VĂN HÓA

Họa sĩ Trịnh Hồng Lanh: 'Nghệ thuật vẽ là cuộc khám phá bản thể của chính mình'

Đông Dương • 03-07-2021 • Lượt xem: 3489
Họa sĩ Trịnh Hồng Lanh: 'Nghệ thuật vẽ là cuộc khám phá bản thể của chính mình'

Trên trang văn hóa của DDVN đã giới thiệu khá nhiều gương mặt họa sĩ, tác phẩm nổi tiếng đương đại. Ban biên tập tôn trọng những góc nhìn riêng, những ý kiến cá nhân qua đó cho thấy sự đa dạng, nhiều chiều kích của hội họa. Lần này, DDVN có cuộc trao đổi với họa sĩ Trịnh Hồng Lanh. Anh vừa tổ chức một sân chơi mới ở trường Cao đẳng triển lãm tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng để tranh đến gần với giới trẻ và các bạn sinh viên hơn. Triển lãm thành công gây được tiếng vang với mô hình này...

Tin và bài liên quan:

Trường hợp Trần Hải Minh: Nghệ thuật như một ý niệm khác biệt!

Chinh Lê, triển lãm Alo: Một tài năng biểu cảm

Nhà phê bình Nguyễn Quân: Họa sĩ Đinh Phong: Tốc lực nghệ thuật

Nghệ thuật Nguyễn Hữu Hồng Minh: Cánh hoa giữa vực thẳm và đỉnh cao

Họa sĩ Ca Lê Thắng: 'Mỹ thuật luôn cần những ngọn gió mới'

*Có nhiều họa sĩ nổi tiếng không chỉ bởi tác phẩm mà còn là sự cống hiến, chia sẻ đóng góp kiến thức của mình ở các môi trường Cao đằng, Đại học. Hình như cái tên tiến sĩ Trịnh Hồng Lanh nổi tiếng hơn họa sĩ Trịnh Hồng Lanh. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và vẽ khá nhiều tranh, nhưng rất ít triển lãm. Anh có thể cho biết lý do?

Họa sĩ Trịnh Hồng Lanh: -Nghệ thuật là sự hưởng thụ của chính bản thân người Họa sĩ. Khi vẽ, cái Tôi cá nhân bộc lộ và đem những thi vị cuộc sống chính tôi cảm nhận dù mơ hồ hat rõ ràng vào trong mỗi tác phẩm của mình. Nên nếu có thời gian tôi lại vẽ bởi mục đích chính là giữ lại cho mình một số tranh để lưu dấu ấn những ngày tháng qua.

Một tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Trịnh Hồng Lanh.

Tôi cũng từng tham gia triển lãm của hội Mỹ thuật TP.HCM, hội Mỹ thuật Việt Nam nhưng cũng không đều lắm. Bản thân cũng đã 2 lần nhận giấy khen giới thiệu dự giải của hội liên hiệp các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật vào các năm 2002 khi triển lãm tại Long An và năm 2005 triển lãm tại bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.

*Được xem một số tác phẩm bày tại studio, xưởng làm việc cá nhân anh, tôi thấy tranh thể hiện khá nhiều đề tài từ trừu tượng, siêu thực đến hiện thực... đa phong cách. vậy phong cách anh tìm thấy được sau một thời gian theo đuổi là gì?

Họa sĩ, Tiến sĩ Trịnh Hồng Lanh (phải), Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp đang giới thiệu với GSTS Oh Duk - Viện trưởng Viện Văn hóa Hàn Quốc TPHCM, Giám đốc trung tâm Hàn Quốc - Việt Nam một phòng Nội thất của Khoa.  

-Thực ra đến giờ phút này tôi vẫn đang loay hoay đi tìm chính mình. Có thể tôi đa đoan nên thấy phong cách nào cũng thấy yêu thích. Nhưng sắp tới tôi sẽ chuyển hẳn qua đề tài trừu tượng. Vì có lần Điêu khắc gia Phan Gia Hương sau khi xem xong những tác phẩm của tôi khuyên tôi nên đi theo phong cách này bởi nó có cái riêng của chính mình.

*Công việc hiện tại là một trưởng khoa mỹ thuật của một trường ĐH&CĐ có phải là đã lấy hết thời gian của anh trong sáng tạo nghệ thuật.

-Nhà báo hiểu tôi quá! (Cười). Quả thật vì là người của công việc nên cho dù làm ở đâu, công việc gì tôi cũng tận tâm và cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất.

Năm 2020 quả là một năm khá vất vả cho tôi vì cùng một lúc mở ra 2 khoa MTCN cho cả 2 hệ ĐH & CĐ. Bắt tay vào việc mới thì rất vất vả vì tốn nhiều công sức và thời gian để hình thành. Do đó tôi cũng chỉ sáng tác được 5 tấm kích thước nhỏ. Nhưng trong im lặng cũng có cái hay là dịp để nhìn lại chính bản thể mình. Tôi cũng tích tụ được nhiều đề tài để vẽ ... 

*Như anh kể với công việc khá dày, khi có cảm hứng anh thường vẽ vào thời gian nào của ngày, những đề tài nào anh thấy thú vị nhất
- Quả thật tôi không đặt cho mình một thời gian nhất định nào khi cảm hứng đến cả. Vì thế tôi vẫn ưu tiên công việc sáng tạo hàng đầu. Nhưng phải thấy thường khi rảnh rỗi, lòng dịu lại, thư thái thì cảm xúc mới đến. Tôi thích vẽ những gì diễn ra xung quanh tôi mà tôi cảm nhận được nó. Có khi là một ánh mắt trẻ thơ, một mái tóc đẹp... dễ đi vào tác phẩm của tôi.  

*Là người học Mỹ thuật, bảo vệ tiến sĩ đề tài cũng thuộc chuyên ngành hội họa, ra trường đi dạy và bây giờ là trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp... anh có thể chia sẽ cùng bạn đọc những góc nhìn, suy ngẫm của anh về hội họa và nghệ thuật đương đại ngày nay?
-Tôi xin phép chỉ trả lời về cảm nhận của mình riêng về Hội họa vì nghệ thuật bao gồm rất nhiều lãnh vực khác nữa như âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, văn chương… Bản thân tôi cảm nhận hội họa của Việt Nam đang có những bước nhảy vọt khá xa, các tác phẩm hội họa VN gần đây được nhắc nhiều đến trên thị trường thế giới. Đó là một tín hiệu vui.

Trong nước thì các cuộc triển lãm có quy mô từ chất đến lượng, nhiều đề tài, chất liệu phong phú. Các phong cách sáng tác thì đa dạng, đa chiều, người thưởng thức đã bắt đầu yêu thích về hội hoạ dẫn đến các anh em họa sĩ cũng đang dần sống được hơn với nghề của mình. Tôi vững tin một điều không bao lâu nữa các tác phẩm hội họa của VN sẽ có tầm ảnh hưởng đến giới sưu tập và các nhà kinh doanh tác phẩm hội họa trên thế giới...

Họa sĩ, Tiến sĩ Trịnh Hồng Lanh (bìa phải) và các thầy cô giáo trong khoa Mỹ thuật Công nghiệp. 

*Chú thích: Những tác phẩm tranh trong bài viết là của họa sĩ, tiến sĩ Trịnh Hồng Lanh cung cấp cho Tòa soạn DDVN.

(Hết kỳ 1)

Đông Dương thực hiện