ĐỜI SỐNG

Độ nguy hiểm của cúm H5N1 như thế nào?

Thi Thơ • 03-03-2023 • Lượt xem: 894
Độ nguy hiểm của cúm H5N1 như thế nào?

Mới đây, viện Pasteur TP.HCM đã ra thông báo khẩn 20 tỉnh thành phía Nam yêu cầu các đơn vị tăng cường phòng chống cúm gia cầm H5N1 sau khi Campuchia phát hiện một trường hợp nhiễm vi rút cúm gia cầm độc lực cao, tử vong vào ngày 24-2.

Cúm A (H5N1) không còn quá xa lạ với chúng ta. Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới, giai đoạn 2003 - 2009 và 2010 - 2014, Việt Nam đã ghi nhận 127 ca mắc cúm H5N1 và 64 ca tử vong. Và từ đó, chưa ghi nhận thêm trường hợp nào. 

Theo nhiều thông tin, cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm ở các loại gia cầm, đặc biệt là các loại chim. Căn bệnh xuất hiện lần đầu tại Italy hơn 100 năm trước và lây lan trên khắp thế giới. Được biết, virus cúm gia cầm chủ yếu tồn tại ở loài chim di cư, chim hoang dã và các loại động vật khác. 

Bên cạnh đó, loại virus này được phân thành hai loại: virus độc lực thấp (LPAI) và virus độc lực cao (HPAI). Loại độc lực thấp sẽ không gây triệu chứng hoặc có thể để lại triệu chứng nhẹ ở gà, gia cầm. Còn loại độc lực cao gây ra bệnh nặng hơn, và đặc biệt dễ dẫn đến tử vong. 

Trong các loại chủng cúm gia cầm phổ biến chính là H5N1 với tỷ lệ tử vong cao, lên đến 60%. Theo các chuyên gia, loại cúm này không lây nhiễm từ động vật sang người. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ. Tháng 12/2003, 11 quốc gia bao gồm Việt Nam ra công văn khẩn thông báo virus H5N1 có độc lực cao ở gia cầm. Và cũng chính trong đợt dịch đó có khoảng 150 triệu con gia cầm chết hoặc bị tiêu hủy. 

Virus H5N1 tồn tại trong khí dung hoặc bụi khí, có thể lây nhiễm qua mắt, mũi, miệng của con người khi một người chạm vào bề mặt vật thể mang virus. Hầu hết các ca nhiễm H5N1 được ghi nhận là xảy ra khi tiếp xúc mà không mang khẩu trang, găng tay. 

Theo bác sĩ Phan Văn Mạnh, khoa Cấp Cứu, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người bị nhiễm cúm gia cầm có biểu hiện như các loại bệnh cảm cúm khác, tuy nhiên mức độ tử vong nghiêm trọng và cao hơn, tùy thuộc vào chủng virus mà bệnh nhân gặp phải. 

Điều đặc biệt nguy hiểm ở loại cúm gia cầm này là người bệnh có thể không có triệu chứng đến các biểu hiện nhẹ như sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng… Bên cạnh đó là các dấu hiệu đi kèm như tiêu chảy, buồn nôn hoặc co giật… Đặc biệt nếu các biểu hiện này tiến triển nặng hơn như khó thở, viêm phổi và có thể dẫn đến tử vong. 

Để ngăn chặn kịp thời chủng này lây lan diện rộng, CDC khuyến nghị người dân tránh tiếp xúc trực tiếp với các loài gia cầm, đặc biệt với gia cầm đã chết hoặc trông ốm yếu, xanh xao. Người tiếp xúc thường xuyên với gia cầm, chim hoang dã cần nhận thức được nguy cơ mắc bệnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp. 

Khi thực hiện xử lý gia cầm bị bệnh, CDC khuyến nghị người dân phải sử dụng thiết bị bảo hộ như găng tay, khẩu trang, đặc biệt là khẩu trang N95, kính bảo vệ mắt. Ngoài ra, tránh chạm vào mắt, mũi, miệng của các loại gia cầm đã nhiễm bệnh. Sau khi xử lý, người dân cần rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn, thay quần áo. Hiện nay vẫn chưa có vaccine ngăn ngừa cúm H5N1, do đó người dân cần hết sức phòng ngừa và đề phòng triệt để nếu có dấu hiệu của bệnh cúm H5N1.