VĂN HÓA

Joseph Huỳnh Văn, thơ là cái đẹp không bạo lực

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 20-09-2019 • Lượt xem: 11959
Joseph Huỳnh Văn, thơ là cái đẹp không bạo lực

Joseph Huỳnh Văn (1942 – 1995) là một tiếng thơ lạ và ẩn kín. Đọc ông, qua những bản lưu của nhà văn Nguyễn Đạt, từ những năm 1970, cho thấy ông là thi sĩ viết vào hạng cầu kỳ bậc nhất và không cốt giữ lại những bài thơ của mình. Tại sao?

Tin, bài liên quan:

Xuân Quỳnh, tiếng thơ nghìn mảnh vỡ

Về B’lao, tìm ‘quái nhân’ Sơn Núi (Kỳ 2)

Về B’lao, tìm ‘quái nhân’ Sơn núi (kỳ 1)

Khôi Hạo Nguyễn: ‘Hát cho em, tàn ngọn gió kinh thiên!’

Bởi những bậc kỳ khu thường ít hoặc không bao giờ hài lòng về những bài thơ họ đã viết ra. Họ thường không ý thức không gian cố định trong mỗi bài thơ, cố gắng mở mãi biên độ của những chân trời vô tận. Vì thế, xem ra họ đã bất lực. Bài thơ trước và sau cũng chỉ có một gương mặt rõ rệt nhất ở thời đại thi sĩ sống và viết. Ngay lúc đó, tức thì, hoặc không bao giờ nữa! Thành thử, khi một thi sĩ có tham vọng bài thơ của mình là gương mặt của mọi thời, mọi đời thì hóa ra đó là thảm vọng.

Thi sĩ Joseph Huỳnh Văn trong trí nhớ của họa sĩ Đinh Cường

Tuy nhiên, tôi không định nói Joseph Huỳnh Văn thất bại vì hai lẽ sau. Ông còn những câu thơ mọc trong đầu người khác. Như những câu trong bài “Dương cầm xanh” chỉ ngủ im nhưng không chết: “Đàn im. tôi biết làm sao thấy/ Đêm qua tôi chết quá không hay” hay trong bài “Cầm nguyệt xanh” như sau: “Một đêm. tôi uống hết sông đầy/ Một đêm. tôi khóc hết thơ ngây”. Có lẽ rất nhiều người thuộc trong tâm trí mà không biết đó là thơ của Joseph Huỳnh Văn. Những câu đơn giản mà tài hoa như vậy thật khó kiếm, thật chưa bao giờ dễ dàng. Giống như khi ta đã vượt qua hết mỗi cung đường cản trở, san lấp những hố lầy, gồ ghề của ngôn ngữ đã thấy hiện ra một bầu trời trong xanh, sảng khoái đầy thi vị mênh mang của một vườn hoa trắng.

Những tờ tạp chí văn chương do Joseph Huỳnh Văn chủ trương và đã in thơ ông - tư liệu của Huy Vespa

Có vẻ như sau nhóm Xuân Thu Nhã Tập và Bích Khê, Joseph Huỳnh Văn ý thức đi thẳng vào nhánh siêu hình và tượng trưng với một ý hướng mạnh mẽ bằng sự thúc hối bên trong. Câu thơ trước hết phải đẹp, tượng hình và tạo thanh. Phải cầu kỳ làm dáng, phải yểu điệu như một thục nữ. Thơ là cái đẹp không bạo lực. Không tuyên ngôn, không tuyên chiến. Cũng vì thế mà thơ ông có vị thế riêng, không lẫn lộn giữa rất nhiều gương mặt thi ca đa dạng, muôn sắc vóc, dáng vẻ của Sài Gòn.

“Ôi khúc cầm dương sầu quí-phái/ Đàn ai ngăn ngắt trời tây-phương/ Đàn im. tôi biết làm sao thấy/ Réo rắt. em tinh-khiết buông tay/ Réo rắt. em trong suốt như mây/ Thôi đã nghìn xưa hương khói bay…”.

