Duyên Dáng Việt Nam

Giải Nobel Hòa bình 2018 vinh danh những người tiên phong chống dùng bạo lực tình dục

Đan • 06-10-2018 • Lượt xem: 820
Giải Nobel Hòa bình 2018 vinh danh những người tiên phong chống dùng bạo lực tình dục

Giải Nobel Hòa bình 2018 được trao hôm 5.10 cho bác sĩ Denis Mukwege và Nadia Murad một phụ nữ Iraq - là 2 nhân vật tiên phong trong phong trào chống dùng bạo lực tình dục như vũ khí chiến tranh. 

Denis Mukwege và Nadia Murad được vinh danh về lòng dũng cảm và nhân văn họ thể hiện trong cuộc chiến hàng ngày

Giải thưởng được Ủy ban Nobel Na Uy công bố trưa ngày 5.10 tại Viện Nobel Na Uy ở Oslo. Ủy ban gồm 5 người do Quốc hội Na Uy bầu ra đã lựa chọn ra hai người chiến thắng của giải thưởng uy tín này.

Có 331 ứng viên cho giải Nobel Hòa bình 2018 - con số cao thứ hai từ trước đến nay ở hạng mục này. Trong đó, có 216 cá nhân và 115 tổ chức, theo Ủy ban Nobel. 

Ủy ban trao giải Nobel Na Uy đã vinh danh bác sĩ Denis Mukwege là “biểu tượng tiên phong, thống nhất của cả trong nước và quốc tế trong cuộc đấu tranh để chấm dứt bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang”.

Bác sĩ Denis Mukwege đã dành phần lớn cuộc đời giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực tình dục ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Ông và nhân viên đã điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực tình dục.

Biên tập viên tờ Guardian Katharine Viner từng vinh danh ông là “một trong những người đàn ông đương đại vĩ đại nhất”. Năm 2011, Katharine Viner gặp bác sĩ Mukwege khi cô viết về Đông Congo, nơi được xem như là nơi tồi tệ nhất trên trái đất đối với phụ nữ.

Trong khi đó, Nadia Murad - thành viên của nhóm thiểu số Yazidi ở Iraq. Tháng 8.2014, cô cùng với nhiều người phụ nữ khác ở làng Kocho ở Sinjar, bắc Iraq bị IS bắt cóc và liên tục bị hãm hiếp, ngược đãi.

Nadia Murad bị bắt cùng với các chị em gái của mình. Ngoài ra, 6 anh em trai của cô và mẹ cũng bị IS sát hại. Ở tuổi 25, Nadia Murad là người trẻ tuổi thứ hai từng nhận giải Nobel Hòa bình. Trước đó, Malala Yousafzai - nhận giải Nobel Hòa bình năm 2014 khi 17 tuổi. 

Ủy ban trao giải Nobel cho biết, Nadia Murad đã thể hiện sự “can đảm hiếm thấy trong việc kể lại nỗi đau chính mình từng trải qua”. Không chỉ là nhân chứng dũng cảm kể lại những hành vi lạm dụng bản thân đã phải hứng chịu, chủ nhân của một nửa giải Nobel Hòa bình 2018 cũng đã lên tiếng thay cho các nạn nhân khác và được vinh danh ở nhiều giải thưởng quốc tế.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã chúc mừng Denis Mukwege và Nadia Murad đồng thời ca ngợi họ về “lòng dũng cảm, sự khoan dung và nhân văn mà họ thể hiện trong cuộc chiến hàng ngày của họ”.