VĂN HÓA

Hội thảo bảo tồn di sản văn hóa thế giới Việt Nam hậu Covid-19

Mỹ Nhi • 21-09-2022 • Lượt xem: 1000
Hội thảo bảo tồn di sản văn hóa thế giới Việt Nam hậu Covid-19

Giữa tháng 9 vừa qua, tại TP. Hội An tỉnh Quảng Nam đã diễn ra hội thảo Bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Việt Nam giai đoạn hậu Covid-19.

Dưới sự chủ trì của Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với văn phòng UNESCO tại Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm ban hành công ước về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và 35 năm Việt Nam gia nhập công ước quốc tế này.

Tham gia hội thảo có sự tham dự của ông Hoàng Đạo Cương, thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, bà Phạm thị Thanh Hường, trưởng ban văn hóa UNESCO Việt Nam cùng các cơ quan đoàn thể, ban ngành, cơ quan thông tấn báo chí.

Tại hội thảo, đại biểu đặt ra những vấn đề bàn luận cấp thiết về việc duy trì, củng cố và bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam. Với điều kiện tự nhiên và đời sống văn hóa đậm đà bản sắc, từ khi tham gia công ước năm 1987 đến nay, Việt Nam có tới 8 di sản văn hóa được UNESCO công nhận và vinh danh. Đây là niềm vinh hạnh, tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm của nhân dân Việt Nam nói chung và các cơ quan quản lý từ địa phương đến trung ương nói riêng.

Phát biểu trong hội thảo, ông Hoàng Đạo Cương cho hay: "Có thể khẳng định, các di sản thế giới này đã được các địa phương quản lý, bảo vệ bền vững nhằm trao truyền lại cho thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản Thế giới, cũng như pháp luật về di sản văn hóa". Đó là sự tiếp nối hành trình gìn giữ những giá trị quý báu, lâu đời của dân tộc, là nét đặc trưng độc đáo, riêng biệt của đất nước rồng tiên. 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra những mặt hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, trước những điều kiện chủ quan và khách quan, các di sản văn hóa tại nước nhà cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức, rủi ro gây tổn thất và ảnh hưởng mà tiêu biểu là đại dịch Covid. Để giải quyết vấn đề này, theo ông cần phải có sự chung tay, góp sức của nhiều ban ngành liên quan và phân bổ ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Ông Trần Văn Tân cho biết, hiện nay, tại riêng tỉnh Quảng Nam có 3 di sản văn hóa vật thể và 1 di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới bao gồm: phố cổ Hội An, khu di tích thánh địa Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm và nghệ thuật ca xướng “bài chòi”. Đó là nội lực sẵn có, là tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội và nhất là du lịch của tỉnh nhà. Vì vậy, có thể thấy rằng việc giữ gìn, bảo vệ và duy trì bền vững những di sản vô giá ấy là một việc làm vô cùng cần thiết và quan trọng đặc biệt là trong bối cảnh đất nước vừa trải qua 2 năm đại dịch với rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực. 

Tác động tiêu cực ấy được bà Phạm Thị Thanh Hường nhắc trong hội thảo. Thứ nhất là sự bùng nổ nhu cầu du lịch khiến các địa điểm di sản trở nên quá tải. Thứ hai là sự thiếu hụt nguồn nhân lực sau thời gian dài giãn cách. Hội thảo đã mở ra nhiều góc nhìn mới, những đóng góp, đề xuất quan trọng và giải pháp hữu hiệu từ phía lãnh đạo, nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, giáo sư,... để khắc phục những bất cập trong việc bảo vệ và tập trung thúc đẩy phát huy các di sản văn hóa sau Covid-19 theo chủ trương của UNESCO là hướng đến phát triển bền vững. 

Thông qua hội thảo, Việt Nam xây dựng tiền đề vững chắc, sẵn sàng để ứng cử vào vị trí ủy viên di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với tinh học hỏi, trao đổi những kinh nghiệm, phương pháp, mô hình quản lý theo hướng mới mẻ, tiên tiến. Đồng thời, qua đó khẳng định uy tín và vai trò của quốc gia trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.