VĂN HÓA

Về B’lao, tìm ‘quái nhân’ Sơn Núi (Kỳ 2)

Nguyễn Hữu Hồng Minh    • 06-09-2019 • Lượt xem: 2754
Về B’lao, tìm ‘quái nhân’ Sơn Núi (Kỳ 2)

Phương Bối am với những huyền thoại huyền hoặc do người đời thêu dệt. Nơi Sơn Núi đã trồng hàng ngàn cây thông để định danh cái tên “thi sĩ ngàn thông” và thả những vần thơ trác tuyệt buồn vui, nợ nần cõi thế. Cái thế giới ngỡ thanh cảnh bát ngát ấy hóa ra đựng một nỗi sầu lớn như ca từ Trịnh Công Sơn “Đã thấy trong ta hiện bóng con người”.

Tin, bài liên quan:

Về B’lao, tìm ‘quái nhân’ Sơn núi (kỳ 1)

Sơn Núi, chuyện đời quái dị và những câu thơ huyền thoại

Vương Huy và “Bóng thời gian ngả xuống”

Khôi Hạo Nguyễn: ‘Hát cho em, tàn ngọn gió kinh thiên!’

Trong thơ Sơn Núi luôn ẩn phía sau bóng con Sphine, một con nhân sư yêu chuộng tri thức, tự do cũng chính là nơi trú ẩn nỗi buồn thường trực hiện hữu, tự đọa đầy, dày vò. Ý thức bùng vỡ, thúc hối một trái tim luôn phản tỉnh, phản kháng:

Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp bãi hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô

Chân dung thi sĩ Nguyễn Đức Sơn - Họa sĩ Phan Trọng Văn

Nơi ông cũng nhận ra những điềm báo kỳ dị về một trái đất sẽ có ngày kết thúc. Và ngày ấy sẽ đến, để tất cả sẽ thay đổi. Mọi thứ  không còn chia cắt phân biệt, cả đất lẫn trời. Chứ  không phải hiện thực tận cùng khánh kiệt, tàn mạt như bây giờ. Trái đất bơ vơ, hay cát bụi mệt mỏi cô đơn cùng tận, còn sót lại. Người sống lẫn với dòi bọ nhầy nhụa, lẫn lộn không còn phân biệt nổi chánh - tà, đen - trắng:

Trưa đứng một mình đợi ai lên
Đất trời đâu có dưới và trên
Đồi cao ổi sót rụng một trái
Dòi ăn một bên ta một bên.

Tôi bỗng nhớ một câu của Thần y Lê Hữu Trác từng viết: “Thơ cốt ở ý, ý có sâu xa, thơ mới hay. Phải làm cho người đọc suy nghĩ mới hiểu được thì mới hay. Không phải bất cứ điều gì cũng phải nói ra bằng lời”!

Và lẩm nhẩm câu thơ Sơn Núi, gieo vần quá kinh sợ. Trong muôn người, chỉ một. Cái vần ngót, ngốt ấy:

“Sốt rét đi lấy đót

nhìn núi cao chót vót

mối sầu... lan tới ót”.

***

Thi sĩ Sơn Núi (nằm), Đại đức Thích Giới Lực con trai ông và Nguyễn Hữu Hồng Minh (Ảnh: Hoàng Thu An)

Khi Vân đưa tôi qua thăm thi sĩ Sơn Núi thì ông vừa từ bệnh viện Bảo Lộc về buổi sáng. Ông đang chìm sâu vào giấc ngủ mê mệt. Lúc đầu tôi  suy tư với câu hỏi không rõ giấc miên trường đó có thuốc ngủ hay không mà ông mê man như vậy!?

Nhưng thực tế là một phũ phàng khác!

Hình như các nhà thơ thường ít khi ngủ vào buổi chiều. Và buổi chiều thường mang đến một hoạt cảnh tận thế! Trong thi ca Việt Nam những bài thơ hay, những câu thơ hay viết về buổi chiều không ít. Xuân Diệu từng viết bài thơ có tựa “Chiều” với những câu màu sắc ám ảnh, liên tưởng kỳ lạ, cái màu chiều ấy, như: “Phất phơ hồn của bông hường/ Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng”. Và chấm lửng câu kết: " Không gian như có dây tơ/ Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu/ Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều/ Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn".

Huy Cận cũng buồn sầu tê tái trong “Ngậm ngùi”: "Nắng chia nửa bãi chiều rồi/ Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá sầu". Để vặn xiết, thúc hối như “Chiều chiều” hoang hoải trong thơ Chế Lan Viên: “Trăng tắt lâu rồi/ Mà sao cánh gió/ Cành cao chưa rồi?/ Mà sao thương nhớ/ Vẫn còn trong tôi/ Xa nhau lâu rồi”.

Để bây giờ tận mắt chứng kiến bóng thi sĩ Sơn Núi nằm co quắp, quạnh hiu giữa chiều núi rừng Đại Lào lại gợi cho tôi niềm tê dại hoàng hôn sụp đổ của một thế giới thi sĩ? Người rồi sẽ tịch diệt. Có còn chăng là những lâu đài thanh âm ngữ điệu, những bóng chữ?  

Trong căn buồng nhỏ, lạnh lẽo, Vân dắt tay tôi áp vào tay ông Sơn. Tôi vẫn nghe nóng ấm từng ngón. Vân kêu "Cha cha! Có bạn thơ lên thăm cha đây!". Nhưng hình như ông Sơn không còn biết điều đó hay đã chối từ điều đó. Chỉ một mình ông bơ vơ nơi xa xôi nào đó trên đảo giấc ngủ. Thi sĩ không còn biết gì nữa sao? Vân kéo lại tấm chăn mỏng, đặt hai tay vào vai ông, kêu lớn trong tuyệt vọng: - “Cha! Cha! Cha!...”.

