VĂN HÓA

‘Nhà thơ facebook’ Phạm Hiền Mây: 'Mây trắng nỗi chiều em!'

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 19-07-2019 • Lượt xem: 9867
‘Nhà thơ facebook’ Phạm Hiền Mây: 'Mây trắng nỗi chiều em!'

Mạng xã hội không chỉ là sân chơi của giới trẻ mà còn là nơi trải lòng và là “bệ phóng” của nhiều cây bút, trong đó có nhà thơ Phạm Hiền Mây. Đặc biệt, thơ Phạm Hiền Mây còn gây chú ý hơn khi được đăng kèm những bức ảnh “sắc nước hương trời” của tác giả.

Tin, bài liên quan:

Giữa hai thi sĩ Tế Hanh và Louis Borger

Khi Nguyễn Huy Thiệp nhảy đầm

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận giải thưởng văn chương danh giá của Hàn Quốc

Một lần trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, bà hỏi tôi nghĩ thế nào về việc thỉnh thoảng bà đọc thấy một số bài phê bình sử dụng cụm từ "Văn chương nữ giới"? Tôi đang ngạc nhiên vì chính mình cũng nghĩ như thế, và cho đấy là chuyện bình thường thì nữ sĩ “móc” nhẹ thêm một câu, có ai gọi là “văn chương nam giới” bao giờ đâu? Ừ nhỉ! Từ cổ chí kim chẳng ai gọi văn chương nam giới vì hiển nhiên văn chương, thi phú là việc của... đàn ông rồi! Thật ra chúng ta bị bao biện trong những thói quen, độc đoán, khuôn mẫu của trí nhớ! Và cái gốc trọng nam khinh nữ nó vẫn còn sẵn, vẫn tươi rói, vẫn sòng sọc ở trong huyết quản chưa hề phai nhạt. Chỉ một quan sát gai góc từ Thụy Vũ đã cho thấy sự bất bình đẳng rõ rệt. Mà điều này theo tôi là quan trọng. Bởi trong văn chương mà anh còn dựng nên những lô-cốt, định giới như thế thì ngoài văn chương nó sẽ còn khủng khiếp thế nào? Mặc nhiên, thế giới của chữ nghĩa là thế giới của tri thức, của cấp tiến. Đã cấp tiến thêm được bước nào đâu? Hay chỉ xoay diễn sắc màu của cái vỏ hình thức?

*

Ít ra thì facebook cũng cho người yêu thơ một kênh chuyển tải tự do hơn nếu bạn muốn. Khoảng cách giữa nam và nữ giới trong thế giới mạng này đã được cào bằng hay kéo gần lại. Thậm chí, người đẹp còn được chú ý hơn vì bên cạnh thơ còn có những bức ảnh "sắc nước hương trời” của họ. Đó là phần combo hay plus mà độc giả khó cưỡng. Và vì thế đọc những bài thơ bỗng trở nên lung linh hơn.

Thú thật là lúc đầu tôi không muốn đọc thơ Phạm Hiền Mây, bởi tôi nhìn thấy những tấm hình cô post lên mạng đẹp quá, có phần  “ảo diệu” quá. Mà người đẹp thì chữ nhạt, chữ thường, thậm chí là dưới mức thường. Nhưng rồi tôi lại thấy giật mình bởi tự hỏi ở đâu ra quan niệm cổ quái ấy? Chỉ có gái xấu mới làm thơ hay ư? Vậy hóa ra chữ nghĩa là những cái tổ kén để than khóc ư?

Để bất ngờ khi đọc, tôi đã nhận ra có một Mây khác trong thơ.

Có nỗi buồn mây trắng mỗi chiều lên
nhớ bàn tay gầy bâng quơ vẽ khói
vào giấc yêu chim sâu hoài than đói
buốt lòng đông lạnh gió đột nhiên mùa

 

buốt tình đông gió lặng lẽ khua lùa
trắng chiều em
nỗi mây
buồn thiên cổ
ơi uyên ương lẻ đôi tìm đâu ổ
thơm riêng mùi da thịt buổi cần nhau"

(Mây trắng nỗi chiều em)

Thú thật khi đọc xong câu "thơm riêng mùi da thịt" tôi thấy sốc quá mà cũng sướng quá! Hình như chưa thấy ai viết như vậy! Ca ngợi thịt da thì nhiều. Nhưng vì thế rất cũ, mốc meo, thâm căn cố đế. Thậm chí cái mùi người, mùi hơi thở, mùi thơm riêng ấy phải rất tinh tế, phải khéo lắm mới diễn đạt được. Và phải yêu mới nhận ra độ mặn của nhau từ chân tóc đến giọt mồ hôi. Cái mùi riêng, mùi người ấy cũng như mùi thơ với mỗi bản thể chẳng giống nhau.

