VĂN HÓA

Giới thiệu thơ Ý Nhi: ‘Chút gì như bóng dáng đời ta’

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 16-03-2020 • Lượt xem: 3925
Giới thiệu thơ Ý Nhi: ‘Chút gì như bóng dáng đời ta’

Đọc “Ngọn gió qua vườn” mới hiểu Ý Nhi đứng ở bậc thang cuối để quan niệm ý nghĩa cùng tận của việc làm thơ dù “chỉ có ích cho một người, Thơ đã xứng đáng để tồn tại”. Một thi tuyển chưng cất hương vị trí tưởng, mùi thơm tư duy, ánh sáng tinh khôi hay le lói ngôn ngữ, bọc lót trong những tứ thơ lộng lẫy, diễm tuyệt bất chợt khám phá bởi một ngọn gió phi thời tiết thổi qua khu vườn yên tĩnh tuyệt đối để lắng nghe từ đó những đối thoại vô hình tới hữu hình của hạt sương đến vũ trụ.    

Tin, bài liên quan:

Joseph Huỳnh Văn, thơ là cái đẹp không bạo lực

Đỗ Trung Quân, thi sĩ viết về Mẹ hay nhất

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Cầu vồng của thơ

1. Tôi vừa nhận được bộ ảnh của nhà sưu tập (*) gửi tặng chụp nữ sĩ Ý Nhi những năm 1985. Cùng một lúc là tuyển thơ - truyện ngắn "Ngọn gió qua vườn" (Nxb Phụ Nữ) dày hơn 800 trang như tập hợp một hành trình làm nghệ thuật của Ý Nhi. Nhìn tấm ảnh chụp tác giả thời hoàng kim, trẻ đẹp nhất của đời người cùng lúc đọc những câu thơ đầy triết lý, ý thức thân phận và trách nhiệm của một nghệ sĩ bỗng trong tôi dâng lên hình ảnh cân đối hai vế Thi - ảnh đó: "Chút gì như/ Bóng dáng đời ta" khi đi qua kiếp tha nhân trên mặt đất này.

Thực ra câu thơ này cũng nằm trong một bài hát của nhạc sĩ Dương Thụ và ông cũng chưa bao giờ đề tên xuất xứ. Cũng như rất nhiều hình ảnh cùng một số câu khác từa tựa như thơ Ý Nhi bàng bạc trong lời của Dương Thụ. Tôi đã từng viết trên facebook đặt thắc mắc này. Dương Thụ đã gọi điện ngay cho tôi và cho biết đúng là ông đã lấy thơ hay dựa vào thơ Ý Nhi trong một số lời ca khúc ông. Đơn cử như mấy bài "Bây giờ biển mùa đông" và "Bay vào ngày xanh". Tuy nhiên ông không để tên thơ Ý Nhì vì ông và bà là bạn bè thân (!?), đã từng chơi với nhau từ thưở hàn vi cực khổ. Ông từng mời bà làm giám đốc salon Văn học của Cà phê Thứ bảy Và nữa, ông không muốn mọi người nghĩ Dương Thụ kém như vậy vì... phổ nhạc từ thơ người khác(!?). Tôi lại không nghĩ như vậy! Một minh chứng hoàn toàn ngược lại là nhạc sĩ Phú Quang cả một đời gần như phổ thơ của người khác nhưng chú thích rõ ràng vị trí của ông có kém phần sang trọng đâu? Hay nhạc sĩ Trần Tiến chỉ dùng ba chữ "Lá diêu bông" của thi sĩ Hoàng Cầm mà đã trân trọng để tên ông trong phần lời ca khúc "Sao em nỡ vội lấy chồng?" đâu có ảnh hưởng gì đến tên tuổi ông thậm chí còn nâng tầm cả hai ông lên nữa!

Vậy thì, lý do gì Dương Thụ không làm điều đó? Mà lại lấy nguyên cả những câu thơ Ý Nhi trong bài hát của mình? Những câu thơ - triết - học mà cả đời chắt chiu gạn lọc kiếp nhân sinh ngỡ phù du của một người đàn bà ngồi đan viết ra? Những câu thơ không hề dễ dàng như chính bà chiêm nghiệm là "Những đối cực/ đã tuyệt vời hài hòa (...)/ những tiếng kêu bi thương/ cuồng nộ/ đã tan/ trong lặng thinh kỳ bí" (Đắc đạo). Để đi đến tổng kết bi tráng mà hiu quạnh "Chút gì như/ Bóng dáng đời ta" (Quê hương).