Cô Phượng, người tình đầu đời và chung thủy bên ông đến cuối đời. Một cuộc tình đầy giông bão của cơm áo mưu sinh và những luân chuyển thời đại.

Thi sĩ Sơn Núi he hé mắt nhìn chúng tôi. Chứng tỏ bộ nhớ của ông vẫn chậm chạp tiếp nhận từng ký hiệu. Ông rướn cái nhìn thoáng về phía tôi, nụ cười ngơ ngẩn và đôi mắt lờ đờ nhắm lại! “Cát bụi mệt mỏi” – tên một cuốn sách của ông viết. Đã quá nhọc nhằn tê dại một kiếp người. Như vậy mong ước của tôi được một lần gặp ông để cuối cùng là đây! Vẫn ông! Vẫn hình hài thi sĩ Nguyễn Đức Sơn – Sơn Núi. Nhưng đã không còn đối đáp! Đã tịch diệt miên viễn! Tôi vẫn còn nung một ngọn lửa trong tâm hồn với nhiều câu hỏi Đại lão về thơ, về ngôn ngữ, về thi pháp! Vậy tại sao ông nằm đó và không còn muốn đối thoại. Ngừng lại mọi đối thoại. Không còn khả năng đối thoại. Và chính ông, với khả năng tiên tri thấu thị của mình đã từng viết trong thơ hình ảnh “Cảnh đời” về sự ra đi cô đơn của mình, nhân gian khó ai có thể hiểu và chia sẻ. Khi sống đã cô đơn và khi tắt nghỉ cũng trong cô độc “trần trụi”, “một mình trên trái đất màu mè”:

Có một con dế què
Cánh mòn đập rè rè
Không ai nghe
Kiến bu trần trụi cuối hè
Một mình trên Trái Đất màu mè
Nằm chết trong lùm tre

Một nỗi buồn tê tái trùm lên tôi giữa hoàng hôn Phương Bối.   

Theo Yên và Lão, những người con ông Sơn cho biết, gần cả tháng nay ông Sơn phải ra vào bệnh viện liên tục. Huyết áp của ông vẫn quá cao. Bác sĩ phải thường xuyên cho uống một loại thuốc trợ tim. Từ Đà Lạt chuyển về Bảo Lộc ông vẫn phải đi về thường xuyên hành trình giữa nhà và bệnh viện. Cả gia đình chỉ dựa vào hơi thở của thi sĩ để biết là ông còn sống. Ngoài ra mọi sự liên lạc của ông với đời sống như cử chỉ, tiếng nói, đau đớn... đều mất dần các tín hiệu. Ông như một cây đèn cạn dầu trong bão.

***

Hai con gái của thi sĩ Sơn Núi mang tên rất đẹp Phương Bối và Tiểu Khê

Về phần di cảo của Nguyễn Đức Sơn hiện nay là một vấn đề rất khó phân giải. Đó là gia đình ông đã chia ra hai phe tranh cãi và chưa có một phương án giải quyết rốt ráo. Chia sẻ cùng DDVN,  thi - nhạc sĩ Nguyễn Đức Vân cho biết chuyện tưởng là nhỏ thôi nhưng sẽ không thể kết thúc có hậu nếu như con cái trong nhà không chịu nhường nhau để cùng tìm ra một giải pháp tốt nhất.

Trước khi đau nặng, Lão thi sĩ rất muốn được nhìn thấy một tuyển thơ của mình lúc chia tay cuộc đời. Việc này nghĩ kỹ thì cũng là chuyện thường tình của người thi sĩ, nghệ sĩ sau gần cả đời lao lực, tung tẩy, sáng tạo và dốc đổ cống hiến cho chữ nghĩa.

Sơn Núi những ngày còn khỏe lang thang trên cánh rừng thông Phương Bối

Có nhiều nhà xuất bản đến tận Bảo Lộc tìm tới gia đình ông đặt vấn đề muốn được ủy quyền xuất bản. Trong đó có nhà thơ Nguyễn Vĩnh Nguyện và công ty Phan Book đã đưa ra phương án xuất bản một tập thơ của Nguyễn Đức Sơn và đã được lão thi sĩ đồng ý. Tất cả mọi thủ tục, yêu cầu, quyền lợi của cả hai bên đều được Phan Book thể hiện thành văn bản và sẽ có hiệu lực sau khi ký kết. Mọi việc ngỡ rất có hậu, rất mừng cho thi sĩ Sơn Núi và gia đình ông. Thế nhưng, ông ngả bệnh…

Cuối cùng vẫn rắc rối ở chỗ gia đình ông Sơn mà cụ thể là các người con Lão, Yên, Tiểu Khê, Phương Bối muốn công ty không được sửa chữa, cắt đục, bỏ đi bất kỳ một chữ nào, kể cả một dấu phẩy, dấu chấm từ nguyên bản viết tay của Cha họ.

Và với tình hình xuất bản hiện nay ở Việt Nam thì không một công ty làm sách nào có thể ký một thỏa thuận cam kết như thế!

Và thi sĩ Sơn Núi vẫn nằm đó! Và những chồng bản thảo, những bài thơ máu lệ của cả một đời người vẫn nằm đó!

Trong sự tối tăm của rừng sâu núi thẳm! Trong im lặng nhưng nhức của đêm đại ngàn.

Chỉ biết rằng khi chia tay Phương Bối, chia tay thi sĩ Sơn Núi, một lão ngoan đồng hay đứa trẻ thơ mỉm cười miên viễn trong giấc ngủ, chia tay Vân… tôi đã giấu đi hạt lệ của mình.

Sài Gòn, 6/9/2019