ĐỜI SỐNG

Hậu đại dịch Covid-19, người tiêu dùng lựa chọn lối sống như thế nào?

Hoài Lan • 11-07-2022 • Lượt xem: 312
Hậu đại dịch Covid-19, người tiêu dùng lựa chọn lối sống như thế nào?

Sau khoảng thời gian dài chống chọi với cơn ác mộng đại dịch Covid-19, đời sống kinh tế và sinh hoạt bị ảnh hưởng không ít. Tỉ lệ thất nghiệp tăng nhanh đến mức chóng mặt, hàng loạt hoạt động kinh doanh mua bán bắt buộc phải chịu cảnh đình trệ. Bão giá cũng vì vậy mà tăng vọt. Để đối mặt với tình trạng đó, nhiều người bắt đầu lựa chọn học cách tiết kiệm thay vì chi tiêu hay đầu tư như trước đây. 

Thay đổi xu hướng mua sắm theo cách khác 

Nhiều người thú nhận rằng, nếu trước đây xem việc mua sắm như một “thú vui xả stress" thì bây giờ khi chọn mua một thứ gì đó đều phải xem xét kĩ rằng món đồ này có thật sự cần thiết hay không. Họ bắt đầu xây dựng tư duy thận trọng và định vị lại những gì sẽ phục vụ cho mục đích chính đáng nhất. Bí quyết mua sắm “chi tiêu phòng thủ" được áp dụng rộng rãi, giúp người tiêu dùng định dạng lại thói quen và kế hoạch tài chính dài hạn của mình. Bên cạnh đó, để quản lý chi tiêu được chặt chẽ hơn, nhiều người còn chọn lựa cách “tải app quản lý chi tiêu” thống kê đều đặn những khoản chi trong ngày. 

Hãng tư vấn toàn cầu McKinsey & Company đã thực hiện một nghiên cứu về chi tiêu của người Mỹ và nhận thấy được rằng 50% chi tiêu ít hơn so với trước đây cho mặt hàng điện tử tiêu dùng và may mặc sau thời gian dài giãn cách. 

Mặt khác, các nhà kinh tế tại Nhật cho biết 90% người tiêu dùng ở đất nước này trả lời khảo sát rằng họ thấy được mối lo hàng hoá thiết yếu trong 12 tháng tới bắt đầu trở nên đắt đỏ hơn. Do đó, cách sống “thắt lưng buộc bụng" trở thành xu hướng cũng là điều không quá bất ngờ. 

Chọn những sản phẩm có nhãn hiệu tư nhân  

Để giảm chi tiêu xuống mức thấp nhất, người tiêu dùng tại Nhật còn bắt đầu tìm kiếm những sản phẩm tiêu dùng có giá rẻ hơn. Điển hình là săn lùng thông qua các chương trình khuyến mãi hay lựa chọn các nhãn hiệu tư nhân PB (hàng hoá được sản xuất và phân phối bởi các nhà bán lẻ) vì nó có giá rẻ hơn nhiều. Đặc biệt là các sản phẩm như sốt cà chua, sốt mayonnaise và một số nhu yếu phẩm khác. 

Rõ ràng nhất là ghi nhận doanh thu bán thực phẩm từ Aeon, thực phẩm PB trong 6 tháng tính đến tháng 2/2022 đã tăng 15%. Còn theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Intage trong tháng Ba, thị trường tiêu thụ mayonnaise đã tăng từ 18% vào đầu năm lên 22% đối với thị phần của các nhãn hiệu tư nhân. 

Muốn tiết kiệm thay vì đầu tư 

Làn sóng Covid-19 cũng khiến triển vọng kinh tế tại Trung Quốc giảm đi đáng kể. Thay vì tập trung đầu tư như trước đây, người dân Trung Quốc chọn quay đầu về xu hướng tiết kiệm an toàn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tạo một cuộc khảo sát trong quý II và nhận thấy rằng trong 20 năm trở lại đây thì hiện tại xu hướng tiết kiệm của người tiêu dùng Trung Quốc đang ở mức cao nhất. Trong đó, 58,3% người tham gia khảo sát cho biết họ muốn tiết kiệm hơn. Và tỉ lệ này đã tăng 3,6% so với quý I năm 2022 (54,7%). Mặc dù tỉ lệ ở quý I đã được cho là mức cao nhất kể từ năm 2002. 

Sử dụng đồ cũ và tiết kiệm điện

Những thay đổi do đại dịch mang lại đã khiến thói quen tiết kiệm của người tiêu dùng trở nên càng ngày càng thận trọng hơn. Những gì có thể phục vụ cho mục đích tiết kiệm đều được áp dụng một cách triệt để. Chẳng hạn như thay vì thường xuyên mua sắm quần áo mới như trước đây thì người dân bắt đầu chọn cách sử dụng lại đồ cũ không chỉ cho chính mình mà còn cả cho con em. Hoặc tần suất sử dụng các loại máy móc tân tiến như máy rửa chén, robot quét dọn, máy điều hoà… cũng được giảm đi đáng kể nhằm tiết kiệm điện, tiết kiệm một khoản chi. 

Do vậy, đã có số liệu thống kê tích cực rằng 67% người tiêu dùng Việt học được cách cẩn thận hơn so với tài chính cá nhân của mình, 34% ưu tiên khoản tài chính phòng vệ cho trường hợp khẩn cấp. Tất cả đều xuất phát trừ nỗi lo tương lai không biết trước nên người dân quyết định cắt giảm chi tiêu dài hạn.