VĂN HÓA

Đỗ Trung Quân, thi sĩ viết về Mẹ hay nhất

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 05-08-2019 • Lượt xem: 11668
Đỗ Trung Quân, thi sĩ viết về Mẹ hay nhất

Thi sĩ Đỗ Trung Quân, trong cách đọc của tôi, ông là một trong ba gương mặt thơ quan trọng khi nhắc đến thơ Sài Gòn sau 1975, thời kỳ đầu. Hai người kia là thi sĩ Bùi Chí Vinh và nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh. Trong cuốn tiểu luận phê bình “Thơ Việt Nam hậu chiến” của tôi dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc vào tháng 10/2019, tôi có phân tích rõ hơn vì sao thơ của họ có vị thế. Bài này, tôi giới thiệu lại một góc nhìn của tôi về thơ Đỗ Trung Quân viết về Mẹ nhân mùa Vu Lan báo hiếu đang tới.

Tin, bài liên quan: 

Trần Vũ - Phép lạ của văn chương (Kỳ 2)

Sơn Núi, chuyện đời quái dị và những câu thơ huyền thoại

‘Nhà thơ facebook’ Phạm Hiền Mây: 'Mây trắng nỗi chiều em!'

Giữa hai thi sĩ Tế Hanh và Louis Borger

Đỗ Trung Quân là gương mặt Đôn Kisôt poème thập kỷ tám mươi, chín mươi và cho đến bây giờ. Chưa từng có một tuyên bố về thơ, nhưng thơ ông đi qua những tuyên bố rồi rụng xuống như những cánh hoa đẹp, buồn bã trên một sân thơ có quá nhiều kẻ giành chỗ. Chưa kịp đối thoại ông đã bỏ đi. Để cho chính những kẻ đòi gây hấn với ông một sự ngẩn ngơ; và kể từ đó, trong chính họ, thơ ông cũng đã có mặt. Viết về Mẹ là đề tài trung tâm kết lực mạnh mẽ của ông, đã thu hút nhiều người. Trong tác phẩm L'être et Néant (Hữu thể và vô thể) xuất bản năm 1943, J. P. Sartre có viết: "Ce qui compte dans un vase, cést le vide du milieu" tạm dịch có nghĩa là: "Điều đáng kể của chiếc lục bình chính là cái trống rỗng ở giữa".

Tự họa - Đỗ Trung Quân

Có thể nói, cái khoảng rỗng đáng kể của chiếc lục bình ấy đôi khi là những móc xích quan trọng thầm kín để hiểu thơ của Đỗ Trung Quân.

Bài thơ “Mẹ” ông viết khoảng giữa năm 1986. Lúc ấy, mẹ ông vẫn còn sống. Tính nghịch đảo của bài thơ là ở chỗ ông viết Mẹ để sám hối, tạ tội trước mẹ cho một ngày ông biết chắc chắn rằng mình sẽ mất mẹ (?!). Một điều vô lý nhưng ngẫm kỹ lại rất có lý và hợp lý. Điều đó mở đầu một cái khoảng rỗng thường trực ở ông, và len lỏi bàng bạc trong thơ ông. Đây là một style của họ Đỗ. Đâu phải đương nhiên ông cảm thấy xa lạ trước "Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?" (Mẹ). 

Đỗ Trung Quân và bông hồng cài áo

Thiết nghĩ, từ triết lý đảo này có thể hoài lại một cảm giác của ông, cảm giác hoang mang mà Albert Camus mô tả rất tài tình đó là nỗi cô đơn của thân phận con người, mãi mãi bị lưu đày trên quê nhà để ngóng vọng một vương quốc khải vọng nào đó (L'Exil et le Royaume).

