Duyên Dáng Việt Nam

"Giải cứu" 7 nông sản vào mùa thu hoạch trước khi virus Corona được ngăn chặn

Thành Viên • 21-02-2020 • Lượt xem: 1126
"Giải cứu" 7 nông sản vào mùa thu hoạch trước khi virus Corona được ngăn chặn

Nhiều nông dân ở Long An, Bình Thuận, Gia Lai, Quảng Ngãi... và một số khu vực lân cận đang gặp khó khăn khi số lượng nông sản lên đến hàng ngàn tấn đang bị tắc nghẽn ở cửa khẩu. Người tiêu dùng vẫn đang nỗ lực hỗ trợ "giải cứu" nông sản giúp người nông dân Việt Nam trước "tâm bão" Corona.

Trước tình hình cơn bão “giải cứu” nông sản do chưa thông quan sang cửa khẩu Trung Quốc, người tiêu dùng cần nắm thông tin về những loại nông sản đang bị thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua để kịp thời cứu nguy cho người nông dân. Hãy cùng tìm hiểu về các loại nông sản đang trong danh sách “chờ” được giải cứu dưới đây:

1. Dưa Hấu - Gia Lai

Sau Tết, hàng chục tấn dưa hấu tại Gia Lai có nguy cơ phải đổ bỏ vì không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tại mỗi điểm bán, dưa giá lẻ dao động từ 5.000 - 6.000đ/kg, mua sỉ giá từ 3.000 - 4.000đ/kg có nơi bán giá chỉ 1.500đ/kg dưa. Dưa hấu có hàm lượng dinh dưỡng cao, ít calo, giàu nước, vitamin và khoáng chất nên rất tốt cho cơ thể, có tác dụng giải khát, hạ khí, lợi tiểu, giải rượu...

2. Cam Sành - Hà Giang

Do ảnh hưởng của thời tiết khiến số lượng cam sành rơi rụng ở Hà Giang lên đến con số hơn 8.000 tấn. Theo báo cáo từ địa phương cho biết nhiều khu vực vườn bị thiệt hại khoảng 30-40% có nơi lên đến 70%. Thêm vào đó, việc đóng cửa khẩu biên giới Trung Quốc cũng khiến sức mua cam giảm mạnh và chỉ có thể tiêu thụ ở thị trường nội địa. Hiện nay giá cam sành người nông dân bán tại chỗ dao động từ 14.000 - 16.000đ/kg. Cam là nguồn cung cấp vitamin C, B1, khoáng chất cao, giàu chất xơ giúp tăng sức đề kháng và bảo vệ tim mạch. 

3. Ớt - Quảng Ngãi 

Tại Quảng Ngãi, do tình hình dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp nên cửa khẩu giao thương Việt Nam - Trung Quốc bị cản trở và không thể tiêu thụ được. Hiện tại có gần 13.500 tấn ớt đang chuẩn bị thu hoạch, lãnh đạo địa phương kêu gọi sự giúp đỡ từ các doanh nghiệp và người dân. Ớt là loại gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày, ngoài ra cũng có tác dụng phòng bệnh và tăng cường sức khỏe. 

4. Sầu Riêng - Tiền Giang

Theo ngành nông nghiệp Tiền Giang, sầu riêng tươi xuất khẩu 90% sản lượng sang Trung Quốc. Trước nguy cơ nông sản gặp khó khăn ở biên giới, nhiều người nông dân ở tỉnh Tiền Giang đang lo lắng vì nguy cơ thua lỗ nặng nề khi có đến hơn 40.000 tấn sầu riêng chưa bán được. Hiện tại, sầu riêng được thương lái mua với giá chỉ dao động từ 28.000 - 30.000đ/kg. Sầu riêng có giá trị xuất khẩu cao, là loại trái cây được ví như “vua của các loại trái cây” với hàm lượng dinh dưỡng cao và có lợi cho sức khỏe. 

5. Thanh Long - Bình Thuận, Long An

Người dân Bình Thuận, Long An đang gặp khó khăn với đầu ra khoảng 96.000 tấn thanh long. Nhờ công thức làm bánh mì thanh long của ông Kao Siêu Lực, ABC Bakery đã giúp người nông dân nơi đây đẩy được sản lượng thanh long lớn. Tuy nhiên số lượng thanh long tồn đọng cũng còn khá nhiều. Mức giá thanh long ruột đỏ thu mua tại vườn trước ngày 18/2 dao động từ 10.000 - 15.000đ/kg, hiện tại đã tăng ở mức ổn định từ 25.000 - 35.000đ/kg. Thanh long có vị ngọt thanh, tính mát, giúp nhuận tràng, giải khát, lợi tiểu khá tốt cho sức khỏe. 

6. Xoài - Đồng Nai

Đại diện Sở Công Thương cho biết tình hình nông sản ở khu vực tỉnh Đồng Nai sắp vào vụ mùa thu hoạch khoảng 110.000 tấn xoài. Ngoài ra tỉnh còn có các loại trái cây khác như chôm chôm, nhãn cũng đang chờ được "giải cứu". Xoài giàu vitamin A giúp tăng cường thị lực, có chất xơ hỗ trợ tiêu hóa và bảo vệ tim mạch. Đồng Nai hy vọng mùa dịch có thể ngăn chặn được trước giữa năm thì nguy cơ những loại trái cây khác rộ vào 2 tháng tới mới có thể được lưu thông kịp.

7. Mít Thái - Hậu Giang

Tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 5.500 ha mít Thái, nhưng do dịch Corona khiến sản lượng giảm sút trầm trọng. Mức giá thương lái mua tại vườn chỉ 5.000đ/kg so với trước đây 60.000 - 70.000đ/kg. Mít Thái có vị ngọt, nhiều chất xơ, ít calo giúp bổ sung năng lượng, tốt cho mắt và da. 

Tình trạng giải cứu nông sản không chỉ mới diễn ra lần đầu, hầu như hàng năm các loại nông sản đều gặp vấn đề tương tự với nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Do đó, trong giai đoạn khó khăn này thì người tiêu dùng càng cần nên quan tâm tạo điều kiện đầu ra cho nông sản Việt Nam đồng thời vừa giúp tăng cường đề kháng cho bản thân và gia đình một cách thiết thực thông qua việc tiêu thụ nông sản.