Rồi Dương Thụ còn nói với tôi, ông đã từng viết về việc này nhưng chưa công bố ở đâu, sẽ in sách trong năm nay (!?). Và ông xin tôi địa chỉ email để gửi cho tôi xem bài viết đó. Nhưng sau tất cả những gì Dương Thụ nói, tôi đều thấy không thuyết phục được tôi. Chỉ trừ một ý thấy ông có vẻ có lý. Đó là Ý Nhi là bạn thân của ông. Có thể khi ông phổ bài thơ sử dụng 1, 2 câu trong thơ Ý Nhi bà đều vui lòng thông qua, không chấp nhất gì! Tuy nhiên, vấn đề đã không đơn giản khi tôi tìm thấy trong tập "Ngọn gió qua vườn" đã có giới thiệu lại bài thơ này (Quê hương - trang 220) và chỉ đề tên Ý Nhi. Không đả động gì đến lấy ý hay sử dụng ca từ của Dương Thụ. Như thế, về mặt văn bản học, nếu không làm rõ là có vấn đề. Bởi sau chừng vài nhát thời gian mọi thứ xóa dấu vết hết thì ai đang mượn của ai? Nếu đã là những nghệ sĩ, tri thức lớn và ưu việt của xứ sở này thì điều đầu tiên tôi nghĩ trong sáng tạo phải có sự trung thực và tôn trọng lẫn nhau! Tôi còn tìm thấy dấu vết bài hát "Họa mi hót trong mưa"  cũng đã xuất hiện trong bài thơ "Chuyện ở vườn" của Ý Nhi và nhiều bài khác nữa! Nhưng thôi, tạm gác câu chuyện này lại!

2. Đọc “Ngọn gió qua vườn” mới hiểu Ý Nhi đứng ở bậc thang cuối để quan niệm ý nghĩa cùng tận của việc làm thơ dù “chỉ có ích cho một người, Thơ đã xứng đáng để tồn tại”. Một thi tuyển chưng cất hương vị trí tưởng, mùi thơm tư duy, ánh sáng tinh khôi hay le lói ngôn ngữ, bọc lót trong những tứ thơ lộng lẫy, diễm tuyệt bất chợt khám phá bởi một ngọn gió phi thời tiết thổi qua khu vườn yên tĩnh tuyệt đối để lắng nghe từ đó những đối thoại vô hình tới hữu hình của hạt sương đến vũ trụ.    

Trong Diễn từ nữ sĩ đã đọc tại lễ nhận giải thưởng Cikada của Thụy Điển năm 2015, một giải thưởng danh giá được lập nên vào năm 2004, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Harry Martinson (giải Nobel văn học 1974), Ý Nhi đã nói lên được điều cần nhất của một người làm nghệ thuật, một thi sĩ, hay một lời cảnh báo trước những đe dọa có thể dẫn tới diệt vong của xã hội: “Tôi vẫn nghĩ, có thể nhiều người không cần thơ mà họ cần trước hết lương tri của nhà thơ, tiếng nói của nhà thơ…”. Trong rất nhiều tác phẩm lớn của Rabindranath Tagore, Luis Borges, Pablo Neruda, HarryEugenio Montale, Czeslaw Milosz, Joseph Brodsky, Octavio Paz, Wislawa Szymborka, Tomas Tranströmer… chúng ta đều tìm thấy ánh lửa ấy!

Và phải chăng, qua cảnh báo của Ý Nhi người yêu thơ Việt cũng được thức tỉnh, lay động bởi ánh lửa lương tri? Vì mỗi cá thể thi sĩ chỉ một lần, và duy nhất đi qua cuộc đời này và để lại câu thơ như hạt giống tư duy, lộng lẫy kiêu hãnh không kém xao xuyến mơ hồ “Chút gì như bóng dáng đời ta…” .

