hóa đồi trụy, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, xâm phạm đời tư, bôi nhọ tổ chức, cá nhân… là những điều đang diễn ra phổ biến trên mạng xã hội.

Buôn thần bán thánh núp bóng "tâm linh"

“Hello mấy anh, mấy chị yêu dấu. Hôm nay em sẽ xin lộc mẹ hổ. Mỗi người bấm like, share cho em 5 - 10 lượt trên các hội nhóm đi ạ. Mẹ hổ nhà em đỉnh lắm, mai nổ tài nổ lộc khắp cả ba miền luôn nha”. Đó là lời rao mở màn buổi livestream của nick “HuyNam Trùm Ăn Vặt” trên Facebook.

Không khí “linh thiêng” bao trùm màn hình điện thoại bởi bức tượng một thánh nữ ngực trần được gọi là “mẹ hổ”, phía sau là kệ trưng bày hàng chục loại búp bê “phép thuật” khác nhau. Ai muốn xin số từ “mẹ hổ” thì để lại họ tên, ngày tháng năm sinh và ước nguyện trong ô bình luận (comment). Ít phút sau, chủ nhân buổi livestream chìa ra tấm bìa các-tông viết tay nguệch ngoạc: “Vào nhóm lộc 200k/tuần, 0977****** Zalo - Sacombank Nguyễn Thanh Nam 0701********”.

Mạng xã hội đang tràn ngập nội dung về tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, xâm phạm đời tư, bôi nhọ tổ chức, cá nhân… Ảnh tổng hợp chụp lại màn hình từ Youtube, Facebook...  

Thông tin trên tấm bìa là dành cho những thành viên mới. Ngoài buổi livestream trực tiếp lấy số đề từ “mẹ hổ”, khách có thể thêm số điện thoại của người tên Nam trên ứng dụng Zalo để được vào nhóm chat “Nhóm lộc số 3 miền Nam Trung Bắc”. Mỗi tuần, người tham gia nhóm chuyển mức phí 200.000 đồng vào tài khoản của Nam để được “thầy” cho số mỗi ngày. Dịch vụ này phục vụ “ma đề” từ Bắc chí Nam. Ai ở vùng miền nào cũng có số tương ứng để “đánh đâu thắng đó”.

Trong khi chờ đốt lá số cháy hết để biết “mẹ hổ” sẽ ban cho con số gì, Nam tranh thủ giới thiệu các sản phẩm “tâm linh” khác: “mẹ hồ ly” (còn gọi là “mẹ ngoắc”) là một bức tượng phụ nữ quỳ, giơ một cánh tay lên như đang vẫy gọi ai đó. Tượng này được giới thiệu phù trợ để công việc làm ăn, kinh doanh được thuận lợi, tiền bạc rủng rỉnh, đồng thời giúp giữ tiền của, trừ kẻ xấu dùng bùa phép hãm hại. Nam cho biết, hiện chỉ còn có ba “mẹ hồ ly” về từ Thái Lan, được bán với giá 500.000 đồng/cái. Khoảng 10 phút sau, Nam thông báo, do số lượng người muốn “thỉnh” quá nhiều nên chuyển sang bán đấu giá, mỗi “mẹ hồ ly” có giá khởi điểm 500.000 đồng. 

 

Có người hỏi về búp bê “phép thuật”, Nam giới thiệu đủ các loại bé Kumanthong, Lukthep phép trắng, phép đen, giá 300.000 đồng/bé. Các “bé” phải được đặt nơi cao ráo để thờ và cúng chay mỗi ngày. Khi đã giới thiệu hầu hết sản phẩm “tâm linh”, Nam giới thiệu rằng mình còn bán sữa tắm, dầu thơm trực tuyến.

Khi số lượt like, share cho buổi lấy lộc số “mẹ hổ” lên đến hơn 500, Nam thông báo “nhang số” sắp tàn và trên lớp tro dần hiện ra các con số 625, 62-25-52 để các con bạc dựa theo mà mua lô, mua đề cho hôm sau, ngày 28/2. “Nhang số” là loại nhang có hình trụ, để lại các con số trên tàn nhang.

Bẫy lừa đảo giăng khắp nơi

Ngày ngày, trên mạng xã hội, nhất là Facebook, rầm rộ các nick livestream với nội dung tương tự của các tài khoản như “Phong Thủy Tâm Linh Bảo Ngọc”, “Shop Tâm Linh - Kim Phụng”, “Âu Dung - Giá rẻ cho mọi nhà”, “Tâm linh cam thái Phú Quy”, “Phong thủy Muội Muội”, “Hải Đăng Shop - Chuyên Lộc Tâm Linh 3 Miền”… nhận được hàng chục ngàn lượt view dưới dạng phát lại. 

