VĂN HÓA

Đề tài xã hội nóng được khai thác tại liên hoan múa TP.HCM mở rộng 2022

Hoài Việt • 29-10-2022 • Lượt xem: 856
Đề tài xã hội nóng được khai thác tại liên hoan múa TP.HCM mở rộng 2022

Vừa qua vào 27/10, tại Nhà hát TP.HCM đã diễn ra đêm chung kết trao giải vô cùng ấn tượng và giàu cảm xúc của Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng lần VII năm 2022. Ba đêm thi diễn với khoảng 50 tiết mục đặc sắc được thể hiện bởi sự tham gia của gần 200 diễn viên từ hơn 20 đoàn, vũ đoàn trong và ngoài thành phố. Cuộc thi thu hút lượng lớn các gương mặt nghệ sĩ, biên đạo, vũ công cũng như các khán giả yêu múa đến ủng hộ và tham dự. 

Liên hoan lần này được đánh giá cao về tiềm năng ở sự sáng tạo của lực lượng biên đạo. Mặc dù số lượng đơn vị tham gia cũng như tác phẩm gần như là tương đương với các năm trước. Tuy nhiên, chất lượng có sự thay đổi rõ rệt bởi sự đầu tư khai thác các đề tài xã hội, thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Các chủ đề như truyền thống cách mạng, biên cương hải đảo, bão lũ, Covid-19, tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh... được ứng dụng công phu vào các tiết mục với đa dạng màu sắc, thể loại. Điều này cho thấy tài năng, trình độ của nghệ thuật múa nước nhà đang ngày một nâng cao và ngày càng gần hơn với quy chuẩn của khu vực và thế giới trong thời đại mới. 

Chưa dừng lại ở đó, ông Lê Nguyên Hiều - chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM còn cho biết mùa giải năm nay có thêm những gương mặt đơn vị tuy hoạt động không chuyên nhưng lại có phong cách thể hiện rất độc đáo cùng đội ngũ mạnh. Tiêu biểu có thể kể đến nhóm múa của Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM hay đội văn nghệ của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM. Điều này cho thấy nguồn nhân lực ở lĩnh vực múa ở TP.HCM vô cùng dồi dào. Nghệ sĩ Lê Nguyên Hiếu còn phát biểu thêm: “Hy vọng qua Liên hoan cùng hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM và các hội thành viên sẽ góp điểm sáng vào nỗ lực chung xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên địa bàn TP.HCM”. 

Mùa liên hoan diễn ra 3 đêm thi liên tiếp vào 24/10, 25/10, 26/10 đã mang đến những màn trình diễn sôi động đậm màu sắc cá tính riêng vô cùng mãn nhãn cho công chúng tại Nhà hát thành phố. Bối cảnh sân khấu được chú trọng đầu tư dàn dựng, thiết kế trang phục công phu kết hợp cùng âm thanh đầy cảm xúc. Ban Giám khảo của liên hoan quy tụ những gương mặt tên tuổi trong giới như NSND Hà Thế Dũng (Chủ tịch Hội đồng), NSƯT Tạ Thùy Chi, NSND Tô Nguyệt Nga, biên đạo Nguyễn Phúc Hùng, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bá Thái… 

Sau khi cân nhắc chấm điểm với những tiêu chí hết sức khắt khe thì vào đêm cuối cùng của liên hoan (27/10), hội đồng nghệ thuật đã đưa ra quyết định cuối cùng, công bố tên những tiếc mục cũng như cá nhân xuất sắc nhất để trao giải. Trong đó, có 5 giải A, 7 giải B và 9 giải C cho các tác phẩm xuất sắc; 3 giải A, 4 giải B và 5 giải C cho nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc. Theo đó, 5 tác phẩm đoạt giải A gồm: Vòng tay (biên đạo Đình Lộc, Xuân Thảo), Con đường trên biển (Vũ đoàn Việt Hải), Mắt bão (biên đạo Hà Thanh Hậu), Hai thương một chờ (biên đạo: NSƯT Trần Hoàng Yến, Đặng Minh Hiền), Mạch nguồn (biên đạo: thạc sĩ Nguyễn Hải Trọng, đoàn văn công Quân khu 7).

Bên cạnh đó, TS.NSND Hà Thế Dũng cũng đại diện hội đồng nghệ thuật cũng chia sẻ thêm một số trăn trở về hiện trạng số lượng tiết mục sử dụng âm nhạc nước ngoài và một số loại hình khác tỉ lệ khá lớn (gần 2/3). Có thể ở hiện tại, đây được xem là lựa chọn khá hữu hiệu. Tuy nhiên khi xét về lâu dài thì tính phát triển và bảo tồn nghệ thuật của nước nhà có thể bị ảnh hưởng. Mặt khác, ông còn cho biết thêm cách vận dụng thủ pháp sân khấu của một vài đội ngũ sáng tạo còn khá hạn chế, chưa vận dụng được các kỹ năng cần thiết và quá “an toàn” theo lối mòn. Do vậy, cần chú trọng tiếp thu các kiến thức mới, thường xuyên cập nhật thực tiễn và quan tâm tìm hiểu đến văn hoá quốc tế để thực hiện đổi mới.