(Sài Gòn, mùa Corona, 18.3.2020)

NHHM

Ý Nhi ngoài là một Nữ sĩ có vị trí quan trọng trên Thi đàn Việt Nam hiện đại, bà còn là một cây bút viết truyện ngắn nổi tiếng. Như nhận xét của nhà văn, dịch giả Vũ Thành Sơn "truyện ngắn Ý Nhi đã có ý thức đổi mới và có thành tựu rõ rệt" (Ảnh: Bộ sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp)  

 

DDVN giới thiệu chùm thơ ‘Bên thềm nhà Pasternak’ của nhà thơ Ý Nhi

 

Tự do

Chị đã lường trước sự đói khát

đã lường trước những đòn tra tấn hiểm nghèo

đã lường trước cái chết

nhưng chỉ đến khi

đứng sau song sắt nhà tù

chị mới hiểu tự do

Đó không phải là cái cách

một người đói hiểu giá trị của bữa cơm

một người ốm quý trọng thuốc

cũng không giống như kẻ bất hạnh luyến tiếc tình yêu

Lúc no

người ta không nhớ tới cái ăn

lúc khỏe người ta quên thuốc

trong hạnh phúc

người ta sẽ thôi nghĩ về sự may mắn

Nhưng với chị

ngay cả khi không còn tù ngục

tự do vẫn như một ám ảnh

một giày vò

một khát vọng.

 

Bên thềm nhà Pasternak

Tiếng ồn ào đã lặng
những cơn bão tuyết
những đám cháy hoàng hôn
những rừng cây trơ trụi
những ngọn gió dữ dằn từ thảo nguyên
những hồi chuông báo động

Tiếng ồn ào đã lặng
lời ly biệt đắng cay
sự nhục mạ
nỗi buồn thương
năm tháng nặng nề

Tiếng ồn ào đã lặng
La Ra* không còn nữa
trong băng giá, cô đơn, tù ngục
nàng không trở lại

Màn đã buông
kiếm đã tra vào vỏ
rượu đã cạn ly
sẽ bắt đầu thiên bi kịch khác

                                                
(* La Ra: là người tình của thi hào).

Nhà thơ Ý Nhi và nhà thơ Chim Trắng 

 

Người đàn bà ngồi đan

Giữa chiều lạnh

một người đàn bà                 

ngồi đan bên cửa sổ

vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã          

nhẫn nại

                  như thể đó là việc phải làm suốt đời

vội vã

                  như thể đó là lần sau chót

 

Không thở dài

                  không mỉm cười

                  chị đang giữ kín đau thương

                  hay là hạnh phúc

                  lòng chị đang tràn đầy niềm tin

                  hay là ngờ vực

 

Không một lần chị ngẩng nhìn lên

                  chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt

                  hay sau buổi chia ly

                  trong mũi đan kia

                  ẩn dấu niềm hân hoan hay nỗi âu lo

                  trong đôi mắt kia

                  là chán chường hay hy vọng

 

Giữa chiều lạnh

                  một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ

dưới chân chị

                  cuộn len như quả cầu xanh

đang lăn

                  những vòng chậm rãi.

 

 

Đắc đạo

Dương Bích Liên uống rượu

lặng im

và vẽ

Đã vượt qua mối vướng bận đời thường

đã vượt qua

mối vướng bận vinh quang

đã vượt qua nỗi lo sợ âm thầm

khi phải đứng

riêng về một phía

Dương Bích Liên uống rượu

lặng im

và vẽ

Những đối cực

đã tuyệt vời hài hòa trên mặt vải

những tiếng kêu bi thương

cuồng nộ

đã tan

trong lặng thinh kỳ bí

và rượu

đã thay cho mọi loài ngũ cốc

Rồi ra đi

như một vì sao

chợt tắt

giữa bao la

 

Về Thái Nguyên

Không chờ đợi sự tha thứ cho lỗi lầm
Không chờ đợi lời an ủi cho nỗi khổ
Không chờ đợi niềm vui nồng nhiệt
Tôi mong được yên tĩnh cùng miền đất cũ
Nơi dòng suối mềm chảy len dưới khóm trúc mùa thu.

Tôi thức nói với mình trong đêm
Ta đã trở về, đã trở về
Ôi con đường nhỏ ven đồi lau xám.