Các nick này tuyên truyền những hoạt động mang đậm màu sắc mê tín dị đoan. Nhằm thu hút nhiều người trên cộng đồng mạng theo dõi, các tài khoản này xây dựng chiến lược, kịch bản hẳn hoi, có cả ê-kíp làm truyền thông, quảng bá để chiêu dụ người xem. Bên cạnh hình thức dự đoán kết quả xổ số như trên, họ còn xem bói trực tuyến, trợ duyên, tư vấn phong thủy, bán bùa yêu, bùa kinh doanh… 

Bà N.N.D. (Q.Bình Tân, TP.HCM) kể, trước tết Nguyên đán vừa rồi, chị xem livestream trực tuyến về phong thủy, sau đó tham gia các nhóm trên Zalo. Một người tự xưng “thầy phong thủy” đã lợi dụng sự cả tin của chị D., dụ chị đầu tư vào sàn giao dịch tiền ảo. “Thầy” phán: “Con có duyên với thầy. Vận mệnh con đang lên, đầu tư cái gì cũng thắng. Con nên đầu tư vào sàn chứng khoán uy tín này để mau có lợi nhuận”. Chị đã chuyển cho người này hơn 500 triệu đồng. Bà D. kể: “Ban đầu, “nạp” 20 triệu đồng, tôi lời được 12 - 14%/ngày. Sau khi rút lãi, tôi liền nạp thêm. Thầy phong thủy còn nói tôi sắp có lộc, khuyên tôi đầu tư mạnh hơn. Tôi chơi luôn mấy trăm triệu đồng. Ngay sau đó, việc đặt lệnh rút lãi bỗng trục trặc, tài khoản mạng xã hội và số điện thoại của “thầy” đều không thể liên lạc được. Tôi biết mình đã thành nạn nhân”.

Vi phạm pháp luật

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khanh - Phó giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM - nhận định, nhìn chung, pháp luật hiện hành nghiêm cấm các hành vi nói trên. Tại điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc. 

Nhưng để giải quyết các hiện tượng này, cần có sự chung tay của người dân: người dân phải có ý thức trong việc dùng internet của cá nhân và doanh nghiệp mình, phải tự kiểm soát trên hệ thống, tài khoản của mình các nội dung không phù hợp, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; truyền thông để người dân biết và hiểu các quy định pháp luật liên quan đến các hành vi bị cấm trên mạng. 

Theo luật sư Nguyễn Hồ (Đoàn Luật sư TPHCM), các hành vi livestream truyền bá mê tín dị đoan đã vi phạm quy định tại tiểu mục a, khoản 2, điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013, cụ thể là vi phạm quy định về nếp sống văn hóa, bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.

Ngoài ra, các hành vi trên còn vi phạm Luật An ninh mạng năm 2018. Mục đ, khoản 1, điều 8 luật này quy định: “Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng là sử dụng không gian mạng để thực hiện hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định rõ về tội hành nghề mê tín, dị đoan với mức phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc có thể bị phạt tù từ 3 - 10 năm nếu hành vi mê tín, dị đoan gây chết người, thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Livestream càng tục, càng thu hút người xem

Ngày cuối tuần, ở góc công viên trong một chung cư thuộc quận Bình Tân, TPHCM, một nhóm bốn đứa trẻ khoảng từ 7 - 10 tuổi chụm đầu vào xem một chiếc điện thoại. Bên trong, phát ra tiếng chửi quen thuộc của chủ một kênh Facebook khá nổi tiếng tên K. “sky”, được mệnh danh là “giang hồ mạng”. Đám trẻ cười khúc khích theo từng câu nói, hành động của nhân vật này.

Trong đoạn clip phát trực tiếp thu hút gần 30.000 lượt xem, nhân vật K. “sky” đang gửi lời nhắn đến một “người anh” cũng là “giang hồ mạng” khác có tên là D.M.T. Đáng nói, trong đoạn livestream, K. “sky” dùng khá nhiều lời lẽ tục tĩu. K. “sky” nổi lên khoảng ba năm trước nhờ các clip chửi bới và thách thức các “giang hồ mạng” tên tuổi khác. Mỗi video mà K. phát trực tiếp lên mạng thu hút từ vài chục ngàn đến vài triệu lượt xem. 

