Duyên Dáng Việt Nam

Hướng nghiệp cho con: Gập gềnh con đường tìm lại chính mình (Kỳ 2)

Cẩm Tú • 02-05-2020 • Lượt xem: 1039
Hướng nghiệp cho con: Gập gềnh con đường tìm lại chính mình (Kỳ 2)

Sự can thiệp của cha mẹ trong định hướng nghề cho con tuy cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng đúng. Khi con đường cha mẹ chọn không phù hợp với con thì con đường để tìm lại giấc mơ của con sẽ gập ghềnh hơn rất nhiều.

Tin, bài liên quan:

Hướng nghiệp cho con: Sự cần thiết và những sai lầm của cha mẹ (Kỳ 1)

Rào cản vô hình với cha mẹ

Mâu thuẫn chọn nghề thường xuất phát từ sự lo lắng và quan tâm quá mức của nhiều phụ huynh. Nhiều người thay vì là đồng hành tư vấn hỗ trợ con, lại trở thành người quyết định thay con.

Tâm lý của ba mẹ thường muốn con chọn nghề có công việc tốt, lương cao. Đôi khi, chọn nghề thay con chỉ vì truyền thống gia đình để con dễ xin việc. Điều này đã gây không ít mâu thuẫn khi giữa con và gia đình không tìm được tiếng nói chung.

Một sai lầm cha mẹ thường gặp phải là áp đặt suy nghĩ chủ quan lên con. Xuất phát từ tâm lý cho rằng con cái còn nhỏ, chưa đủ sâu sắc để nhìn nhận, đánh giá vấn đề, cha mẹ thường phủ nhận những tâm tư, nguyện vọng, thậm chí những lý giải của con.

Có một bộ phận cha mẹ luôn định kiến với một số ngành nghề nhất định, như cho rằng nghề ca sĩ là “xướng ca vô loài”, nghề người mẫu suốt ngày khoe thân… Nhưng quên mất rằng, đạo đức nghề nghiệp nằm ở việc rèn luyện bản lĩnh của cá nhân, nếu buông thả thì bất cứ ngành nghề nào cũng có thể trở nên tha hóa và ngược lại.

Hơn nữa, xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, cơ cấu ngành nghề, xu hướng việc làm cũng theo đó mà thay đổi. Nếu không kịp thời cập nhật cha mẹ không thể nắm bắt được.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất đồng giữa cha mẹ và con cái trong lựa chọn nghề nghiệp. Khi cha mẹ bảo thủ và định kiến, con cái bướng bỉnh nhưng không đủ lý do để thuyết phục mâu thuẫn sẽ ngày càng sâu sắc.

Kiên quyết đi theo con đường mình chọn, con dễ bị cha mẹ cho là “bất hiếu” “không biết nghe lời” “ngu dốt”. Thuận theo lời cha mẹ thì chán nản, mệt mỏi khi phải cố gắng làm những việc mình không muốn. Cứ như vậy, khoảng cách gia đình ngày một xa, kéo thời nhưng ngày tháng “chiến tranh lạnh” không đáng có.

Lãng phí thời gian, đánh rơi chất xám

Bùi Minh Long, du học sinh Đức tâm sự năm anh thi đại học, vì mâu thuẫn chuyện chọn trường cha anh đã bị tăng huyết áp và nằm viện. Anh lo lắng, xin lỗi và quyết định đi theo con đường được cha mẹ lựa chọn.

4 năm học, 1 năm đi thực tập, 6 tháng đi làm ai cũng nghĩ lựa chọn năm xưa của anh là đúng. Vào lúc ấy, anh đột ngột nộp đơn thôi việc quyết tâm ôn thi lại từ đầu. Kỳ lạ là dù rất sốc, nhưng lần này ai cũng động viên. Không ai còn cản trở, anh hăng hái học tập và xin được một suất học bổng du học.

Thời gian là minh chứng thuyết phục nhất để khẳng định đam mê và nỗ lực của một người. Dù không muộn, nhưng những năm tháng đã qua không thể nào lấy lại. Nếu có thể làm điều mình muốn sớm hơn có lẽ thành công đã đến sớm hơn.

Một số liệu điều tra khác của sở Lao Động - Thương Binh - Xã Hội TP.HCM cho biết chỉ khoảng 30% sinh viên, học sinh tốt nghiệp có ý định làm việc lâu dài, trong khi 30% muốn tìm việc làm khác vì không phù hợp với khả năng, nguyện vọng và 40% chưa xác định mục tiêu nghề nghiệp. Đáng chú ý hơn là có đến 40% lao động trẻ chọn nghề chưa phù hợp với nghề mình đang học.

Nhà bác học Albert Einstein từng nói rằng: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là một kể đần độn”. Chọn một nghề không phù hợp khả năng và trái nguyện vọng thì không thể phát huy được năng lực. Dù có cố gắng hoàn thành việc học thì việc tìm được việc làm cũng không dễ dàng.

Làm lại từ đầu chưa bao giờ dễ dàng

Lựa chọn học lại từ đầu là một quá trình rất cô đơn. Nếu như lúc trước, có bạn bè cùng ôn luyện, có sự quan tâm, chăm chút của cha mẹ, thì giờ đây tất cả chỉ dựa vào sự nỗ lực của bạn thân. Bởi bạn bè đã ổn định sự nghiệp, cha mẹ  không còn muốn can thiệp vào lựa chọn của con nữa.

Làm lại từ đầu cũng có nghĩa là phải đối mặt với một loạt áp lực từ việc thua kém bạn bè, đến việc phụ thuộc kinh tế vào cha mẹ, áp lực thất bại. Thất vọng, hụt hẫng có thể mang tới một vết trượt dài về thời gian. Ngay cả khi muốn làm lại từ đầu, những áp lực đó chính là những trở ngại tâm lý khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi rồi lại nản chí, không tin vào bản thân.

Con đường đến thành công vốn đã nhiều chông gai. Với những người chấp nhận đánh đổi để làm lại từ đầu, lựa chọn lại sự nghiệp, đi theo đam mê của bản thân thì còn nhiều trở ngại hơn thế. Cố gắng thôi chưa đủ phải nỗ lực; chăm chỉ thôi chưa đủ phải quyết tâm; tự tin thôi chưa đủ phải bản lĩnh.

Xin tạm kết bằng thông điệp ý nghĩa mà đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất Vidhu Vinod Chopra nổi tiếng của Ấn Độ gửi gắm qua nhân vật của mình: “Nếu con trở thành một nhiếp ảnh? Con sẽ kiếm được ít tiền hơn, đúng không? Nhà của con sẽ nhỏ hơn, xe hơi cũng nhỏ hơn. Nhưng bố ơi, con sẽ hạnh phúc. Con sẽ thực sự hạnh phúc. Bất kể con làm điều gì, con cũng sẽ làm theo trái tim mình". Cha mẹ không thể sống thay con nên hãy để con tự lựa chọn con đường của riêng mình.