Duyên Dáng Việt Nam

Giải pháp cho những đôi mắt đang “làm việc kiệt sức” trong đại dịch

Đan Tâm • 07-12-2020 • Lượt xem: 1829
Giải pháp cho những đôi mắt đang “làm việc kiệt sức” trong đại dịch

Cách ly xã hội do Covid-19 đã khiến chúng ta phải chuyển gần như tất cả hoạt động học tập và công việc sang hình thức online – đồng nghĩa với việc đôi mắt phải tiếp xúc với màn hình liên tục trong suốt thời gian dài. Đồng thời việc phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hay tiếp xúc với người khác làm ta phụ thuộc nhiều hơn vào đôi mắt để thể hiện giọng điệu, cảm xúc. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện ngay một số biện pháp để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho “cửa sổ tâm hồn” của mình.

Tin, bài liên quan:

Giấc ngủ chất lượng giúp con người thành công hơn

Các nhà khoa học Mỹ phát triển thuốc ngừa COVID-19 dạng xịt

Ánh sáng xanh từ màn hình điện tử gây hại cho mắt?

Vào tháng 6, một cuộc khảo sát của Đại học Nhãn khoa, một cơ quan chuyên môn ở Anh, cho thấy 22% số người được hỏi tin rằng thị lực của họ đã kém đi trong thời gian cách ly xã hội. Và gần một phần ba số người trả lời khảo sát cho rằng việc tăng thời gian sử dụng thiết bị là nguyên nhân khiến thị lực của họ suy giảm rõ rệt. Daniel Hardiman-McCartney, cố vấn lâm sàng của Đại học Nhãn khoa và là một bác sĩ đo thị lực hành nghề ở Suffolk, cho biết suy nghĩ phổ biến này không hề chính xác. Ông nói: “Chúng tôi chắc chắn một điều là màn hình các thiết bị điện tử an toàn: chúng không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào cho mắt”.

Khi đến cuối độ tuổi 30 hoặc đầu 40, chúng ta bắt đầu mất khả năng tập trung vào các vật thể ở gần, tình trạng này được gọi là lão thị: một phần tự nhiên (và không thể tránh khỏi) của quá trình lão hóa. Nguy cơ mắc các tình trạng và bệnh liên quan đến mắt cũng sẽ tăng theo độ tuổi. Tuy nhiên, nói chung, từ tuổi 21, “đôi mắt của bạn đã được định hình và sẽ giữ tình trạng như vậy trong suốt quãng đời còn lại của bạn”, Hardiman-McCartney nói - bất kể bạn dành bao nhiêu thời gian để nhìn vào màn hình, đọc sách trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc ngồi gần TV.

Trên thực tế, vì có thể thay đổi kích thước, độ sáng và độ tương phản, nên việc đọc từ màn hình điện tử có thể dễ dàng hơn trên giấy. Suy nghĩ rằng các thiết bị điện tử gây hại cho mắt của chúng ta thường bắt nguồn từ yếu tố “ánh sáng xanh” của chúng. Trên thực tế, đồ công nghệ có xu hướng phát ra ít ánh sáng xanh hơn mặt trời - và hơn nưa, không có bằng chứng nào cho thấy nó có tác hại gì đến đôi mắt con người.

Thay vì làm hỏng trực tiếp thị lực của chúng ta, tác động của ánh sáng từ màn hình lên nhịp sinh học và nội dung chúng hiển thị kích thích não bộ con người – từ đó, có thể làm gián đoạn giấc ngủ của chúng ta và góp phần tạo ra cảm giác rằng công nghệ có hại cho sức khỏe, Hardiman- McCartney nói.

Nguyên nhân mắt chúng ta yếu đi khi làm việc nhiều với thiết bị công nghệ

Hardiman-McCartney cho biết những biến động nhỏ về thị lực của chúng ta (với những trường hợp nhẹ chưa cần đến sự hỗ trợ của kính) là điều tự nhiên và có thể tự khắc phục theo thời gian. Nhưng việc hoạt động mắt với cường độ cao, chẳng hạn như nghiền ngẫm các bản kế hoạch chi tiết hoặc nhìn chằm chằm vào văn bản nhỏ trên màn hình trong hàng giờ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng vốn có đó.

Hardiman-McCartney chia sẻ: “Các kiến ​​trúc sư hoặc kế toán có thể phàn nàn về các vấn đề liên quan đến mắt ở độ tuổi trẻ hơn một người làm vườn. Bởi lý do khiến mắt họ yếu đi nằm ở cách họ sử dụng đôi mắt của mình”.