Giới văn nghệ ở Sài Gòn thường tỏ lòng quý trọng và ngưỡng mộ khi nhắc tới ông, “Joseph Huỳnh Văn là một thi sĩ toàn tòng”, “người thi sĩ dấn thân vì Cái Đẹp”.

"Thư gửi người bạn trẻ làm thơ" một tiểu luận thơ quan trọng của Joseph Huỳnh Văn

Ngoài hơn ba mươi bài thơ đăng trên Nhã Tập và Tập san văn chương do ông chủ trương từ 1970 đến 1974, ông không còn riêng một ấn phẩm nào.

Thi sĩ Joseph Huỳnh Văn mất đột ngột trên tay nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh trong một cơn đau tim khi hai ông hẹn uống cà phê trên đường Sương Nguyệt Ánh - con đường nhiều bóng cây đẹp nhất của Sài Gòn, trong một buổi chiều của ngày đầu mùa xuân 1995. Một thi sĩ truyền thống bất ngờ nằm xuống bên cạnh một nhà thơ hậu chiến. Liệu sự ra đi đột ngột đó có dự báo chấm dứt một trường phái lãng mạn, một thi pháp cổ điển chăng? Có thể! Chưa bao giờ gương mặt thơ bị tàn phá, bị biến động như hôm nay. Nhưng cũng chính vì thế mà ông vẫn tồn tại như một vẻ đẹp sắc lạnh độc đáo của thơ ca.

Bài thơ "Trăng cổ thạch" của Joseph Huỳnh Văn

Duyên Dáng Việt Nam xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một chùm thơ trong di cảo để lại chưa từng chính thức công bố của thi sĩ Joseph Huỳnh Văn.

 

Joseph Huỳnh Văn và chùm thơ “Cầm nguyệt xanh”

Cầm dương xanh

Ôi khúc cầm dương sầu quí-phái
Đàn ai
Ngăn ngắt trời tây-phương
Người lắng
mơ lên chiều
xanh vương...
hồng tuôn thanh-thót suốt đêm trường.

Hồng tuôn. em trắng nuốt dương tay
Thôi đã nghìn xưa hương khói bay
Đàn im. tôi biết làm sao thấy
Đêm qua tôi chết quá không hay
Đàn im, tôi biết làm sao thấy
Réo rắt. em tinh-khiết buông tay
Réo rắt. em trong suốt như mây

Ôi khúc cầm dương sầu quí-phái
Đàn ai. ngăn-ngắt trời tây-phương
Xanh đóa hồn tôi xanh lá lệ
Trong vườn tôi xanh đẫm tinh-sương.
Ôi khúc cầm xanh
sầu quí-phái.
Mưa trầm xanh cầm mộ ngát xanh

 

Âm

Thây chiều phơi tím
ngát rừng thông
Hoàng hôn khôngcùng ngực tuyệt vọng
Máu người yêu rừng rực cánh đồng vàng
Đá rũ
lạnh trăng
hồn chưa tan
Khói sắc dáng kiếm
Núi bàng hoàng
Tóc sao rối hoang mang trời vĩnh quyết
Mắt đêm thời thiết tha
Lệ chia phôi
Lời ca gởi mong manh trong cổ
có ai về
đâm ngục yêu nhau
Mai mải
phải thấy chút chiều phai
trong máu người liệt sĩ
Sẽ gần nhau trong khôn xiết biệt ly

 

Bút tích thi sĩ Joseph Huỳnh Văn được lưu giữ (Tư liệu của nhà nhiếp ảnh MPK - Đà Lạt)

Cầm nguyệt xanh

Ai cầm dưới nguyệt, ai như mây
Có hoa rất lệ ngát. hiên tây...
Ai xõa tóc xanh, ai đầm áo
Nửa đêm ngất tạnh.
Cầm buông dây...
Ôi nửa đêm sầu
sầu ngất tạnh
sầu như cầm. nguyệt tàn về đâu...

Em hỡi! khi tay ngà rỏ máu
thì mộ lòng tôi xanh cỏ rồi
Cô cho tôi đắm thuyền năm ấy
Về đầm đìa ngực mà ngất say

Một đêm. tôi uống hết sông đầy
Một đêm. tôi khóc hết thơ ngây
Không rượu tôi về trên bến vắng
Một đêm. tôi ngắm hết mùa trăng
Không rượu tôi về trên bến vắng

Suốt đêm nằm nuối tóc tơ nàng

Hồ như
cầm đứt dưới trăng tàn
Ai xé lòng như nguyệt thấm mênh mang...

