VĂN HÓA

Đối thoại và Sáng tạo: Tính 'phũ' của người Hà Nội (Kỳ 1)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 16-10-2020 • Lượt xem: 5025
Đối thoại và Sáng tạo: Tính 'phũ' của người Hà Nội (Kỳ 1)

Viết đối với người cầm bút bao giờ cũng gắn bó với một vùng đất, nơi mình sinh ra hay lớn lên hay cũng có thể là nơi cưu mang mình một thời đoạn, một giai đoạn. Từ những phiêu lưu ký ức, ngôn ngữ hiện ra đôi khi là giấc mơ đời người hay tiếc nuối cho những gì đã mất. DDVN thực hiện chuyên mục "Đối thoại và Sáng tạo" để cùng các nhà văn, nghệ sĩ "song thoại" tìm ra những đáp số ẩn của nghệ thuật. Kỳ đầu tiên là cuộc nói chuyện của Nhà báo, nhà văn Trần Nguyên Anh nhân dịp anh vừa cho ra mắt tác phẩm mới... 

Tin và bài liên quan:

Nguyễn Huy Thiệp, thời đẹp nhất đã qua (Kỳ I)

Giới thiệu thơ Ý Nhi: ‘Chút gì như bóng dáng đời ta’

Phan Huy Đường, Người tư duy tự do (Kỳ 1)

Trần Nguyễn Anh là một cái tên không xa lạ gì với bạn đọc báo Tiền Phong và thích du ký. Anh đã từng xuất bản hai tập bút ký viết về những chuyến đi của mình "Mùa xuân nghiêng" "Sống với núi lửa". Sống "sát rạt" với từng nhịp thở, nắm bắt nhanh nhạy từng khoảnh khắc thay đổi của thiên nhiên, đời sống cần lao nên những trang văn của anh thấm đẫm muối mặn ký ức năm tháng. Tập thơ "Mặc xanh áo em" của anh cũng được giới thưởng thức thơ nhìn nhận như một thể nghiệm thơ độc đáo khi dò tìm những trữ nguồn từ dân gian như ca dao, đồng dao, dân ca, ví dặm... đi thẳng vào đời sống hiện đại.


Chân dung Trần Nguyên Anh

Trần Nguyên Anh vừa ra mắt tập truyện ngắn "Mùa giã cốm" (Nxb Văn Học 10.2020) gồm 20 truyện ngắn, ghi chép về những kỷ niệm, những chuyến đi trên đất Bắc. Nói cách khác là những kỷ niệm khó quên của anh trong thời gian sống và làm việc ở Hà Nội trước khi chuyển vào Sài Gòn.

Nhận thấy đề tài Hà Nội ăn sâu vào một gã "di gan" và "di dân" (ở đây nói vui và nôm na là "kẻ chữ nghĩa" chịu chơi, chịu xê dịch di chuyển từ Bắc vào Nam để rồi thương nhớ không nguôi, luôn đau đáu canh cánh có ngày sẽ quay trở lại miền cố thổ) phả ra ngời ngợi từng trang sách nên chúng tôi đã có một cuộc chuyện trò, trao đổi với tác giả đề tài thú vị xung quanh trang viết và đời sống mở đấu cho chuyên mục "Đối thoại và Sáng tạo" trên DDVN. Những gì cỏn cất giấu dưới ngòi bút năng động, tài hoa vẫn chưa được tung tẩy vì sự giới hạn của một truyện ngắn? Hay những gì "đời" quá, lẫn nhiều tạp chất quá chưa được phần loại? Nhiều điều kỳ thú sẽ tiếp tục được mở ra. Mời bạn đọc theo dõi. 

Từ phải sang: Trần Nguyễn Anh và thầy Trần Đình Sử, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh (Ảnh nhân vật cung cấp).


Nguyễn Hữu Hồng Minh:Tôi vừa được bưu phẩm từ bưu điện chuyển đến tác phẩm mới nhất của anh "Mùa giã cốm". Như mọi lần những đứa con tinh thần của anh luôn cuốn hút tôi. Lần này tập trung cho một tập truyện ngắn viết riêng về những kỷ niệm Hà Nội và thời gian sống ở miền Bắc là sự tình cờ hay có chủ đích của anh?