Tôi đọc Phạm Hiền Mây rất chậm, trước hết do tôi không tin những gì mà các cây bút phê bình nổi tiếng như Đặng Tiến, Nguyễn Thị Dư Khánh, Nguyễn Vy Khanh, Khánh Trường, Nguyễn Văn Hòa... và nhiều tên tuổi khác viết ra. Với một tên tuổi mới mà được quá nhiều người xưng tụng đôi khi chỉ gây nguy hiểm cho thơ. Ngày xưa Hàn Mặc Tử khóc thút thít, kêu ầm lên ông bị thơ đánh "Nàng đánh tôi đau quá" chứ ông đâu biết bây giờ các nhà phê bình tên tuổi lại chúm vào khen thơ. Một câu thơ hay đôi khi Thơ khó! Nhiều khi càng phê bình vào thơ lại không thể chạm đến cõi thơ. Nhưng quả thơ Phạm Hiền Mây cho tôi nhiều thú vị.

*

Tôi không muốn đi tìm cái dở hay chỉ ra tiến trình lặp lại các bậc thang thi pháp Tân cổ điển trong thơ Phạm Hiền Mây. Bởi ai làm thơ cũng bị những cái ngách vô hình uy lực tỏa ra từ những cái bóng lớn đi trước chắn ngang. Ai làm thơ mà không từng mê Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng? Và sau một chút có thể là Du Tử Lê, Nguyễn Tất Nhiên? Bởi viết trước hết là chứng tỏ tình yêu của mình từ các bậc tiền bối. Tuy nhiên, tôi muốn Mây thoát khỏi những cái bóng ấy như thoát khỏi những hồn ma thi ca ám chướng! Cái bóng của quá khứ đè nặng trên những bước chân đi tới của tương lai.  

Tôi muốn Mây đọc thơ Minh Đức Hoài Trinh để xác tín, nghe rõ nhịp đập tình yêu thi ca hòa điệu với nhịp trái tim mình hơn, khi: “Đừng bỏ em một mình/ Môi vệ thần không linh”.

Và đó cũng là tiếng năm tháng quay gót ráo hoảnh, không bao giờ ngoái lại: “Tiếng thời gian rền rĩ/ Đường nghĩa trang gập ghềnh/ Bắt em nghe tiếng búa / Tiếng búa nện vào đinh…”.

Khi trong những thi phẩm đã ra mắt người yêu thơ đã thấy bóng Mây ý thức vượt thoát ra khỏi những barie lề lối cũ. "Em biết sẽ rồi mai lên cào xé".

Những câu thơ ngổn ngang, mang âm hưởng tiết tấu hiện đại "Anh sông tưới mùa em tròn vành vạnh/ Lá thêm cong sóng phiến ưỡn lưng gần",

Hay khi Mây tự ý thức bỡn cợt: "Mắt môi em rất lôi thôi”

Hoặc tinh tế đến mức, tạo hiệu ứng bất ngờ cho thể thức âm u, mòn nhão lục bát:

 "Cánh xương hoa rụng màu xưa/ Giấc mơ mỏng sóng dạt chưa tìm về".

Và đã có những tín hiệu mới. Như loạt bảy bài thơ "Đêm trò chuyện cùng Bùi Giáng" mới đây cho thấy Mây có ý thức đi lâu dài với thơ hơn. "Bao giờ khói đủ sẽ cay", "tóc mai mấy sợi xanh nường/ mà nghe chừng đã vô thường bể dâu".  

*

Phạm Hiền Mây là một hiện tượng thơ trên facebook. Tôi nói điều ấy như xác tín lại. Bởi đã rất nhiều bài viết của những nhà văn, nhà phê bình tên tuổi nhận xét về thơ Mây, đã nói về rõ điều đó. Tuy nhiên, tôi nhận ra một vẻ khác của Mây chính là tính tương tác thơ vào công nghệ hiện đại. Công nghệ hiện đại xóa bỏ những rào cản tự do. Và tự do sẽ dẫn đến những cấu trúc thơ mới. Không còn nặng hình thức, khuôn khổ mà gần với số phận nhỏ bé, mong manh vô cùng trong đời sống hiện đại. Nhưng bởi vì mong manh nên kỳ diệu.

Tôi lại nhớ đến cuộc trao đổi tình cờ với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ “văn chương nữ giới”. Và tôi thấy từ trong sâu thẳm, thế giới viết của các nhà văn Việt chưa bao giờ có thực sự tôn trọng tự do cho các nhà văn nữ. Đúng như vậy! Làm sao để văn chương còn không chia cắt những biên giới. Chỉ là văn chương mà thôi! Những trác tuyệt, xúc cảm, những cái hay!

Như “thơm riêng mùi da thịt buổi cần nhau”. Vâng thơm riêng thịt da, thân phận! Những cái riêng làm giàu có, bát ngát cõi mông mênh, nghệ thuật. Ngôn ngữ - Tình yêu và Thi ca!

Như đã có thơ Phạm Hiền Mây!