Đỗ viết: "Không đi đâu. Không viễn xứ. Mà suốt đời hoài hương" (Chân dung thơ - Nxb Trẻ 1993). Tâm trạng này cũng chính là tâm trạng của Trịnh Công Sơn: "Trong khi ta về lại nhớ ta đi... Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt" (Một cõi đi về). Đó chính là cái chông chênh của kiếp người nghệ sĩ. Như vậy giữa Mất và Tìm, sinh sôi và hòa lẫn là những phạm trù chống đối nhau nhưng đã giải quyết lẫn nhau, nương tựa vào nhau. Đó là nguyên lý hợp nhất, căn bản nhất của triết học cổ đại Ấn Độ, thần hủy diệt (Vishnu) cũng chính là gương mặt của vị thần xây dựng.

Đỗ nhìn thấy trong những tháng ngày rơi rớt của mẹ lúc về chiều là bóng tà huy của những tháng ngày không còn nữa. Để ông quyết liệt chống trả với tiếng vọng khắc khoải nặng nề đến và gõ đều ký ức:

"Con không đợi một ngày kia khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc...

Con hốt hoảng với thời gian khắc nghiệt.

Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua".

Con đang khóc ở tận trong tim con đây bởi con biết rồi đây con sẽ vắng mẹ. Tương tự như thế, Phạm Thế Mỹ - Nhất Hạnh nương đỡ những đứa con sớm bất hạnh ấy bằng một bông hồng cài áo, "Một bông hồng cho những ai không còn mẹ". Để chịu đựng cú huých phi thường ấy, Đỗ âm thầm xa vắng chuẩn bị. Như trước một cuộc vắng mặt dài ngày của người thân, chúng ta không thể không hoài vọng, tưởng nhớ. 

Ở đây Đỗ hoàn toàn đi ngược lại với trạng thái hư vô chủ nghĩa mà William Faulkner đã từng chỉ trích nó, khi nó tràn ngập trong văn chương. William Faulkner viết: "Sự sợ hãi, ngày nào con người hết sợ hãi thì ngày đó họ (người nghệ sĩ) sẽ lại khởi sự viết những kiệt tác, những tác phẩm ở lại lâu dài...".

Thi - họa sĩ Đỗ Trung Quân trong xưởng vẽ

Sợ hãi ngày mẹ mất, sợ hãi phải đối diện những bấp bênh đang dần có mặt, đang xâm thực phần cuộc đời. Nỗi ám ảnh đó là "người xa lạ quen biết" (Biélinski):

 "Anh đã bao lần dừng lại trên phố quen.

Ngả nón đứng chào xe tang qua phố.

Ai mất mẹ sao lòng anh hoảng sợ.

Ngày tháng kia bao lâu nữa của mình?". (*)

Sự sợ hãi bắt đầu cho một ám ảnh. Nhưng khi đã trở thành ám ảnh thì có thể không còn sợ hãi nữa. Ám ảnh gần như một sự thúc giục dốc đổ, khiến người nghệ sĩ quên mình, dấn thân vào cuộc sáng tạo. Tác phẩm ra đời là những âm bản của nỗi ám ảnh ấy.

"Nghìn bài thơ chất ngập cả tâm hồn.

Đau khổ - chia lìa - buồn vui - hạnh phúc".

"Người đàn ông mắt buồn" - Tự họa - Đỗ Trung Quân

Đỗ lại phát hiện thêm khoảng rỗng thứ hai sau cái khoảng rỗng thường trực: "Ai níu nổi thời gian? Ai níu nổi?". Để ông bình thản nhận ra vòng tuần hoàn của cuộc sống, của vũ trụ này sống - chết, xanh non - cỗi già, tái tạo - rồi xuôi chảy mãi về một phía. Như dòng sông đã khởi nguồn tìm về biển cả. "Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn". Cuộc hành trình phân rữa.

Ông chuẩn bị vì nỗi hoang mang cực độ bởi vẻ đẹp lạnh lùng tàn nhẫn của hoa hồng cài áo. Đại văn hào H. Balsac đã không nói: "Sự đau đớn là vô cùng, sự vui mừng là hữu hạn". Bởi, trước cái chết dường như chuẩn bị rồi, cũng như chưa chuẩn bị. Một vỡ òa vượt ra khỏi những chiều kích đã định sẵn. Đỗ cứ ngỡ hình dung "xe tang qua phố" để bớt bàng hoàng, hóa ra khi chạm mặt với bàng hoàng lại càng bàng hoàng hơn. Những âm bản lại chồng lên âm bản. Đứng trên cái cheo leo, cạn hẹp của đời sống ấy, cái Tôi - bản ngã đã hóa thành cái Ta chung cho mỗi người. Từ cái Tôi cá nhân đi đến cái Ta của đồng loại :

Mẹ ta tro bụi trên sông.

