Duyên Dáng Việt Nam

Đừng chủ quan với sốt xuất huyết ở trẻ

Tâm Hiền • 24-06-2020 • Lượt xem: 508
Đừng chủ quan với sốt xuất huyết ở trẻ

Những ngày này, khoa sốt xuất huyết ở bệnh viện Nhi Đồng bắt đầu đông đúc bệnh nhân. Vì quá quen thuộc mà nhiều người dân chủ quan trong cách ứng phó với căn bệnh nguy hiểm này. Ngay cả khi mắc bệnh, những thói quen như tự ý dùng thuốc hạ sốt, đi phòng mạch tư truyền dịch… cũng đem lại nhiều hậu quả khó lường với sức khỏe của trẻ nhỏ.

Tin, bài liên quan:

Bạn biết gì về thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết?

Lưu ý: Sau lũ, cần đề phòng bệnh sốt xuất huyết

Triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh ít nguy hiểm

Sốt xuất huyết không chừa đối tượng nào. Tuy nhiên, thời gian gần đây trẻ lớn hơn 6 tuổi và người lớn mắc nhiều hơn, trẻ em dưới 1 tuổi mắc nặng hơn. Triệu chứng của bệnh này rất dễ nhầm với các bệnh thông thường khác. Vì vậy, trong các mùa dịch, mùa mưa, hễ có triệu chứng sốt cao 1-2 ngày không dứt, đau đầu, chán ăn… gia đình nên lưu ý tới nguy cơ bệnh này. Đừng chủ quan để bệnh trở nặng, dễ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm trong các giai đoạn bệnh sau.

Tự ý điều trị trước khi đến bệnh viện có thể gây tử vong

Sốt ruột vì trẻ sốt, nhức mỏi, phụ huynh dễ dàng chủ quan, cho trẻ uống hạ sốt. Thế nhưng không phải thuốc hạ sốt nào cũng an toàn để sử dụng khi chưa biết trẻ mắc bệnh gì.

Aspirin và Ibuprofen làm ngưng kết tập tiểu cầu, hạn chế hình thành cục máu đông. Trong các hoạt động thường ngày của trẻ, những va chạm mạnh với bàn ghế… cũng có nguy cơ gây vỡ mạch, chảy máu trong. Điều này rất bình thường, tiểu cầu sẽ tụ thành cục máu đông để làm liền vết thương. Nhưng nếu máu đông không hình thành do trẻ được cho uống 2 loại thuốc này, tình trạng chảy máu sẽ khó cầm và trở nên nguy hiểm. Khi chưa được chẩn đoán sốt xuất huyết, việc tự ý truyền dịch có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Khi bệnh, cơ thể sẽ rút dịch trong máu nhưng không thải ra ngoài mà đưa vào các khoang ảo trong cơ thể. Trong giai đoạn sau của bệnh, dịch trong khoang ảo sẽ tái hấp thu, khi đó, cộng với dịch đã tự ý truyền bên ngoài vào gây quá tải. Việc truyền dịch sẽ được thực hiện trong bệnh viện với sự giám sát của bác sĩ với các tiêu chí gắt gao về liều lượng, loại dịch và các đánh giá sau khi xét nghiệm.

Có thể điều trị tại nhà nhưng phải tái khám mỗi ngày

Khi trẻ sốt cao, liên tục trong ngày, cha mẹ phải đưa đi khám. Khả năng sống còn và nguy cơ biến chứng phụ thuộc vào thời gian phát hiện bệnh. Tuy nhiên, không nhất thiết phải khám ở bệnh viện tuyến trên mới chất lượng. Nếu bệnh nhẹ, vẫn có thể điều trị tại nhà và bệnh viện địa phương. Với điều trị tại nhà, trẻ vẫn phải tái khám mỗi ngày để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm nếu bệnh diễn tiến nặng.

Bệnh không chỉ mắc một lần trong đời

Nhiều người hiểu lầm rằng sốt xuất huyết chỉ có thể mắc một lần trong đời. Virut gây bệnh sốt xuất huyết có 4 thể: DEN1, DEN2, DEN3, DEN4. Khi mắc thể nào, người bệnh sẽ miễn dịch suốt đời với thể đó nhưng hoàn toàn có khả năng mắc các chủng còn lại. Tối đa một người có thể bị sốt xuất huyết tới 4 lần. Vì vậy, không nên chủ quan trong mùa dịch và những lần bệnh sau luôn nặng hơn những lần trước. Khi những lần 2, 3, 4 bệnh có triệu chứng nặng dần lên, là do đặc tính của bệnh, gia đình không cần quá lo lắng.