Chị Mỹ Thương (quận Bình Tân) kể: “Con tôi là một trong những “fan cứng” của kênh YouTube có tên K. “sky”. Nhiều lần thấy cháu xem, tôi nghe chói tai quá nên thu điện thoại tắt đi nhưng cháu vẫn thường xuyên lén lút xem kênh này. Tôi không hiểu sao những người lên mạng toàn nói những lời chửi rủa, bóc phốt, đe dọa bằng ngôn ngữ giang hồ lại được rất nhiều người đón nhận. Đã vậy, các clip độc hại này vẫn tồn tại trên mạng xã hội nhiều năm qua”.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (quận 6, TPHCM) cũng nhiều lần tá hỏa khi được cậu con trai mười tuổi kể lại chuyện Ngọc “Rambo” ra tay nghĩa hiệp “xử” một tay giang hồ vặt khác. “Tôi hỏi sao con thích người này thì cháu kể ở lớp, có rất nhiều bạn bè cũng thích và xem đại ca Ngọc “Rambo”. Các cháu xem đây là thần tượng vì nội dung các clip xoay quanh chủ đề “giang hồ mạng” bảo vệ người yếu thế. Điều tôi lo ngại là các cháu sẽ bị tiêm nhiễm những lời nói tục tĩu và hành động giang hồ từ thần tượng của mình” - chị Hạnh kể.

Được biết, cuối năm 2020, Ngọc “Rambo” đã bị công an tạm giữ do có hành vi đe dọa, ép buộc và bắt giữ trái phép một thiếu nữ 16 tuổi. Mặc dù vậy, các clip của Ngọc trên Facebook và YouTube vẫn còn sức hút khá lớn với giới trẻ. Thời kỳ đỉnh cao, kênh YouTube của Ngọc “Rambo” có gần 500.000 người đăng ký. 

Cần chấn chỉnh đời sống mạng

Đại tá - phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia tội phạm học - cho rằng, xu hướng “giang hồ mạng” xuất hiện trên mạng xã hội khoảng ba năm trở lại đây với nội dung chửi bới, văng tục, thách thức kiểu băng nhóm: “Mạng xã hội ảo nhưng không ảo chút nào. Bằng chứng là thời gian qua, rất nhiều đối tượng giang hồ mạng đã phạm tội ngoài đời thực và bị công an bắt giữ. Thậm chí, do mâu thuẫn trên mạng, các đối tượng đã thanh toán nhau ngoài đời thực, gây mất an ninh trật tự”.

Khá “bảnh” bị bắt năm 2019 nhưng các video kiểu “giang hồ mạng” của đối tượng này vẫn tràn ngập trên mạng

Theo ông, các cơ quan chức năng cần sớm “dẹp loạn” mạng xã hội. Ngoài việc xử lý các đối tượng vi phạm bằng các chế tài pháp luật, các cơ quan quản lý cần tác động để gỡ bỏ các video thô tục, chửi bới, làm trong sạch môi trường mạng. Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cảnh báo: “Trẻ em chưa thành niên rất dễ bị ảnh hưởng bởi thần tượng, không chỉ tức thời mà nó còn ảnh hưởng về lâu dài. Các livestream chửi bới, khơi gợi hành vi lệch chuẩn, thậm chí phạm tội, sẽ dần dần tác động xấu đến thế hệ trẻ”.

Ông Đặng Lê Anh - chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành - nhận định, trong đời sống hiện nay, mạng xã hội hầu như gắn liền với đời thật, phản ánh đời thật. Do đó, việc xuất hiện trào lưu livestream chửi bới, thách thức kiểu giang hồ trên mạng xã hội cần được xem là một hiện tượng xã hội. Để giải quyết hiện tượng tiêu cực này, cần phải có sự vào cuộc của nhiều phía. Cần xem các video chửi bới, thách thức kiểu giang hồ là một loại “rác mạng” nhất thiết phải dẹp bỏ. 

“Ngoài các lỗ hổng trong quản lý, chúng ta cũng cần xem lại các lỗ hổng trong giáo dục. Việc chửi bới nhau kiểu giang hồ trên mạng là một tín hiệu báo động về sự băng hoại đạo đức xã hội. Bênh cạnh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, cần giáo dục cho trẻ về giá trị sống từ gia đình và nhà trường” - ông Đặng Lê Anh nói.

Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM), trong bối cảnh mạng xã hội xuất hiện dày đặc video chửi bới, bạo lực như hiện nay, cơ quan quản lý cần có chế tài mạnh hơn và các nhà cung cấp dịch vụ internet, các đơn vị quản lý nền tảng mạng xã hội cũng cần phải tham gia vào việc “dọn dẹp” để môi trường mạng xã hội được sạch sẽ, trong lành.