VĂN HÓA

Dư vị khó quên của "bánh trứng kiến" Cao Bằng 

An Nhiên • 10-05-2022 • Lượt xem: 411
Dư vị khó quên của "bánh trứng kiến" Cao Bằng 

Ai đã từng đến Cao Bằng mà không cảm thấy lưu luyến về mảnh đất chứa đầy những giá trị lịch sử và văn hóa. Cùng với đó là những đặc sản vô cùng độc đáo, chẳng hạn như món “bánh trứng kiến”, nghe đến tên đã thấy lạ mà ăn vào rồi thì  vương vấn mãi.

Câu chuyện về bánh trứng kiến

Bánh trứng kiến được người Tày gọi với cái tên là “Pẻng Lăng Lay”. Nếu du khách đến Cao Bằng thưởng thức đặc sản và muốn biết câu chuyện về nó thì sẽ được người Tày kể lại đầy thú vị. 

Ngày xưa, trong một bản người Tày có gia đình nọ muốn kén rể và điều kiện lễ vật lại là những món bánh ngon, lạ. Thế là các chàng trai trong bản đua nhau tìm mọi cách để chế biến, mua, thậm chí còn mua những loại bánh đắt giá nhất mang đến làm sính lễ. Trong số đó, có một chàng trai nghèo không có bất kỳ tài sản gì để có thể làm được sính lễ. Chàng quyết định quyết định vác dao lên rừng tìm kiếm và sẽ tận dụng những gì mà mình có được. Trong lúc loay hoay thì anh đã phát hiện được một tổ trứng kiến trắng tinh. Anh chợt nảy ra ý tưởng rang trứng kiến làm nhân bánh, vỏ bánh sẽ làm gạo nếp, và lá bọc sẽ là lá vả. Nhờ sự sáng tạo và mang lại hương vị đặc biệt đó đã khiến đã giúp chàng trai lấy được vợ đẹp. 

Về sau, món bánh này cũng thường xuất hiện trong dịp lễ đặc biệt của dân tộc Tày, đặc biệt là vào dịp Tết thanh minh, dùng để cúng tổ tiên trước khi đi tảo mộ.... Và đã trở thành món ăn truyền thống hấp dẫn, là niềm tự hào của người Tày.

Những điều đặc biệt về món bánh trứng kiến

  • Nhân bánh 

Bánh được làm từ nguyên liệu hết sức đặc biệt là “trứng của kiến đen” mà người Tày thường hay gọi là “tua rày”. Đây là loại kiến thân nhỏ, đuôi nhọn được cho là lành nhất. Chứ không phải trứng của loài kiến nào cũng sẽ làm được. Để có được nguyên liệu này thì người Tày phải chờ đến khoảng tháng 4 hoặc tháng 5, đây là lúc loài kiến đen này sinh trưởng mạnh nên sẽ dễ thu hoạch.
Việc tìm kiếm tổ trứng rất là vất vả và đó cũng phải là những người có kinh nghiệm nhất. Tổ kiến nào có lớp màng trắng phủ đều ngoài lá thì trứng kiến bên trong sẽ rất nhiều và ở độ căng tròn mọng sữa.

  • Vỏ bánh

Còn phần vỏ bánh thì được làm từ gạo nếp nương, đãi sạch rồi ngâm qua đêm đến sáng hôm sau thì vớt ra để ráo nước. Sau đó, đem xay thành bột và nhào nặn với nước cho đến khi thấy bột có độ dẻo, mịn và không còn dính tay. 

  • Lá gói

Lá dùng để gói bên ngoài bánh là lá ngóa, hay còn gọi là lá vả. Lá cũng được lựa chọn rất kỹ lưỡng, phải đủ to, mềm và ở mức độ vừa phải. Nếu lá non thì khó bóc, còn lá già thì bánh sẽ bị cứng và khi hấp sẽ không đượm mùi thơm.

Cách chế biến của bánh trứng kiến 

Trứng kiến sẽ được rửa sạch rồi cho vào chảo phi cùng hành, thịt heo băm nhuyễn, mè hay đậu phộng rang, cùng với một số loại nguyên liệu khác để tạo nên vị đậm đà cho nhân. Tuy nhiên, trứng rất dễ nát nên người chế biến phải biết điều chỉnh độ nhiệt độ của lửa và cách đảo vừa phải.

Về phần nếp sau khi đã được ngâm mềm thì được đem xay với nước thành bột cho đến khi tạo ra được một khối dẻo mịn. Lá vả thì được rửa sạch, tước gân và cuống lá ở mặt dưới.

Chia bột và cán mỏng ra thành từng miếng nhỏ hình vuông cỡ bằng bàn tay và đặt lên miếng lá vả. sau đó khéo léo cho phần nhân dàn đều lên bề mặt lớp bột và đặt thêm một miếng lá nữa lên rồi gói lại để giữ chặt phần bột và nhân bên trong. Công đoạn cuối cùng là xếp bánh vào khay, hấp cách thủy trong khoảng 30 - 45 phút là bánh chín.

Dư vị khó quên của bánh trứng kiến Cao Bằng

Bánh trứng kiến có thể ăn nóng hoặc nguội đều rất hấp dẫn. Khi ăn bạn không cần phải bóc lớp lá vả bọc ngoài mà dùng chung với bánh luôn vẫn được. Miếng bánh hòa quyện tất cả các hương vị như sự dẻo mịn của của gạo nếp nương, kết hợp với vị béo ngậy của trứng, thịt, phảng phất hương thơm của lá vả. Tất cả đều tạo nên hương vị món ăn hài hòa, vô cùng độc đáo mà người ta vẫn hay đùa nhau. Chưa ăn bánh trứng kiến là chưa tới Cao Bằng. 

Bánh trứng kiến cũng không phải có quanh năm nên nếu muốn đến Cao Bằng để thưởng thức thì bạn cũng nên lựa chọn thời điểm thích hợp là vào khoảng tháng 4, tháng 5, để có thể cảm nhận được sự hấp dẫn mà món bánh này mang lại. Miếng bánh trứng kiến cũng thể hiện nét văn hóa và lòng hiếu khách mà người Tày dành cho du khách mỗi dịp đến đây.