Xuôi bèo hoa nẻo hư không mẹ về

(Trắng – Đỗ Trung Quân).

Cuộc hóa thân đã tới. Mẹ, khởi nguyên ra đi từ cát bụi, mẹ lại trở về với cát bụi - sự trung chuyển của cát bụi hóa kiếp. Nhìn lại quá trình chuẩn bị vì sự đi của mẹ để thấy ông bất lực không được quyền can dự gì hết. Ông bị ném trả giữa cho và nhận. Ông lưu lạc giữa bộn bề và trống trải:

 "Chiều hoa trắng rợn bốn bề.

Trần gian thêm một kẻ về mồ côi".

"Thêm một" là cách nói của im lặng mặc khải. Im lìm trong thế giới vọng tưởng. 

 

Tranh Đỗ Trung Quân

Mẹ là những cánh hoa đẹp trong thơ Đỗ Trung Quân. Cánh hoa ấy về sau đã được ông hóa thành hồn quê chung của đất nước, Tổ quốc. "Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người" (Quê hương - nhạc Giáp Văn Thạch, thơ Đỗ Trung Quân). Mỗi người chỉ có một Mẹ và tình yêu thương đó không bờ bến, không biên giới. Tất cả những dòng sông đều chảy và tất cả những dòng sông đó đều quy hợp để hướng về ngọn nguồn dâu bể. Đứng trên điểm này lại thấy thêm một khoảng rỗng lớn lao của thơ Đỗ Trung Quân. Khoảng rỗng đó nhường chỗ cho tiếng nói thời đại, dân tộc. Một khoảng rỗng để nhìn ra Mẹ trong Tổ quốc, Tổ quốc ở trong Mẹ. Nhưng tuyệt nhiên từ phía của thi sĩ, Đỗ vẫn chưa hề đối thoại gì cả. Đây chỉ là những độc thoại của một người chung cuộc. Một người có mẹ vừa qua đời từ hôm qua và hôm nay mùa Vu Lan đang tới. 

 

Nhân mùa Vu lan 2019, Duyên Dáng Việt Nam trân trọng giới thiệu lại với bạn đọc những bài thơ của thi sĩ Đỗ Trung Quân viết về Mẹ.  

Chùm thơ Đỗ Trung Quân

Mẹ

“Xin tặng cho những ai được diễm phúc còn có Mẹ"

Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.

Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài cho con lên áo một bông hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ?
Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn
đau khổ - chia lìa - buồn vui - hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?

Hôm nay...
anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngã nón đứng chào xe tang qua phố
ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình? (*)
Bài thơ này xin thắp một bình minh
trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối
bài thơ như một nụ hồng
Con cài sẵn cho tháng ngày
sẽ tới!

1986

(*) Câu này có nhiều dị bản. Nếu tôi nhớ không lầm thì bản đầu tiên, tôi đọc, thi sĩ họ Đỗ viết là "ngày tháng kia". Sau này, trên nhiều tờ báo trích dẫn bài thơ lại thấy ghi "tiếng khóc kia". Theo tôi chữ nào cũng hay! Nhưng "ngày tháng" có vẻ kéo dài nỗi ám ảnh và "thân phận con người" hơn! Còn "tiếng khóc" thì ngột uất nhưng âm vực ngắn! Tiếng khóc thì ngạc nhiên mới khóc. Còn ngày tháng thì mặc nhiên cứ trôi, cứ kéo lê la cái đuôi vô tận của nó. Đó cũng là những mệnh đề triết học vậy! (NHHM)

 

Mẹ ta trả nhớ về không

ngày xưa chào mẹ, ta đi

mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
mười năm rồi lại thêm mười
ta về thì khóc, mẹ cười lạ không
ông ai thế? Tôi chào ông
mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi
ông có gặp thằng con tôi
hao hao...
tôi nhớ...
nó... người... như ông.
mẹ ta trả nhớ về không
trả trăm năm lại bụi hồng...
rồi...
đi...