Trần Nguyên Anh: Rất vui chia sẻ cùng thi sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh về những ký ức về Hà Nội nhân tập truyên ngắn "Mùa giã cốm" của tôi mới được NXB Văn Học in ấn phát hành. Đối với tôi, một tác phẩm đã ra đời thì nó cũng kết thúc mọi công việc của tác giả, không thể thêm bớt hay chỉnh sửa gì, cũng như không thể nói thêm nói bớt được gì. Tuy thế, cảm xúc hay những suy nghĩ, thậm chí cả nỗi nhớ về Hà Nội trong tôi không vì in một tập truyện mà vơi đi. Mỗi buổi sáng tôi vẫn nhớ về Hà Nội, dĩ nhiên tôi cũng nhớ về Vinh, Huế... những nơi tôi từng sống nhiều năm. Khi tôi chuyển từ Hà Nội vào TPHCM làm việc, tôi hứa với bạn bè là "Đất nước thống nhất bao nhiêu năm, tôi vào TPHCM làm việc 3 năm cho biết rồi ra lại Hà Nội", nhưng rút cục đến giờ sau 12 năm, tôi vẫn mắc kẹt tại thành phố phương Nam.

NHHM: Vậy anh phải biết ơn cái sự "kẹt đạn" Sài Gòn đúng không? Từ định vị chỉ muốn ở lại 3 năm, anh đã "cắm" luôn một lèo 12 năm! Cho đến khi giật mình là tại sao sợi dây thời gian đã kéo dài gấp bốn lần dự định của mình mà vẫn chưa thể biết khi nào "cắt ngắn bớt" để trở lại Hà Nội? Nhưng chính nỗi nhớ, sự lần ngần, dùng dằng, đi ở đó đã cho anh viết được nhiều truyện ngắn để có tập "Mùa giã cốm" như những hạt cốm thơm hương khi nhớ về Hà Nội?   

TNA: Vâng! Xin trở lại câu hỏi của anh về tập truyện ngắn "Mùa giã cốm". Cũng như các tập truyện ngắn và các tác phẩm khác của tôi, nói là có chủ đích cũng đúng mà không chủ đích cũng đúng. Tôi luôn đặt ra mục tiêu công việc rất rõ ràng, nhưng lại tùy duyên để làm nó chứ không phải cứ đặt ra thì cố đấm ăn xôi mà làm cho được. Không phải tôi mà có lẽ các nhà văn đều muốn viết một cái gì đó về Hà Nội hoặc nơi mình từng sống, nhưng liệu viết được không, khi nào viết, viết thế nào thì khó mà hình dung hết được, ngoài ra cũng cần phải có đủ cảm xúc nữa. Thú thực tôi cũng chẳng biết bao giờ thì tôi sẽ viết xong một tập truyện về Hà Nội đâu, cứ vừa sống vừa viết, đến mấy thập kỷ! 

NHHM: Gượm đã! Xin cắt lời của anh tại đây một chút! Liệu anh có quá cường điệu? Ý tôi là anh nói "tôi cũng chẳng biết bao giờ thì sẽ viết xong một tập truyện về Hà Nội" mà thực tế thì tập truyện "Mùa giã cốm" đã được viết xong và đã in ra. Vậy thì Hà Nội có gì quyến rũ anh? Quê cha đất tổ ư? Hình như không phải! Theo tôi biết thì anh cũng chỉ là một kẻ di cư và tha hương nếu như không muốn nói là "kẻ nhập cư" bên lề gốc gác Hà Nội? Hình như tôi đọc ỡ đâu đó, anh là người gốc Vinh, Nghệ An thì phải? Tại sao lại quá yêu một nơi không phải chôn nhau cắt rốn của mình? 

TNA: Anh nói đúng! Lộ trình của tôi thì đầu tiên tôi sẽ in những truyện viết về xứ Nghệ, nơi tôi lớn lên, tuổi thơ tôi ở đó. Tiếp theo, tôi sẽ in truyện về Hà Nội, thành phố mà tôi sống trong không khí văn chương sâu đậm. Sau đó, tôi sẽ viết về một vài nơi khác. Khi các nhà xuất bản in các cuốn truyện viết về xứ Nghệ An của tôi như "Chân trời của tôi", "Mỗi sáng một chuyền tàu"... tôi nghĩ tới việc in tập truyện về Hà Nội. Tôi tập trung bản thảo lại với hầu hết các truyện đã in trên báo và tạp chí. Nhà xuất bản bảo vẫn còn cần thêm mấy truyện nữa, thế là tôi viết thêm vài truyện ở cuối cuốn sách. Khi Nhà xuất bản gửi sách cho tôi, đúng vào những ngày cách ly xã hội vì COVID-19, tôi rất vui, vì không ngờ tôi lại "yêu Hà Nội được nhiều như thế", một tình yêu kéo dài từ những năm 1990 tới tận bây giờ, chúng đọng lại thành những trang sách với mùi giấy mới nom thật lạ.


