Duyên Dáng Việt Nam

Hướng nghiệp cho con: Sự cần thiết và những sai lầm của cha mẹ (Kỳ 1)

Cẩm Tú • 30-04-2020 • Lượt xem: 2267
Hướng nghiệp cho con: Sự cần thiết và những sai lầm của cha mẹ (Kỳ 1)

Cha mẹ có vai trò rất lớn trong định hướng nghề nghiệp cho con trẻ. Thiếu đi sự định hướng của cha mẹ không khác nào bị bỏ giữa biển khơi không có la bàn. Nhưng, đôi khi sự chi phối của cha mẹ lấn át cả nguyện vọng, vô tình “đánh cắp giấc mơ” của con.

Tin, bài liên quan:
Đàn ông vào bếp - Ấm lửa yêu thương

Gia đình là bệ phóng tương lai


Bàn luận về vấn đề “cha mẹ có nên chọn nghề cho con không”, Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, gia đình là “bệ phóng”. Nếu cha mẹ không tham gia vào việc định hướng nghề nghiệp cho con, tức bệ phóng không hoạt động, có nghĩa đã bỏ phí một nguồn tài nguyên.

Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, thời gian thích hợp để bắt đầu định hướng ngành nghề là từ cuối năm cấp 2, đầu năm cấp 3 của trẻ. Đây là lứa tuổi trẻ bắt đầu hình thành tính cách rõ rệt và là thời điểm vàng để khám phá, tìm hiểu bản thân để từ đó có định hướng phù hợp.

Ở lứa tuổi này, trẻ chưa đủ kỹ năng và trải nghiệm để nghiên cứu thông tin cũng như phân tích những thuận lợi, khó khăn trong tương lai. Trước ngưỡng cửa quá trình khám phá bản thân, với trẻ kỹ năng nào giỏi nhất? Đam mê điều gì nhất? Muốn trở thành người như thế nào trong tương lai? Những điều đó đều còn rất mơ hồ.

Bởi vậy, việc cha mẹ tham gia vào định hướng sớm từ giai đoạn này là vô cùng cần thiết để thúc đẩy những điều kiện phù hợp cho trẻ được trải nghiệm môi trường liên quan tới nghề nghiệp từ sớm.

Theo Xã hội học, gia đình chính là nơi dạy dỗ, uốn nắn, đào tạo, bồi dưỡng biến một đứa trẻ từ “con người sinh vật” thành “con người xã hội”. Quá trình ấy diễn ra liên tục trong suốt cuộc đời một con người.

Ở giai đoạn ấu thơ, gia đình giúp trẻ rèn luyện thói quen. Ở tuổi thiếu niên khi trẻ bắt đầu hình thành các giá trị, chuẩn mực, thiết lập mối quan hệ với những người xung quanh, gia đình giúp cho các em những kinh nghiệm trong quan hệ ứng xử. Ở tuổi trưởng thành, khi cá nhân hình thành bản sắc cái tôi, tích lũy được kinh nghiệm chuẩn bị bước vào một tổ chức xã hội mới; gia đình giúp con lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn lối sống.

KTS Hoàng Thúc Hào, người Việt Nam đầu tiên nhận giải SIA-GET cho kiến trúc sư nổi bật Châu Á, dẫn chứng câu chuyện bản thân ông đã ảnh hưởng từ người cha làm kiến trúc nội thất như thế nào. Ông khẳng định, việc cha mẹ giúp con lựa chọn nghề nghiệp là cần thiết. Trường hợp lựa chọn đó là sai thì các em cũng có cho mình những trải nghiệm nhất định và nhận thức chắc chắn đây không phải nghề nghiệp thực sự phù hợp với mình rồi đi tìm một hướng mới.

Cha mẹ là điểm tựa vững vàng khi con không tìm được giấc mơ

Trong cuộc sống, không phải ai cũng biết chính xác ước mơ của mình là gì, tương lai mình sẽ trở thành người như thế nào? Con đường chinh phục ước mơ ra sao?

Đến tận lúc bước chân vào cánh cổng đại học hoặc ngay cả khi đã tốt nghiệp, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ "lạc lối" vì không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà – Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam từng chia sẻ: “Chọn nghề nghiệp vì nghề đó hot, coi nó là công cụ kiếm tiền và thăng tiến có nghĩa là bạn đã thất bại ngay từ đầu trong việc định hướng. Nghề nghiệp cũng như con người, nếu không cùng nó phát triển thì sẽ nhanh chóng bị đào thải".

Nếu đâm đầu đi theo một nghề hot mà không cân nhắc xem bản thân có phù hợp với nghề hay không? Có đủ năng lực để cạnh tranh với những người trong nghề hay không? Các bạn trẻ không thể đi tiếp trên con đường ấy.

Chưa tìm được cái mình thích, điều mình giỏi, đi theo lời chỉ dẫn của người khác, không xác định được phương hướng. Hệ quả tất yếu là chọn sai nghề. Khi ấy, các bạn trẻ nhanh chóng mất động lực và dễ dàng bị đào thải khỏi cuộc cạnh tranh khắc nghiệt.

Khi không tìm thấy “giấc mơ”, không tin tưởng vào bản thân hãy nhìn về gia đình, nơi cha mẹ sẵn lòng hướng dẫn và đồng hành cùng bạn. Đừng vội bác bỏ những lời khuyên răn, đừng vội xua đi những lời đề nghị của cha mẹ. Dù con đường phía trước có bao nhiêu khó khăn, tương lai có mơ hồ đến đâu, vẫn có một điểm sáng luôn soi đường, chỉ lối nắm tay bạn bước qua. Đó chính là cha mẹ.

Nhưng phụ huynh cũng có thể mắc sai lầm…

Thứ nhất, quá kỳ vọng vào con. Hầu hết cha mẹ đều cho rằng “con cái chúng ta đều giỏi”. Xuất phát từ tâm lý ấy, cha mẹ thường chọn những trường tốt, ngành nghề hot có cơ hội làm việc hấp dẫn để định hướng cho con. Nhưng lại không xét đến việc ngành nghề đó có phù hợp với trí tuệ, sức khỏe, tính cách của con hay không.

Thứ hai, dựa vào kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân để chọn nghề cho con. Cha mẹ và con cái vốn có khoảng cách một thế hệ, bởi vậy những trải nghiệm của cha mẹ có thể phù hợp với một thời kỳ nhất định, nhưng trong thời điểm hiện tại chưa chắc đã phù hợp với thực tế. Bởi vậy, không nên bảo thủ, áp đặt những quan niệm chọn nghề cho con cái.

Một nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng, cha mẹ có xu hướng định hướng cho con đi theo nghề nghiệp của mình. Qua khảo sát 120 hộ gia đình, số cha mẹ làm kỹ sư muốn con tiếp tục làm kỹ sư chiếm 30%, kết quả tương tự với các nghề sư phạm, bộ đội, công an. Hầu hết cha mẹ đều muốn con có một công việc thu nhập đủ sống ổn định, có vị trí trong xã hội.

Thứ ba, áp đặt thái quá, không xem xét đến nguyện vọng, mong muốn của con. Ngay nay, trẻ em được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục, nhiều nguồn thông tin mới, có cơ hội được trải nghiệm ngay từ khi còn nhỏ. Bởi vậy, trẻ em ngày càng độc lập, tự chủ, yêu thích rõ ràng. Nếu cha mẹ vẫn giữ tư duy “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” sẽ không khỏi dẫn đến mâu thuẫn với con cái khi hai bên không có chung tiếng nói.