Duyên Dáng Việt Nam

Đối mặt áp lực và căn bệnh trầm cảm không của riêng ai

Cẩm Tú • 16-07-2020 • Lượt xem: 441
Đối mặt áp lực và căn bệnh trầm cảm không của riêng ai

Trầm cảm không còn là định nghĩa xa lạ với con người. Xã hội càng hiện đại, cạnh tranh trong học tập, công việc... càng gay gắt trầm cảm càng trở nên phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ.

Tin, bài liên quan:

Những dấu hiệu cho thấy bạn bị trầm cảm trong công việc

Bao giờ cho đến ngày xưa

Ngày này, nếu bạn đến tìm gặp bác sĩ tâm lý để tư vấn, chắc bản sẽ được hỏi 3 điều sau:

1. Dạo này tâm trạng cô có hay bồn chồn lo lắng?

2. Dạo này cô có trải qua cảm giác bị căng thẳng quá mức?

3. Dạo này cô có trải qua cảm giác bị buồn và trầm cảm?

Đây là 3 câu chuẩn khi khám tổng quát. Một bác sĩ tại Mỹ cho biết tỉ lệ trả lời ngày càng tăng. Hiện giờ thì khoảng 20% phụ nữ khỏe mạnh bị vấn đề này và trên 10% là nam giới.

Đây là một hiện thực, không chỉ ở các nước phát triển như Mỹ mà còn là một hiện trạng ngày một rõ ràng hơn ở Việt Nam trước áp lực thi cử, học hành, cạnh tranh công việc, nuôi con nhỏ...

Hơn chục năm trở về trước, bệnh trầm cảm và phải đi gặp bác sĩ tâm lý còn là một điều rất xa lạ đối với người dân Việt Nam. Chị Lan Bercu - chuyên gia đào tạo đang sinh sống và làm việc tại Mỹ nhớ lại những ngày ở Việt Nam: “Tôi nhớ hồi tuổi thơ nghèo khổ ở Việt Nam, chị em tôi suy nghĩ cách tự làm đồ chơi, học tự may quần áo, tự học vẽ, qua nhà hàng xóm xin học đàn miễn phí. Khi không có điện thì lũ trẻ rủ nhau quây quần bên cây đèn dầu, đàn hát, múa, kể chuyện, nặn đất sét… Khi trời đẹp thì đá banh cùng với mấy bạn con trai trong xóm. Cuộc sống tuy thiếu thốn về vật chất nhưng thúc đẩy mỗi chúng tôi trong cái xóm nhỏ luôn sáng tạo, luôn vận động, luôn tìm niềm vui cùng chia sẻ tương tác thật sự với bạn bè".

Ngày nay, chúng ta có quá nhiều thứ hấp dẫn trong cuộc sống mỗi người. Công nghệ hiện đại giúp chúng ta kết nối với thế giới phẳng, có thể làm quen với một người bạn ở bên kia trái đất nhưng lại xa lánh những người bạn ngay bên cạnh mình. Thay vì gặp nhau, nói chuyện với nhau, chúng ta lại chỉ trao đổi qua màn hình điện thoại, cười, khóc với nhau bằng những biểu tượng trên bàn phím.

Trẻ em dường như cũng thiếu đi rất nhiều những điều đem lại hạnh phúc thật sự. Trẻ em về nhà ngồi trước cái hộp vi tính, lúc giải trí cũng trước cái hộp nho nhỏ là cái cellphone. Học bài, làm bài , học thêm, học bổ túc…cũng bằng cái hộp vi tính. Xã hội hiện đại nhưng cũng nhiều cạm bẫy, cha, mẹ, trẻ em đều cảnh giác bởi vậy mọi người cũng xa lánh hơn ngày trước.

Nghịch lý của xã hội hiện đại 

Xã hội càng văn minh, con người càng giàu có, tỉ lệ thoát nghèo ngày càng cao… nhưng tại sao tỉ lệ người bị trầm cảm và có ý tưởng tự sát lại không tỉ lệ nghịch mà là tỉ lệ thuận với nó?

