ĐỜI SỐNG

Độc lạ phố ve chai tìm ký ức ở TP.HCM

Bá Phúc • 14-11-2023 • Lượt xem: 1205
Độc lạ phố ve chai tìm ký ức ở TP.HCM

Tại con hẻm 311/27 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM, nhiều người mê đồ cổ lại ghé qua chợ đồ cổ hay còn gọi là phố ve chai để tham quan, giao lưu đồ cổ hay mua một món gì đó cho bộ sưu tập của mình. Không những có khách trong nước, nhiều du khách nước bạn cũng thường xuyên ghé để thưởng thức cà phê, gặp mặt bạn bè ôn kỷ niệm xưa.

Con phố giao lưu đồ cổ 

Bắt đầu mở cửa vào lúc 6 giờ sáng đến 14 giờ, kể cả thứ bảy, chủ nhật, chợ đồ cổ hay phố đồ cổ luôn tập nấp khách trong lẫn ngoài nước bất kể thời gian nào. Khi đến phố đồ cổ, nhiều người đặc biệt là người sành đồ cổ sẽ cảm thấy nơi đây là thiên đường, bởi khắp các gian hàng đều bày bán đủ loại đồ cổ, đồ cũ thời xưa. Với cách trưng bày theo phong cách cổ xưa, phố đồ cổ còn được nhiều người gọi với các tên hết sức giản dị, là phố ve chai. 

Là người buôn bán trang sức ở chợ gần 10 năm, bà Nguyễn Thị Trâm (67 tuổi) chia sẻ, lúc đầu chợ chỉ là nơi giao lưu giữa những người mê đồ cổ với nhau, nhưng dần sau này, khi thấy nơi đây càng ngày càng đông nên phía ban quản lý quyết định mở rộng, cho phép gian thương bắt đầu trao đổi, buôn bán. 

Bà Trâm cho hay, hàng ngày đều có rất đông người đam mê, yêu thích sự hoài cổ đến tham quan, chiêm ngưỡng các mặt hàng như đồ cũ, đồ cổ, ve chai, ... cái gì cũng có. Tuy nhiên, ở chợ ve chai không chỉ thu hút những người yêu thích đồ cổ mà còn dành cho nhiều đối tượng đủ mọi độ tuổi, ngành nghề. Đặc biệt hơn, nhiều vị khách nước ngoài cũng thường xuyên đến chợ đồ cổ để tham quan, mua sắm, hay thậm chí chỉ để giao lưu, tìm hiểu về giá trị văn hóa lịch sử của Việt Nam thông qua các món đồ cổ. 

Hẻm 311/27 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM, hàng ngày có rất đông người yêu thích đồ cổ cũng như du khách nước ngoài đến tham quan.

Là người đam mê đồ cổ, ông Trần Ngọc Hân (56 tuổi), sinh sống ở huyện Hóc Môn cho biết, chủ nhật hàng tuần, ông thường đến với chợ đồ cổ tham quan từ sớm. Ông cho biết, chưa bao giờ ông cảm thấy chưa nơi nào có nhiều món đồ cổ độc lạ, đặc sắc ở phố chợ ve chai ngụ tại Sài Gòn này. 

Cùng với người yêu đến mua sắm, chị Lê Ngọc Mai (20 tuổi), sống tại TP. Thủ Đức chia sẻ, hồi còn nhỏ, chị rất thích ngắm và sưu tầm mấy món đồ cổ. Bởi với chị, những món đồ cũ hiếm khi bị đụng hàng, thậm chí chúng chỉ có duy nhất một cái, chưa kể đằng sau những món đồ là cả một câu chuyện riêng về nguồn gốc, giá trị. 

Mua bán không quan trọng bằng giao lưu tại phố đồ cũ

Không ồn ào, xô bồ nhưng những phiên chợ bình thường, tại phố chợ đồ cũ là tiếng nhạc du dương bao trùm toàn bộ khu phố. Điểm nổi bật tại đây là người bán không bao giờ chèo kéo khách tham quan, du khách. Do đó, mọi người có thể yên tâm, thoải mái chiêm ngưỡng từng món đồ cũ xưa.

Tại phố ve chai có hai không gian, phía dưới là nơi buôn bán đồ cổ, tầng trên lầu là quán cà phê, thích hợp cho những khách tham quan, thích hòa mình vào không gian mang đậm hơi hướng hoài cổ từ trên cao. 

Ông Hứa Văn Danh (59 tuổi) đã buôn bán tại phố đồ cổ hơn 8 năm cho biết, ở chợ có một quy định chung dành cho tiểu thương và cả khách hàng là phải thật thà, tạo sự tin tưởng lẫn nhau. Người bán không nói thách và người mua không trả giá. Trong trường hợp, nếu bên tiểu thương cố tình nói thách, sai thông tin món hàng để đẩy cao giá bán thì sẽ bị ban quản lý cấm bán vĩnh viễn. 

Ông nói thêm, trước giờ khách đến với chợ, chủ yếu là độ tuổi trung niên nhưng trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người trẻ ghé thăm để sưu tầm, săn tìm những mặt hàng trang trí theo mùa bắt mắt, ấn tượng và hòa nhịp với xu hướng tìm về ký ức xưa. 

Ở chợ đồ cổ (phố ve chai) có quy tắc chung là giữa khách hàng và tiểu thương phải tạo sự tin tưởng lẫn nhau trong mua bán.

Theo người bán lâu năm tại chợ ve chai hơn 8 năm, ông Lê Ngọc Dũng (64 tuổi) cho hay, việc mua bán tại đây không quan trọng. Người đến có thể tự do cầm xem, chụp ảnh, quay phim hoặc hỏi thăm về thông tin của một số loại hàng và không cần thiết phải mua chúng. 

Ngoài ra, theo ông Dũng, phố đồ cổ ngày càng đông khách là do tiểu thương nơi đây tạo được sự thiện cảm, thoải mái và tử tế trong việc tiếp đãi đối với khách tham quan. 

Hiện nay, nhiều người trong đó có cả giới trẻ đến với phố đồ cũ đa phần đều có chung mục đích là giúp mọi người có thể sống chậm lại, ngắm nhìn, thưởng thức những nét đẹp hoài cổ thông qua những món đồ cổ xưa.