Không cách ly nhưng cẩn thận khi ở gần người bệnh

Sốt xuất huyết không lây qua hô hấp, nước bọt, tiếp xúc… nhưng lây từ người qua người thông qua muỗi chích. Khi muỗi chích người bệnh, vi rút phải phát triển bên trong muỗi khoảng 10-12 ngày, sau đó đi lên tuyến nước bọt của muỗi thì mới có khả năng gây bệnh khi muỗi đốt người khác. Vì vậy, nếu trong nhà có bệnh nhân thì gia đình nên lập tức diệt muỗi, tránh lây cho những người khác trong nhà.

Trong trường hợp sống tại ổ dịch, hoặc thường xuyên ra vào bệnh viện, nơi tập trung đông những người bệnh sốt xuất huyết thì đề cao cảnh giác, mặc quần áo dài tay, thoa kem chống muỗi… vì có nguy cơ cao muỗi trong các môi trường này đã có virut đã lên tuyến nước bọt khi chích người có bệnh 10-12 ngày trước đó.

Các biện pháp phòng muỗi cũng nên được lựa chọn cẩn thận

Với trẻ em, nhiều gia đình hạn chế sử dụng nhang, thuốc xịt muỗi vì lo sợ hóa chất ảnh hưởng không tốt tới trẻ, chuyển sang dùng tinh dầu. Thế nhưng, phương pháp đuổi muỗi mà nhiều người nghĩ là “lành” này, thật ra không hẳn là vô hại.

Các cửa hàng bán tinh dầu đều quảng cáo sản phẩm của mình 100% nguyên chất, thế nhưng, rất cần phải kiểm chứng trước khi dùng. Đôi khi để lưu hương lâu dài, một số nơi đã thêm vào benzen-một chất độc thần kinh. Vì vậy, hãy tìm mua ở nơi uy tín.

Khi đã mua được tinh dầu chất lượng trong tay, vẫn cần vài lưu ý nhỏ. Vì tinh dầu tác động rất mạnh lên khứu giác và thần kinh nên khi dùng, hãy dùng nồng độ vừa đủ, không tham lam quá nhiều, để đèn xông quá gần. Với gia đình có người mang sẵn bệnh lý nền (tim mạch, huyết áp…) nên nghiên cứu trước xem mình cần tránh loại tinh dầu nào.

Trên mạng, rất nhiều khuyến cáo nên sử dụng tinh dầu như một phương pháp lành tính, không cần cân nhắc, không chỉ để xua côn trùng mà còn để chữa trị nhiều loại bệnh lặt vặt khác. Nhưng không phải loại tinh dầu nào cũng phù hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi, cũng như các thành viên có tình trạng sức khỏe khác nhau trong gia đình.

Lưu ý khi dịch chồng thêm dịch

Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm-bệnh viên Nhi Đồng 1: “Sốt xuất huyết hiện nay rất là cơ bản, nó là bệnh theo mùa. Đặc biệt là khi mùa mưa, nước đọng nhiều. Với các gia đình có vườn trồng nhiều cây, khả năng đọng nước càng nhiều. Cúng ta biết là muỗi vằn đẻ trong những vũng nước nhiều khi rất nhỏ. Chỉ cần một cái mảnh sành thôi, muỗi đã có thể đẻ lăng quăng và phát triển thành con muỗi. Cho nên việc mình diệt muỗi, diệt lăng quăng là đương nhiên phải làm. Chú ý không phải chỉ tập trung vào những cái ao tù lớn, những cái vật dụng rất nhỏ chứa nước cũng có thể là nơi để muỗi vằn sinh sản. Cho nên cái việc mình diệt là mình phải diệt loăng quăng trong tất cả những dụng cụ đó. Phải dọn dẹp nhà thông thoáng, chung quanh nhà, những bụi rậm, những cái ổ chứa nhỏ nhất mà có thể chứa được nước thì mới đảm bảo là không có muỗi và không có lăng quăng.

Trong thời kỳ hiện nay cộng thêm cái dịch covid, chúng ta càng phải tăng cường phòng ngừa bệnh này hơn. Hễ mà chung quanh nhà mình quá nhiều muỗi thì mình sử dụng lưới chống côn trùng để muỗi đừng xâm nhập vô nhà. Vì với những nhà gần kênh rạch, muỗi ở xa muỗi cũng dễ xâm nhập vô mà ở xa thì mình không dọn dẹp được.

Trong tình hình hiện nay nếu mà mình không may bị sốt xuất huyết thì sẽ khộng biết được đó là bị Covid hay là sốt xuất huyết vì triệu chứng ban đầu cũng là sốt cao, đau nhức mình mẩy khá là giống nhau. Nếu mà không phòng mà lỡ mà bị sốt xuất huyết thì bệnh nhân sẽ bị cách li, khi đó vướng vào các lo lắng không biết mình có lây cho người nhà hay không, bản thân không biết bệnh gì, mình bị cách li trong khi chờ xét nghiệm. Vì vậy, trong lúc 2 dịch bệnh diễn ra song song, phòng chống sốt xuất huyết càng quan trọng hơn nữa”.