Từ phải sang: Trần Nguyên Anh và dịch giả Thúy Toàn. 

NHHM: Vâng, sự thật phải thế chứ! Tôi muốn hiểu rõ như thế để diễn giải một ý rằng, không như Sài Gòn là miền đất của mọi người, mọi người đổ về, ai cũng có thể tự hào mình có những đóng góp, cộng hưởng đáng kể vào văn hóa, sắc thái, nhịp sống thì Hà Nội và những miền đất khác như Huế, Nghệ An đều có phong lệ riêng. Tôi lại có một suy nghĩ muốn chia sẻ với anh, không phải người Hà Nội rất khó sống ở Hà Nội. Tôi chỉ lấy một ví dụ dễ nhìn thấy thôi. Thời tiết ở miền Bắc quá khắc nghiệt. Rét cắt da, lạnh thấu xương mà nóng cũng chảy mỡ. Ở đấy mọi thứ đều như "thái quá" lên một chút chứ không thể cân bằng. Tôi vẫn thường ra Bắc như vẫn không phân biệt được thật giả trong những lời nói. Hình như cũng như thời tiết, lời nói ở đây cũng phải hơi "thái quá" lên thì mới cân, mới hợp nhẽ! Không như người miền Nam vốn thấy gì nói nấy! Ở Bắc nghe diễn giải một câu mà nghĩ "thực bụng" như miền Nam là nhầm chết đấy! "Mời bác xơi nước" nước chỉ uống chứ không như cơm mà xơi được!...

TNA: Ông đã có nhời như thế thì tôi có thể kể cho ông, một người không sống ở Hà Nội cái gọi là "phũ", hay "văn hóa phũ". Phũ là gì?  Theo từ điển online thì phũ là "tàn nhẫn, gây đau khổ mà không hề có một chút thương cảm". Một Hà Nội lịch thiệp hào hoa mà lại có "văn hóa phũ" nghe có vẻ phi lý. Nhưng đó cũng là một nét văn hóa có thực.

Tôi có những người bạn, phải nói là rất thân và tri kỷ ở Hà Nội. Những người bạn này đều chung một cái tính đó là rất giỏi tìm ra những điểm yếu, kém của người khác. Những lời góp ý thậm chí bài viết cực kỳ sắc sảo, đôi khi nghiệt ngã, khiến người ta bị bị “lột trần” giữa đám đông. Dĩ nhiên, người ta sẽ không bao giờ trưởng thành nếu thiếu những sự phê phán như thế, dù rằng ngay cả người trong cuộc cũng thừa nhận đấy là lối “văn hóa phũ”, cay nghiệt vô cùng. Tôi nghĩ văn chương Phạm Thị Hoài có cái "văn hóa phũ ấy" khi mà đôi lúc hình ảnh người trí thức được miêu tả khá là "thảm bại".



Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Thiệp 

Hay chuyện nhạc sĩ Phó Đức Phương mấy chục năm tâm huyết với công việc bản quyền thì nhạc sĩ “đàn em” Lê Minh Sơn phán một câu trên báo rằng: “Không hiểu Trung tâm tác quyền để làm gì” và “Trung tâm có bảo vệ cho các tác giả, nhưng chỉ bảo vệ được 0,0001% quyền lợi của chúng tôi thôi”. 

Có lẽ đỉnh cao của thứ văn hóa phũ ấy là Nguyễn Huy Thiệp khi ông gọi các nhà thơ trong Hội nhà văn là “đám giặc già lăng nhăng thơ phú” khiến cho nhiều bậc trưởng thượng như Trần Đăng Khoa phải vội ra tay “tự vệ” gọi  Nguyễn Huy Thiếp là “chàng vung "cứt" ra khắp các trang sách”.

Khía cạnh khác, người ta Hà Nội sống không để bụng thì mới có thứ “văn hóa phũ” ấy. Nếu nhìn "văn hóa phũ" với con mắt di dỏm hài hước một chút, chúng ta sẽ thấy mỗi khi có những chuyện gì ầm ỹ trong văn chương hay cuộc sống đều có mặt của cái "văn hóa phũ"...

(Còn tiếp)

*Chú thích ảnh avatar:  Tác giả Trần Nguyễn Anh và gian trưng bày thơ của mình tại Ngày thơ Việt Nam 2010 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội.

Sài Gòn, 12.10.2020

Nguyễn Hữu Hồng Minh thực hiện