VĂN HÓA

'Guitar, ánh sáng & bóng tối': Tơ vương những thanh âm

Nguyễn Duy Long • 16-10-2020 • Lượt xem: 1463
'Guitar, ánh sáng & bóng tối': Tơ vương những thanh âm

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh đã xuất bản tác phẩm “Guitar, ánh sáng & bóng tối” chuyên về âm nhạc gồm các chân dung nổi tiếng, gắn bó với nhiều kỷ niệm của anh như nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Đức Trí, Trần Lê Quỳnh.... và 31 ca khúc của anh sáng tác từ năm 1988 đến nay. Cây bút phê bình khá sắc sảo Nguyễn Duy Long đã có một bài điểm sách về tác phẩm này. 

Tin và bài liên quan:
‘Mặt trời soi vết thương yêu’ - đêm nhạc mới của Nguyễn Hữu Hồng Minh
Nhạc sĩ Lê Quang phẫu thuật cắt bàn chân phải vì bệnh tiểu đường
Đọc 'Vỉa từ': Thi ca, Kịch nghệ và sự Chuyển hóa Bản thân

“Guitar, ánh sáng & bóng tối” của Nguyễn Hữu Hồng Minh là tập bút ký về "Chân dung nghệ sĩ, tác phẩm và dư luận” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2018). Sách kết cấu thành 3 phần. Phần 1 "Còn lại tình yêu” đầy đặn nhất, viết về cuộc sống của nghệ sĩ cùng nhận định về nhạc phẩm. Phần 2 "Mưa qua thềm ký ức” giới thiệu khoảng hơn 30 ca khúc cùng các chương trình, đêm nhạc của tác giả. Và phần 3 "Tát nước bể dâu” như là phụ lục sẻ chia ân tình của bè bạn dành cho mình. 

Với nhạc sĩ Phú Quang trong chương trình ca nhạc tạp kỹ Duyên Dáng Việt Nam 2016 chủ đề "Xuân" tổ chức tại Hà Nội.  

Là con của một nhà thơ, tác giả nối nghiệp "nếp nhà” như một lẽ tự nhiên. Ngày từ hồi còn niên thiếu đã nhen nhóm chất men trong bầu không khí thơ nhạc. Từ năm 16 tuổi đã "ra ràng” bằng ca khúc đầu tay "Kỷ niệm xanh", "Bi vọng ca” và tuổi đôi mươi tập tễnh “lều chõng” dự thi và đạt giải thưởng Tác phẩm Tuổi xanh lần thứ nhất (1991). Mà về sau là phóng viên, đi nhiều nơi, nghe thấy góc này cạnh kia của chuyện bếp núc văn nghệ và thụ hưởng được cái duyên lưu giữ ”kỷ niệm xanh mãi trên hành trình nghệ thuật” (trang 283) mới có được tập sách này.

Nguyễn Hữu Hồng Minh mơ mộng những đột phá sáng tạo "(...) những vỉa tầng ngổn ngang chưa được khai phá, phơi phỏng hoang lặng tràn đầy tâm hồn”. Và nhà thơ không ngần ngại phơi trải khát vọng cách tân thơ Việt, kiến tạo ngôi nhà thơ của riêng mình "Tôi lầm lụi đi trong thời đại này để mở ra một thời đại mới là thơ tôi”(1).


Bìa tác phẩm "Guitar, Ánh sáng & Bóng tối" của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành. 

Và dường như dòng chữ chạy trên bìa lưng và bìa tay gấp trước sau đánh dấu hình ảnh ấy. Từ đêm nhạc "Nguyễn Hữu Hồng Mình và những tình khúc” đến live show cá nhân ”Sài Gòn Paris mưa đến ngàn sau”. Từ những tác phẩm tiêu biểu đến những bài thơ được chuyển ngữ sang Anh, Đức, Pháp, Hàn Quốc... Từ nghệ sĩ tham gia trình diễn, đọc thơ tại các Festival Thi ca Quốc tế đến tập thơ hậu hiện đại "Lỗ thủng lịch sử" (A historical black hole) vừa phát hành.

Người ta nhận diện cái sâu lắng trữ tình của nhà thơ, cái phong trần của nhà báo "nay đầu sông, mai cuối bể” trong suy tưởng của người dẫn chuyện mà cả tâm tình của các văn nghệ sĩ. Thêm nữa, dễ tưởng chỉ là dòng ghi chú bên lề nhưng đằng sau đó là mẩu đời, chuyện nghề. Còn nữa, khắc chạm một góc bức tranh văn nghệ dẫu vài chứng tích không phải là không tìm được nơi khác. Và ít ra cuốn sách có thể xem như một sưu tập tư liệu cho những ai quan tâm (Một thế mạnh của tập sách là khá nhiều phụ bản và tranh ảnh quý).