Tác giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia về hạnh phúc của Harvard, Shawn Achor, nói rằng tại đại học Harvard tỉ lệ sinh viên bị trầm cảm là 80%, 10% có ý định tự sát thường xuyên trong 4 năm đại học. Theo nghiên cứu của anh thì một số lý do như sau:

• Áp lực cạnh tranh quá khốc liệt trong nhà trường, đại học và ngay cả công sở

• Tin tức tiêu cực diễn ra 24/7 không thể nào tắt được

• Mạng xã hội và sự so sánh lệch lạc trong thế giới ảo

• Trẻ em bị ép học quá sức, kỳ vọng quá sức, về nhà lại tiếp tục cô đơn làm bài tập ở nhà. 

Một thế giới cạnh tranh cô đơn và đầy áp lực đã dồn thanh thiếu niên đến bờ vực trầm cảm.

Với kinh nghiệm nghiên cứu, đào tạo quản trị kinh doanh, dưới góc nhìn của một người mẹ đầy tâm huyết, chị Lan Bercu (chuyên gia đào tạo trên lĩnh vực quản trị kinh doanh, tác giả cuốn sách Nói sao để thành công và 36 kế trong kinh doanh hiện đại) đã tận dụng khả năng tiếp cận các nguồn dữ liệu đáng tin cậy của mình để làm một nghiên cứu nho nhỏ.

Chị cho biết, theo viện CDC (Centers for Disease Control) của Mỹ, nơi nghiên cứu và lưu trữ những dữ liệu lớn nhất về các loại bệnh ở Mỹ và trên toàn cầu, trong 10 năm qua:

• Tỉ lệ con người bị trầm cản tăng gấp đôi

• Trẻ em có ý tưởng tự sát bắt đầu lúc 8 tuổi

• Năm 1979, tuổi bắt đầu bị trầm cảm là 29 tuổi

• Năm 2013, tuổi bắt đầu bị trầm cảm là 14 tuổi rưỡi

• Tỉ lệ nhập viện vì các trường hợp tự sát tăng gấp ba

Nguyên nhân:

• Mạng xã hội, công nghệ, gaming khiến trẻ em lẫn người lớn càng sống ảo, ít hoạt động, ít tập thể thao, ít tham gia đội nhóm, hạn chế hoạt động nghệ thuật… Sự thật thì chỉ có những hoạt động thể chất thật sự, tham gia đội nhóm thật sự, tương tác thật sự, hoạt động thể thao thật sự, quan hệ tình cảm thật sự… mới giúp não tiết ra những hóc môn truyền dẫn thần kinh neurochemical như serotonin, oxytocin, dopamine và endorphin. Bốn hóc môn truyền dẫn thần kinh này giúp nâng cao cảm giác thăng hoa và hạnh phúc. 

Những điều dễ làm xua tan cơn trầm cảm

• Hãy yêu thương, hãy đồng cảm, hãy trao nhau nụ cười, cái ôm, cái bắt tay, ánh mắt yêu thương. Điều này kích não tiết ra chất truyền dẫn oxytocin làm hưng phấn và giảm trầm cảm.

• Hãy quan tâm đến con cái, nói chuyện,chia sẻ, không phán xét, hạ nhục.

• Là thầy cô, lãnh đạo, quản lý, cha mẹ, thủ lĩnh của đội nhóm, bạn nên ghi nhận nỗ lực của người khác, khích lệ động viên, trao tặng lời khen phần thưởng tượng trưng. Điều này kích não tạo ra chất truyền dẫn serotonin làm hưng phấn và chống trầm cảm.

• Cá nhân nào cảm thấy bị “down” xuống tinh thần, hãy hạn chế dùng mạng xã hội. Hãy ra ngoài tương tác, tiếp xúc, đi ăn, đi nói chuyện với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Tham gia thiện nguyện, tập thể, đội nhóm. Tránh ở một mình, tránh suy nghĩ một mình, tránh tự nói chuyện một mình. Điều này kích não tiết ra chất truyền dẫn oxytocin làm hưng phấn và giảm trầm cảm.

• Hãy tập thể dục bằng cách chạy bộ, đi bộ, yoga, nhảy dây, đá banh, các môn thể thao đối kháng... mỗi ngày. Điều này kích não tạo ra chất truyền dẫn endorphin làm hưng phấn và chống trầm cảm.

• Hãy luôn biết mỉm cười… Điều này kích não tạo ra chất truyền dẫn endorphin làm hưng phấn và chống trầm cảm.

• Cha mẹ hãy bớt chạy theo vòng quay của cuộc sống, hãy dành ra thời gian để chơi, để cười để  hiểu con cái của mình.