Tôi cách xa nơi này hai mươi năm
Thiếu nữ đã là người đàn bà ở tuổi bốn mươi
Cam chịu và cuồng nộ, mong mỏi và buồn nản
Đem cho và nhận về, kiếm tìm và đánh mất
Giản đơn và rối ren, lớn lao và cạn hẹp
Tôi đứng kề bên giới hạn của mình
Nhưng tôi không còn nhiều thời gian do dự
Không còn nhiều thời gian cho sai lầm
Tôi đi trên đoạn đường còn lại
Không nguôi quên nguồn sáng mặt trời
Chảy như xối qua cánh rừng 20 năm cũ.

Trong lòng tay đá chai, tôi còn giữ quả bóng màu hạnh phúc
Một ngày kia nó sẽ ánh lên màu sắc khác
Có lẽ…
Nhưng giờ đây cho tôi được cám ơn
Vì không có ánh nhìn ái ngại
Không có tiếng cười vui ồn ào.

Trên con đường đất đỏ
Mưa tháng 10 nhòe ướt dấu chân trở lại.


(Thái Nguyên, 10-1984)

 

Quê hương

Rồi ta về

ngày thơ ngây

trái mận, trái mơ

con giống đêm rằm

đèn trung thu sáng nến

phượng nở âm thầm trên mái rêu

Rồi ta về

nghe gió

thiếp lặng giữa vòm cây

như tiếng gọi trong chiều

Rồi ta về

trông sóng

trên mặt nước hồ trong

còn chuyến đi bền bỉ tới bờ

Rồi ta về

mưa phùn

lộc biếc

Rồi ta về

phố xưa cô vắng

sông lớn âm thầm thắm đỏ

Rồi ta về

tìm qua ô cửa

một chút gì bóng dáng đời ta

một chút gì

như đốm nắng trên tường vôi cũ

một chút gì như tiếng chim khuyên

nơi vườn hoang

Rồi ta về

cuộn trốn giữa yêu thương

như đứa trẻ

cuộn mình

trong chăn ấm chiều đông

Ôi quê hương

quê hương

mắt trũng sâu chờ đợi

ta khóc

ngập lòng trên lối về

Họa sĩ Chóe, nữ sĩ Ý Nhi, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ và nhà thơ Chim Trắng. Trong đám cưới Nguyễn Khôi Hạo, con trai cặp nghệ sĩ Tô Thùy Yên và Thụy Vũ. 

 

Vườn 

Không có giọng nói của anh
ánh nhìn của anh

tiếng cười của anh

để những đốm nắng cuối cùng của mùa hạ

những chiếc lá đầu tiên của ngày thu

có thể cháy lên thành ngọn

để khuôn mặt người đàn bà vừa ngang qua

có thể

huy hoàng dưới vành khăn nâu

để chiếc nhẫn ai đánh rơi

được nhặt lại

và dịu dàng chói sáng

Để con tàu trẻ thơ chạy quanh các luống hoa

thành chuyến tốc hành

đưa người đến miền cây lá khác

Để cỏ

có thể xanh tựa hồ nước mắt

để dấu chân người

im giữ niềm bí mật

Để em

có thể nghe nơi vòm dẻ đang nhuốm vàng kia

lời nguyện cho nỗi yên hàn.

Y.N

Nhà thơ Ý Nhi và một em bé. Nhà xuất bản Hội Nhà văn những năm 1993

 

Chú thích:

(*) Cám ơn anh Nguyễn Trọng Hiệp đã cho Duyên Dáng Việt Nam giới thiệu lần đầu tiên bộ ảnh độc đáo mà anh sưu tập được về nữ sĩ Ý Nhi. Bộ ảnh do một tay máy vô danh thực hiện những năm 1990 - 1995. Nhà thơ Ý Nhi cũng đã xử dụng một tấm từ bộ này để in vào gấp bìa cuốn sách quan trọng của cuộc đời bà, Tuyển thơ & truyện ngắn “Ngọn gió qua vườn”.

Trong bộ ảnh có những bức bà đã chụp chung với nhà thơ Chim Trắng, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, họa sĩ Chóe, đám cưới Nguyễn Khôi Hạo… (NHHM)