Nếu bạn nhận thấy thị lực của mình có vẻ kém đi kể từ khi đại dịch bắt đầu, câu trả lời có thể chỉ đơn giản là mắt bạn bị mỏi.

Cách khắc phục sức khỏe cho mắt

Để giảm mỏi mắt, các chuyên gia đo thị lực khuyên nên đặt màn hình thiết bị sao cho cách mắt bạn từ 40cm đến 76cm (tương đương chiều dài sải tay). Nên nghiêng màn hình ra xa bạn một góc 10-20 độ với đỉnh máy tính đặt ở gần ngang tầm mắt của bạn. Màn hình cũng phải được đặt ở vị trí để giảm thiểu phản xạ gây mất tập trung và mọi tài liệu bạn cần trong lúc làm việc phải được đặt gần màn hình để ánh nhìn của bạn có thể di chuyển giữa hai hai vật mà không cần phải đặt ánh nhìn tập trung lại.

Với điện thoại và máy tính bảng, lời khuyên của Hardiman-McCartney là giữ chúng trên đùi với khuỷu tay ở góc gần 90 độ, giống như khi bạn đang đọc sách. “Bạn luôn bị cám dỗ để nằm xuống giường hoặc ghế sofa và giữ nó trước mặt - và điều đó sẽ tạo tác động rất kinh khủng cho đôi mắt của bạn”. Đó là vì cơ mắt của chúng ta nhìn xuống một chút sẽ ít tốn công hơn so với nhìn thẳng về phía trước.

Hardiman-McCartney nói, nếu chúng ta ngồi trước màn hình trong một thời gian dài, hầu hết chúng ta đều sẽ không nhìn đi chỗ khác. “Bạn nhìn chằm chằm vào một vật cách xa 40, 45cm trong một khoảng thời gian dài và điều đó rất không tự nhiên. Đôi mắt của chúng ta không được thiết lập để làm điều đó”. Ông ủng hộ việc tuân theo quy tắc 20-20-20: nhìn vật gì đó cách xa 20ft (sáu mét) trong 20 giây, sau mỗi 20 phút - “để mắt bạn được nghỉ ngơi”. Ông cũng gợi ý đặt một bộ hẹn giờ để nhắc bạn làm như vậy ba lần một giờ.

Một mẹo khác của ông cũng rất đơn giản: phóng to kích thước văn bản. “Phóng lớn mọi thứ lên đến 125%, 150% - điều đó sẽ tạo hiệu quả tốt đối với đôi mắt của bạn.” Làm tương tự với độ sáng. “Những thay đổi nhỏ này có thể tạo nên những điều khác biệt rất”.

Và đặc biệt, hãy nhớ chớp mắt. Chúng ta ít làm như vậy khi nhìn vào màn hình, điều này có thể gây ra cảm giác khô mắt gây khó chịu. Hardiman-McCartney nói: “Nếu bạn bị nhức mắt, chớp mắt thật mạnh để “bôi trơn” mắt bạn bằng một lớp màng nước mắt mới. “Đó là một cách trợ giúp cho cửa sổ tâm hồn của bạn thực sự đơn giản, không hóa chất.”

Năm nay, các bác sĩ nhãn khoa cũng mô tả các trường hợp “khô mắt do khẩu trang” đang khá phổ biến, trong đó không khí thở ra vào khẩu trang bị ép lên trên bề mặt của mắt, làm bay hơi màng nước mắt (và cũng khiến kính bị phủ một lớp sương mù). Đại dịch này thực sự không chỉ ép đôi mắt chúng ta làm việc nhiều hơn mà còn tạo thêm những yếu tố như thế này làm nguy cơ khiến chúng cơ yếu đi tăng lên rất nhiều.

Hardiman-McCartney nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải nhớ rằng sự giúp đỡ luôn sẵn sàng kể cả trong thời gian cách ly xã hội. Mặc dù hầu hết các bệnh viện nhãn khoa vẫn mở cửa, một cuộc khảo sát cho thấy có số lượng khá lớn những người cảm thấy thị lực của họ kém đi trong thời gian này không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ, do e ngại trước nguy cơ nhiễm virus corona.

Hardiman-McCartney gợi ý: “Trường đại học Nhãn khoa có lời khuyên về cách tìm kiếm sự giúp đỡ an toàn cho thị giác của bạn trong thời gian đại dịch tại trang web look afteryoureyes.org”.