Vào một buổi sáng tháng 3.2024, từ Lisbon (Lisboa) - thủ đô Bồ Đào Nha - chúng tôi đi về hướng Fátima. Đoàn của chúng tôi gồm Duệ, một hướng dẫn viên người Việt sống tại Bồ Đào Nha, một tài xế kiêm hướng dẫn viên người Bồ tên Eugénio Liziário. Anh nói tiếng Anh tốt và vui tính. Công việc chính của Eugénio Liziário là nhà sản xuất phim ảnh tại Bồ Đào Nha, hướng dẫn viên du lịch chỉ là nghề phụ.
Đường đến thánh địa Fátima khoảng 120km nhưng do lượng xe không nhiều, đường thông thoáng nên chúng tôi đến khá nhanh, chỉ khoảng hơn 1 giờ đồng hồ.
Thành phố Fátima là thánh địa hành hương lớn thứ 4 trong cộng đồng Công giáo thế giới - Ảnh: Wikipedia
Tôi không phải là người Công giáo nên không biết rõ lịch sử Fatima. Vì vậy, khi lần đầu tiên đặt chân vào thành phố Fatima tôi có nhiều thắc mắc. Đến khi vào thành phố Fátima, người hướng dẫn viên kể về câu chuyện linh thiêng tại vùng đất này khiến tôi ngạc nhiên và bất ngờ. Theo lời người hướng dẫn, đây chính là Fatima thực thụ, là thánh địa hành hương lớn thứ 4 trong cộng đồng Công giáo thế giới.
Sau một vòng quanh co, chúng tôi dừng lại trước cổng Vương cung Thánh đường Fátima. Từ cổng chính, chúng tôi bách bộ qua một khoảng sân rộng lớn để đi vào bên trong. Trên đường đi, tôi thấy rất nhiều người đi bằng đầu gối vào nhà nguyện thay vì đi bình thường. Họ đi bằng đầu gối, hoặc bò một cách khó nhọc nhưng đầy kiên nhẫn và quyết tâm. Duệ giải thích cho tôi biết hầu hết những tín đồ Công giáo đến đây cầu nguyện Đức Mẹ ban cho sức khỏe. Theo lời Duệ kể, có rất nhiều người mang những căn bệnh hiểm nghèo, chữa trị từ nhiều bệnh viện uy tín không khỏi, đến đây nguyện cầu thì không biết có phải vì ngẫu nghiên hay không, mà sau đó bệnh thuyên giảm và khỏi bệnh. Câu chuyện Duệ kể đã tác động mạnh đến cảm xúc của tôi.
Bên trong Vương cung Thánh đường - Ảnh: Wikipedia
Theo Eugénio Liziário, Fatima là cái tên bắt nguồn từ tiếng Ả Rập. Tương truyền, một công chúa Ả Rập tên Fátima người Hồi giáo đã cải đạo sang Công giáo khi kết hôn với bá tước Ourém. Vì vậy, người dân đã lấy tên của công chúa đặt tên cho vùng đất nhỏ này. Về sau, dân cư ở đây dần dần đông lên, từ một thôn hẻo lánh trở nên sầm uất hơn. Vùng đất này từ xưa đến nay vẫn thuộc khu tự quản có tên là Ourém, quận Santarém, miền Trung Bồ Đào Nha. Fátima bắt đầu trở thành vùng đất thiêng kể từ khi có 3 trẻ em đi chăn cừu trên cánh đồng gặp một người phụ nữ xinh đẹp xưng là Đức Mẹ Fátima. Bà đã khuyên ba trẻ nhỏ đọc kinh mân côi và loan truyền đến mọi người để cầu nguyện hòa bình cho thế giới. Sự việc được cho là xảy ra vào năm 1917. Dù chỉ là giai thoại nhưng có những chi tiết khiến tín đồ Công giáo giàu đức tin vào điều kỳ diệu ấy. Từ đó, Fatima trở thành thánh địa hành hương cho đến ngày nay.
Chúng tôi dừng lại một nhà nguyện nhỏ trong khuôn viên Vương cung thánh đường. Đây là nơi Đức mẹ Fátima (hay còn gọi là Đức Mẹ Mân Côi) xuất hiện. Một hàng người rất dài nhưng rất trật tự chờ đến lượt mua những cây nến để thắp lên và cầu nguyện. Tôi mua 3 cây nến đốt lên để cầu xin sức khỏe và bình an cho cả gia đình. Xong, tôi bước qua một lò đang cháy quăng 3 cây nến vào trong. Trong lúc đó, có một nghi lễ đang diễn ra và mọi người đứng xung quanh bên ngoài nghiêm trang.
Chúng tôi ở đó một chút thì dạo bước tham quan các nhà nguyện lâu đời và bảo tàng nằm trong khuôn viên. Trong bảo tàng này có trưng bày rất nhiều chuỗi hạt công giáo xưa cổ, và mỗi một chiếc chuỗi hạt có một câu chuyện linh thiêng của một vị thánh nào đó. Vì không phải là người trong đạo nên tôi không thể ghi nhớ hết tên của các vị ấy. Chúng tôi tham quan gần hết buổi sáng thì rời đi. Trong khuôn viên và bên ngoài, có rất nhiều người ăn xin. Họ ngồi một góc cố định, đặt chiếc lon phía trước và không van nài ai cả. Ai có lòng thì bỏ vào đó vài đồng xu. Theo Duệ, những người ăn xin ấy là dân nhập cư từ Đông Âu và châu Phi. Chính sách nhân đạo đã khiến Bồ Đào Nha không trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp khi họ không phạm pháp. Trong các nhà thờ luôn có phần ăn dành cho người vô gia cư, chuyện vệ sinh và tắm giặt thì có nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, ai phạm pháp thì khi bị trục xuất một lần, vĩnh viễn không có cơ hội quay lại đất nước này.
Tác giả bài viết cùng đạo diễn kiêm hướng dẫn viên du lịch Eugénio Liziário - Ảnh: Nguyễn Huy
Ra khỏi nơi vương cung thánh đường, chúng tôi đi dạo một vòng cái thành phố nhỏ bé này. Có rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm gồm thánh giá, tượng chúa, tượng Đức mẹ, chuỗi hạt và rất nhiều thứ khác. Bất chợt tôi hỏi Eugénio Liziário về siêu sao Christiano Ronaldo, người con của xứ Bồ. Eugénio Liziário kể về siêu sao bóng đá này với giọng điệu vô cùng ấm áp. Ronaldo là một tín đồ ngoan đạo, một người con hiếu thảo, một người chồng chung thủy, và một người cha mẫu mực. Anh sinh ra ở một hòn đảo cách xa Lisbon lẫn Fatima nhưng vẫn đến đây viếng thăm. Vào suốt những năm COVID-19, Ronaldo đã bỏ tiền túi mình hỗ trợ chi phí kit test cho người dân Bồ. Anh cũng đã xây vài bệnh viện chữa trị miễn phí cho những ai kém điều kiện, tặng 2 triệu USD mỗi năm cho trẻ em nghèo châu Phi cùng nhiều công việc thiện nguyện khác.
Những lời kể về Ronaldo khiến tôi thêm cảm tình về đất nước này. Tiếng Bồ Đào Nha khá phổ biến tại nhiều nước bởi người Bồ tỏa đi nhiều quốc gia mưu sinh. Thế nhưng, họ luôn hướng về đất mẹ và luôn góp tiền của cho công cuộc xây dựng quê hương. Và Ronaldo là một trong những công dân Bồ mưu sinh ở hải ngoại có đóng góp rất nhiều cho quê hương.