VĂN HÓA

Gìn giữ nét đẹp tranh dân gian Hàng Trống

Lan Hương • 12-07-2023 • Lượt xem: 4118
Gìn giữ nét đẹp tranh dân gian Hàng Trống

“Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” là nội dung buổi triển lãm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, được thực hiện bởi nhiều nghệ nhân, họa sĩ nhằm lưu giữ và quảng bá nét đẹp của dòng tranh độc đáo này nhiều hơn nữa đến đông đảo công chúng trong nước và du khách quốc tế.

Triển lãm tranh Hàng Trống tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

Tham gia triển lãm trưng bày 67 tác phẩm, trong đó có 38 tác phẩm tạo hình của 22 tác giả được thực hiện trên nhiều chất liệu như sơn mài, giấy dó, lụa, sơn dầu và 29 tranh dân gian Hàng Trống thực hiện trên chất liệu giấy dó. Các tác phẩm có nội dung phản ánh nét đặc sắc về cuộc sống sinh hoạt, tín ngưỡng, văn hóa của người Việt.

Đây cũng là dịp để gửi gắm đến công chúng những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc được kết tinh từ quá trình khám phá, sáng tạo trên nền giá trị nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống nói riêng và giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc nói chung.

Một góc trong không  gian triển lãm.

Buổi triển lãm được khai mạc vào chiều 6/7 do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cùng phối hợp với các nghệ nhân dân gian, nhà sưu tập tranh và nhóm họa sĩ trẻ thuộc dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” tổ chức. Triển lãm được hình thành từ những nỗ lực không ngừng của các nghệ nhân, họa sĩ trên con đường gìn giữ, phát huy nét đẹp và giá trị của dòng tranh dân gian này trong đời sống đương đại.

Thông qua triển lãm, ban tổ chức mong muốn tạo động lực cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, thúc đẩy thế hệ trẻ trong đời sống ngày nay luôn học hỏi, kế thừa các giá trị tinh hoa nghệ thuật truyền thống của cha ông xưa để lại.

Tác phẩm "Trông" sơn mài trên vật liệu tái chế.

Tìm hiểu nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống

Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, thể hiện nét thẩm mỹ tinh tế của người dân Hà Nội xưa và góp phần làm cho làng nghề tranh truyền thống Việt Nam phồn thịnh một thời. Điểm nổi bật trong tranh Hàng Trống là những họa tiết đậm chất dân gian, phản ánh đời sống hàng ngày và văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Việt.

Khách tham quan chiêm ngưỡng tác phẩm tranh Hàng Trống.

Tranh dân gian Hàng Trống ra đời vào khoảng thế kỷ 16 tại Việt Nam và trở nên phồn thịnh vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đây là dòng tranh thể hiện sự giao thoa giữa Phật giáo và Nho giáo, được đánh giá không chỉ mang sự tinh tế, tính thẩm mỹ của kỹ thuật in khắc gỗ và pha màu mà còn khắc họa đậm nét văn hóa ở thời đại mà nó sinh ra.  

Sở dĩ có tên gọi tranh Hàng Trống vì tranh được sản xuất tại phố Hàng Trống, Hà Nội. Ngoài ra tranh còn được sản xuất tại phố Hàng Nón, Hàng Quạt, Hàng Hòm nhưng phổ biến và tập trung nhiều nhất vẫn là phố Hàng Trống. Tranh Hàng Trống thường gồm tranh thờ và tranh Tết, trong đó chiếm 80% số lượng là tranh thờ.

Kỹ thuật làm tranh Hàng Trống đòi hỏi ở người nghệ nhân sự tỉ mỉ, công phu và tính nghệ thuật. Khác với tranh Đông Hồ có kỹ thuật in viền nét và in màu dùng bản khắc gỗ thì ở tranh Hàng Trống, kỹ thuật in chỉ dùng ván khắc gỗ và in nét tranh trên chất liệu giấy dó. Đồng thời trong quá trình thực hiện, nghệ nhân phải vận dụng sự kết hợp khéo léo giữa các kỹ thuật vẽ, in và đặc biệt là kỹ thuật vờn màu.  

Các ván khắc in tranh đều phải theo mẫu tranh, người ra mẫu thường là nghệ nhân giỏi nhất và giàu kinh nghiệm, khi đặt bút vẽ trên giấy bản là các đường nét hiện ra như múa. Người ra mẫu cũng là người đặt lời trên tranh, chữ trên tranh phải làm sao diễn giải rõ nghĩa của tranh, làm tác phẩm cân đối mà không bị rườm rà. Những mẫu tranh kỳ công có khi nghệ nhân sáng tác thời gian kéo dài cả tháng.

Tiếp đến là công đoạn bồi tranh, đây là khâu quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn tại lâu bền của tác phẩm, thể hiện sự tích lũy kinh nghiệm lâu dài và sự truyền đạt của nghệ nhân đời trước để lại cho đời sau.

Sau khi có bản in hoàn chỉnh, người thợ dùng bút lông chấm màu để tô từng mảng đậm nhạt tùy nội dung và đường nét các loại tranh. Cách tô màu bằng tay hay còn gọi là kỹ thuật vờn màu khiến tranh Hàng Trống có đặc điểm mỗi bức đều có nét sáng tạo riêng.

Tranh Hàng Trống gây ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách nước ngoài.

Không chỉ gắn bó với người dân Việt, tranh dân gian Hàng Trống còn gây ấn tượng sâu sắc với công chúng trên thế giới. Dự kiến triển lãm sẽ kéo dài đến hết 31/7 để chào đón công chúng đến tham quan thưởng lãm.