Duyên Dáng Việt Nam

Giá trị nhỏ, bài học lớn

Châu Anh • 05-04-2020 • Lượt xem: 600
Giá trị nhỏ, bài học lớn

Quản lý tài chính - bài học không chỉ dành cho người lớn, việc học quản lý ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ tự hoạch định lấy cuộc đời mình. Đó chính là giúp trẻ mang lại những giá trị nhỏ bé nhưng lại là bài học lớn cho cả cuộc đời sau này của chúng.

Việc dạy con về tài chính cần rất nhiều về thời gian, trong giai đoạn này, bố mẹ không chỉ cần sự kiên trì mà còn là tấm gương để con học tập và noi theo. Không trễ để dạy con quản lý tài chính, tuy nhiên, bố mẹ cũng cần nhận thức việc dạy con từ bé và tạo môi trường để con học tập có như vậy thì con mới sớm nhận thức được giá trị của đồng tiền và có cách quản lý chi tiêu hợp lý.

Nhưng cha mẹ cần có giải pháp nào để có thể giúp con mình hiểu giá trị của việc kiểm soát và sử dụng đồng tiền, ngay khi trẻ còn đang ở ngưỡng của tuổi thơ?

Dạy con về giá trị của lao động

 Khi đứa trẻ gần cha mẹ, chúng sẽ có xu hướng ảnh hưởng từ họ. Giá trị của cha mẹ từ lao động mà có, tạo ra lợi nhuận, bạc tiền, trẻ nhìn vào đó sẽ cảm nhận được. Chúng sẽ cảm nhận được giá trị mà cha mẹ mình mang lại từ các ngành nghề công việc như tài chính, kỹ sư, giáo sư, giáo viên... hay bất kể một ngành nghề nào khác. Thay vì than vãn với con về công việc hay sự thiếu thốn, hãy mang đến cho trẻ những lời nói có giá trị, dễ tạo sức mạnh nội tâm tích cực. Ví dụ như: may mà đồng nghiệp của bố/ mẹ luôn sẵn sàng …” “công việc không đơn giản và nhàn hạ nhưng nhờ vậy mà bố/mẹ….” “rõ ràng nhờ có công việc mà cuộc sống của chúng ta không thiếu thốn…” Những câu nói như thế này, cho đứa trẻ hiểu rằng, việc đi làm thật vui vẻ, tuyệt vời vì nó mang lại giá trị lao động, giá trị đồng tiền và vun đắp cho cuộc sống con người tốt hơn. Cũng từ đó, trẻ sẽ hiểu, chỉ có lao động mới có thể tạo ra đồng tiền. Từ đó trẻ sẽ hiểu dần lên, lao động tạo ra giá trị đồng tiền, cũng tạo nên giá trị bản thân của mỗi con người trong xã hội, trong thế giới.

Dạy con chi tiêu hợp lý là cách giáo dục tốt

Hãy chỉ con bạn cách làm chủ tài sản và cách chi tiêu hợp lý. Những nhu cầu của con như mua quần áo, mua quà sinh nhật cho bạn, tham gia các chương trình thiện nguyện... đều có thể báo cha mẹ để xin thêm tiền. Nhưng cha mẹ hãy luôn đặt con câu hỏi và yêu cầu chúng trả lời: những khoản chi tiêu đó có thực sự ý nghĩa với chúng, có thật sự hợp lý sau đó hãy quyết định việc chi tiền. Không chỉ vậy, hãy nhắc trẻ biết cách ghi chép lại những gì mình đã chi tiêu. Đó là sự hướng dẫn trẻ có tư duy làm chủ tài sản của mình - bỏ ống heo để có thể toàn quyền quyết định việc mình sẽ mua gì, tiêu gì bằng số dư mà mình đang có.

Việc tạo cho con thói quen hình thành nên khả năng quản lý tài chính theo từng giai đoạn sẽ tốt hơn cho cuộc đời sau này của trẻ. Bạn có thể cho trẻ giữ một khoản tiền và bày cho con cách tự cân đối chi tiêu trong khoảng thời gian: một tuần, hai tuần hoặc nửa  tháng và từ đó quan sát xem trẻ thực hành có tốt không rồi uốn nắn dần. Điều này cũng tạo cho con bạn cảm hứng phát triển giá trị bản thân, tư duy của trẻ về tài chính cũng sẽ tốt dần lên.

"Trả lương" cho con, kích thích động lực kiếm tiền

Khi trẻ còn nhỏ, chúng thực sự chưa thể kiếm tiền và việc kiếm tiền bằng mọi giá là điều nên tránh. Bạn hãy dành cho con những công việc nhà dễ làm và hướng dẫn con kiếm tiền từ đó. Lớn hơn chút nữa, hãy chỉ cho trẻ phụ giúp việc kinh doanh của gia đình, chỉ cho chúng cách làm sao đó để có thể kiếm tiền tốt hơn, hay như việc đánh văn bản cho bố mẹ, giúp mẹ kiểm tra lại các con số tài chính... đều là các cách giúp trẻ tiếp cận nhanh hơn với công việc kiếm tiền cũng như quản lý tài chính.

Giá trị nhỏ, bài học lớn

Và hơn cả, kiếm được tiền rồi, thay vì để con sung sướng rủ bạn bè đi ăn uống, vui chơi, hãy chỉ cho chúng cách biến món tiền ấy sinh sôi. Ví dụ như dùng tiền ấy để tham gia một khóa học tiếng Anh, hay một lớp bồi dưỡng kỹ năng sống... Chỉ cho con giá trị của việc đầu tư vào chính bản thân mình mới là cách sinh lợi nhiều nhất. Và hơn cả, thái độ của con bạn với điều ấy sẽ cho bạn biết rõ nhất, chúng thực sự có thích việc mình đã được cha mẹ dạy hay không?