 

Em đẹp như cách mạng

Vành khăn tang thắm đỏ giữa chiều vàng

Em đẹp như nát tan
Thuở bình minh, rạng rỡ xa nhau

Ôi vầng dương vầng sầu
Em đẹp như hoàng hôn đổ máu
Thầm giấu tên chúng ta

Như một chuyến đi xa
Người về dưới chân sao lặng lẽ
đẹp nghẹn ngào
tên của người trong trắng biết bao
Ôi vì sao ở cuối trời ly cách

Em đắm đuối
như chuỗi đời không gặp gỡ
đẹp bơ vơ

Như giấc mơ vội vàng tảng sáng
đẹp muộn màng
Ôi những người kiêu hãnh chẳng ngày mai
đẹp tàn phai
vì lòng hoài cách mạng

 

Trầm thúy

Chiều khép mắt xanh

trầm thúy nhớ
trầm cỏ xanh
rủ bóng mực huyền sơ

Lòng sương phai Hoài khuất vết chân mờ
Trăng ấp-ủ vừng mơ trong đáy mộ
chiều đi mãi
Thương nắng vàng, nuối lại
chút hồng rơi bi-thiết cuối chân ngày

Chiều khép mắt xanh
trầm thúy nhớ
trầm ngàn mây
khép tím một giòng thơ

 

Cầm hồ xanh trầm mình

Tặng Nguyễn Đạt - đã lưu giữ cho tôi những vần lặng lẽ này.

Rất xanh, tóc mới chấm ngang vai
Âm u, chiều tới bên hồ đắm
Muôn trùng thăm thẳm em ngất xanh
Xanh mi. xanh mắt.
và xanh tóc...
Nàng ơi xanh đắm đuối thiên thanh.

Trong xanh ai đắm chiều tê tạnh
Chảy khắp giòng em rực ánh hồng

Nhưng sao trong buổi xuân xanh ấy
Xuống tóc, em trắng xóa theo mây
Theo mây...
rồi biết dạt phương nào
Lòng ta rồi sẩy bước nơi nao
Con trăng thơ dại chưa đầy tuổi
Đêm qua tự vẫn đáy sông hằng.

Ôi một chút chiều rất mong manh
Một chút chiều xao xuyến đáy thiên thanh. Cầm hồ...
(Cầu mong con trăng thơ dại kia xanh mai mãi
trong đáy nước xanh)

 

 

Trăng Cổ Thạch

 

Đêm bát ngát rạng đông
Bình minh xuống...
mịt mùng giòng Cổ Thạch
Khúc trăng tàn
Ngày ai hát điêu linh. Gương vỡ...
Bước hoàng hôn. Chân đá biếc chưa mờ

Nhớ đẹp đôi mắt sâu
để hồn sầu tăm tối
chưa thành lời chia phôi
sao môi đầy viễn xứ. Ven trời...
Một ngày hẹn xa nhau trên đường xưa
Lòng thạch xưa se sắt
Thương nhớ chút nắng chiều chưa khuất bên kia đời

Ôi lời thơ không nỡ gởi môi ai
chờ mãi lòng hoa nguôi bóng tối
Phố Vàng Phai
đắm đuối quên nhau

Đá xanh trăng thức lạnh khúc ca sầu
chập chờn ánh lửa
chìm môi sâu
nụ cười bỗng vì đâu
giữa buổi chiều đớn đau như lệ nuốt

Máu tuôn giòng Cổ Thạch
suốt Đêm Sau

[Lời thi sĩ: Thạch: đá, trong thành ngữ đá vàng. Tên một thi sĩ đã khuất: Đỗ Đình Thạch. Đêm Sau: đêm sau "đêm qua" ("đêm qua" trong ca dao). Là đêm nào đó. Không biết. Đã qua rồi. Đêm của đời sau. Kiếp sau].

J.H.V