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh được mời làm Cố vấn nghệ thuật và viết Kịch bản một số ca khúc trong chương trình "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" phát trên sóng VTV3, VTV4 do công ty Chu Thị phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.  

Chìm đắm vào khung trời âm nhạc, tác giả trân quý không những kiệt tác của muôn thuở và cả tiếng nói nghệ thuật của một thời mà nếu thiếu đi sẽ không hình dung ra lịch sử âm nhạc Việt Nam. Từ ngưỡng mộ “người muôn năm cũ” mà tác giả hạnh ngộ đến nâng niu gương mặt còn lẩn khuất, ca sĩ trẻ Phương Trang, Khánh Loan, Quỳnh Như... đang trên con đường tự khẳng định mình. Bên cạnh ngôi sao lẫy lừng đã ghi đậm dấu ấn của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà như Khánh Ly, Elvis Phương, Trần Mạnh Tuấn... có thể kể các tên tuổi Tuấn Khanh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Vũ Ngọc Giao...

Xa hơn, tiếc nhớ làn hương đong đưa trong tình khúc "Nghìn trùng xa cách” để rồi Phạm Duy đượm buồn giữa dòng đời khúc khuỷu "trắc ẩn băn khoăn, ngọn gió đổi chiều trong lòng người, trong lòng thời đại”. Gần hơn, lại nhớ Nguyễn Ánh 9 đâu dễ gì chia xa với ánh đèn, lời ca, tiếng hát. Vậy nên, nay danh xưng phòng trà ”Nghê thường” không phải từ điển tích cao siêu gì, giản dị có nghĩa là "thương nghề”. Ngược dòng thời gian, về Hội An đi tìm nơi khởi đầu bài hát "Xuân và tuổi trẻ” (La Hối), nơi từ đường dòng tộc La chất chồng năm tháng đầy hoang hoài "những vết tích thâm trầm của nghệ thuật còn lại sau bao đổ nát của lịch sử”. Thoáng đó, với Trần Văn Khê là kỷ niệm được tháp tùng (với tư cách trợ lý và thư ký) trong chương trình lễ hội văn hóa Việt Nhật tại Hội An (8.2009). Đó là khoảnh khắc chớp sáng của tình yêu nghề nghiệp đi cùng cái đa đoan đoạn trường.


Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh cùng Danh ca, nhạc sĩ huyền thoại Christophe, ông hoàng âm nhạc Pháp trong chuyến lưu diễn duy nhất của ông tại Sài Gòn Việt Nam. 

Tôi dừng lại một hai chi tiết mà người đọc không khỏi nhíu mày vì không không thỏa đáng. Chi tiết đó, là Chùa Chúc Thánh, Hội An, được thiền sư Minh Hải khai sơn thế kỷ VII (sic – XVII) thời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687 – 1691) chứ không phải chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687) (trang 35) (2). Chi tiết đó, là thiếu nhất quán ngay trong cùng một bài viết, nơi này, trang 33, ghi nhạc sĩ La Hối mất ngày 19.2 Ất Dậu, nơi kia, trang 39, thì ghi 19.4 Ất Dậu (30.5.1945)...

Và tất nhiên, cái nhìn của Nguyễn Hữu Hồng Minh ít nhiều là những gợn sóng cảm xúc cho nên cần chờ đợi thời gian thẩm định khách quan hơn. Đã đành không ai có thể thấu hiểu hết mạch ngầm tinh tế của thế giới nghệ thuật nhưng “Guitar, ánh sáng & bóng tối” không kém phần sinh sắc và hứng thú của một Nguyễn Hữu Hồng Minh của thơ, của nhạc, của truyện... Tôi, một kẻ ngoại đạo, vừa cùng tác giả tơ vương những thanh âm và thêm chút đồng cảm với từng bóng hình dẫu còn tản mạn và chưa trọn vẹn.                                                     

 3.2019

Nguyễn Duy Long 

Chú thích:

(1) Nguyễn Hữu Hồng Minh. Vỉa từ (thơ). Nxb Hội Nhà văn. Hà Nội. 2017: 9, 174.

(2) Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận. Nguyễn Huệ Chi giới thiệu. Tập II. Nxb Văn học. Hà Nội. 1992: 193.