 

Trắng

Mẹ ta tro bụi trên sông

Xuôi bèo hoa nẻo hư không mẹ về
Chiều hoa trắng rợn bốn bề
Trần gian thêm một kẻ về - mồ côi
Từ đây chỗ mẹ ta ngồi
Mây như tóc trắng
rối bời
mây qua

 

Chỗ mẹ xưa ngồi

... Con hẻm dài như mọi con hẻm của Sài Gòn. Đầu hẻm là đường giao thông chính, cuối hẻm là con kênh Nhiêu Lộc cắt ngang, chỗ cái xóm ổ chuột của dân tứ xứ lưu lạc vì đủ thứ lý do: chiến tranh, nhập cư tìm việc, học sinh, sinh viên trọ học, gái điếm, ca ve - đủ cả. Người phụ nữ lưu lạc với 3 đứa con cũng ở đấy. Hàng ngày bà ngồi đầu hẻm với gánh xôi buổi sáng, gánh chè buổi trưa cho học sinh đi học sà vào... Hàng chục năm qua, cái đầu hẻm nhỏ ấy dành chỗ cho bà, dù ngồi trước cửa nhà ai bà cũng không bị đuổi. Những người đầu hẻm biết bà nuôi con như mọi phụ nữ nghèo khác, lại thấy phong cách bà nhã nhặn, nhỏ nhẹ, ai cũng tự hỏi sao bà lam lũ mà chẳng có vẻ gì xuất thân lao động tay chân? Bà chỉ cười im lặng. Bà là một phụ nữ thời trẻ hẳn phải rất đẹp, bởi vì khi ngồi bán xôi chè đầu ngõ bà vẫn còn đẹp. Thời ấy bà chỉ xấp xỉ 40, còn dấu tích xuân sắc trên gương mặt. Có mấy ông ở gần đấy cứ tìm hiểu xem tại sao bà về đây, tại sao bà đến ngồi ở cái xóm ổ chuột này... Nhưng thảy đều vô ích. Người phụ nữ ấy nhã nhặn nhưng cực kỳ kín tiếng.

Nhiều năm trôi qua, Cái xóm ổ chuột đã biến mất, Chung cư mới mọc lên xoá hẳn dấu tích cũ. Người phụ nữ bán chè cũng vắng bóng nơi đầu con hẻm đã gần 20 năm. Bà mất lâu rồi...

Mẹ! Năm nào con cũng về đây. Nhà cũ xóm cũ không còn dấu tích, nhưng con hẻm còn, chỗ mẹ ngày xưa ngồi sớm chiều vẫn còn. Con thường đến đấy vào buổi trưa khi nó vắng vẻ hơn. Nơi cột đèn cũ, bờ tường cũ từng kê chiếc bàn gỗ nho nhỏ của mẹ, con thường đặt xuống một chân nhang, ngồi hút thuốc trước ngôi nhà đối diện và chờ nhang tàn mới đứng lên đi. Những người đầu hẻm cũ người còn, người mất, nhiều người biết con, họ chào và ngạc nhiên chút ít khi thấy cái gã thường gặp trên phương tiện truyền thông lại ngồi ở đây một mình im lặng. Hẻm phía bên kia đường chính là ngôi nhà của một người không họ hàng nhưng đã thay đổi số phận của con. Anh chị ấy cũng đã ở bên kia bờ đại dương lâu rồi. Nhưng con biết mỗi lần con ngồi đấy hút thuốc có nghĩa là đã cuối năm, Có nghĩa đã sắp tết rồi.

Con về thăm chỗ cũ mẹ ngồi.

ĐTQ.