VĂN HÓA

Huỳnh Phan Anh, từ 'kinh nghiệm hư vô' đến 'một mùa địa ngục' (3)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 09-09-2020 • Lượt xem: 1629
Huỳnh Phan Anh, từ 'kinh nghiệm hư vô' đến 'một mùa địa ngục' (3)

Dịch thơ là một công việc khó. Vì thế, thật bất ngờ khi đọc thư của Yves Bonnefoy viết. "Tôi biết ơn Huỳnh Phan Anh đã thực hiện tốt công việc chuyển Việt ngữ những bài thơ của tôi". Ông đánh giá: "Chính anh đang kéo gần lại hai nền văn minh vĩ đại". Thi sĩ Pháp xác tín, dịch giả: "đã bắt một nhịp cầu giữa phương Đông và phương Tây vốn thừa kế những truyền thống tư tưởng, có thể bổ sung cho nhau...".

Tin và bài liên quan:

Huỳnh Phan Anh, từ 'kinh nghiệm hư vô' đến 'một mùa địa ngục' (1)

Huỳnh Phan Anh, từ 'kinh nghiệm hư vô' đến 'một mùa địa ngục' (2)

Phan Huy Đường, Người tư duy tự do (2)

 

Duyên Dáng Việt Nam giới thiệu lại toàn văn trao đổi của nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà phê bình sử học Yves Bonnetoy gửi nhà văn, dịch giả Huỳnh Phan Anh. Bức thư này có in trong sách "Tuyển thơ Yves Bonnefoy" do nhà xuất bản Hội Nhà Văn 1997. Tuy nhiên, trên mạng đến nay vẫn chưa có văn bản này vì thời điểm đó internet chưa phổ biến. Bài "Cám ơn dịch giả của tôi" là bản do DDVN thực hiện.  

Bìa một tác phẩm giới thiệu nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật Yves Bonnefoy  

CÁM ƠN DỊCH GIẢ CỦA TÔI 

Sự dũng cảm của những người dịch thơ quả lớn lao. Văn bản dưới mắt họ có thể như chỉ bao gồm những yếu tố thoát khỏi quyền năng của họ. Một phần do những cấu trúc riêng của một ngôn ngữ, từ vựng và cú pháp. Ngoài từ vựng khoa học, không một từ nào của tiếng Pháp hoàn toàn có cùng ý nghĩa lẫn nghĩa mở rộng với bất luận từ nào trong một tiếng nói nào khác. Và trong việc đối chiếu các ý tưởng, có nhiều cách để thể hiện chúng trong câu nói vốn cũng chỉ thuộc về một ngôn ngữ đặc biệt mặc dù tính phổ biến giả định của những nguyên tác luận lý: Ngoài điều đó từ vựng và cú pháp nói ở đây vẫn được các nhà thơ xử dụng với một sự tự do và một sự táo bạo biến lời nói của họ thành một cái gì không thể thu gọn vào một sự chuyển vị đơn giản bằng một ý nghĩa mà người ta hẳn đã tìm ra được.

Do những hình ảnh của nó, do hoạt động kiên trì của nó giữa âm thanh và ý nghĩa, văn bản thi ca còn hơn một ý nghĩa được xác định nhiều, người ta có thể xem nó như một mạng lưới những gôi ý mà người đọc được quyền giải thích nếu không nói là hoàn toàn tự do, ít ra bắt đầu từ chính mình. Và chính sự đa dạng này trong những đề nghị của một bài thơ mà người dịch thường cảm thấy mình buộc lòng phải hy sinh.   

Nhưng không phải vì thế mà tôi nghĩ dịch thơ là điều bất khả hoặc thậm chí một sự tước đoạt đối với những ai thử làm công việc đó. Quả thực thơ không chủ yếu là bản tường trình một tư tưởng hoặc câu chuyện kể về một biến cố, điều có thể nhốt kín nó ở bình diện ý nghĩa. Nó trước tiên là ký ức, trong những từ đang bày hoặc kể lể, về một cường độ, một sự sung mãn của kinh nghiệm thế giới mà lời nói thông thường vẫn giảm thiểu hoặc làm cho người ta quên đi. Và bằng những con đường của riêng mình, người dịch có thể tìm lại được cường độ đó, sự sung mãn đó, liên quan tới những sự kiện hoặc những điều mà bài thơ anh dịch gợi ra.

Điều anh cần làm đơn giản là nhìn về cùng một hướng với nhà thơ mà anh đã chọn và do đó anh hoàn toàn có khả năng hiểu được. Giờ đây, anh phải thấy bằng cái nhìn của nhà thơ, anh phải cảm nhận niềm vui hoặc nỗi đau của nhà thơ.Và đúng là anh phải xem xét chi tiết của bản văn. Nhưng đó là để trước tiên hiểu rõ hơn những khát vọng đó, những niềm vui đó, những nỗi đau đó trong những gì chúng vốn có, chủ yếu: căn cứ của bài thơ, suối nguồn mãi mãi trào tuôn của nó, hơn là dáng vẻ nào đó mà cuối cùng bản văn khoác lên. Sự trung thực đích thực là chuyện cảm tính, trực giác được san sẻ, đó không phải là mô phỏng bề mặt một lời nói. 

Dịch giả Huỳnh Phan Anh và nhà thơ Yves Bonnefoy (Tư liệu của nhà thơ Vũ Trọng Quang)

Tôi xin nói thêm. Khi nhìn bằng con mắt một nhà thơ đang hướng về những tình huống của cuộc tồn sinh hoặc những phương diện của thực tại mà người ta không biết tới trong nhiều bản văn của văn xuôi, người dịch chỉ có thể nhận ra rằng trong chiều sâu kinh nghiệm của chính anh vẫn có những tình huống và những xúc động gần như cúng b3n chất cho dù chúng có thể được che giấu trong ngôn ngữ của riêng anh bởi những từ và những bận tâm của cuộc sống hằng ngày. Và anh cũng nhận ra rằng, để hiểu những tình cảm đó, để suy ngẫm về những sự kiện đó của cuộc đời, anh có thể tìm lại được trong ngôn ngữ của anh - bằng những cách xử dụng thông thường, lần này trên bình diện một tri thức nhẹ phần khái niệm hơn tượng trưng, nhẹ phần phân tích hơn trực giác trực tiếp - những phạm trù tư tưởng rất đỗi giống những phạm trù mà việc đọc của anh cho phép anh thừa nhận và biến thành của anh. Đó là cả một mức độ nặng tính nội tại hơn của tri thức về thế giới và về bản thân mà nhân công việc dịch anh đón bắt được nơi bản thân anh đồng thời trong ngôn ngữ của anh và trong nền văn hóa của anh.

Và như thế, điều có vẻ khó dịch nhờ đó mà trở thành dễ hiểu: chỉ cần người dịch, đến lượt mình đã trở thành nhà thơ, bước xuống chiều sâu mối tương quan của mình với bản thân, và ở đây anh có thể khởi sự điều, trong trường hợp này, sẽ là một cuộc đối thoại đích thực với nhà thơ mà anh yêu mến và muốn làm sống lại trong một xã hội xa lạ. Nếu những nền văn minh đều dị biệt bởi những hình thức hời hợt của mối tương quan giữa con người với xã hội và thế giới, chúng ta có đủ lý do để nghĩ rằng trong những sự kiện quan yếu của thân phận con người, chúng chia sẻ cùng những kinh nghiệm và tiếp xúc với cùng một thứ chân lý. Và chính công việc dịch làm lộ rõ sự kiện chắc hẳn là nền tảng này. 

Nhà văn, dịch giả Huỳnh Phan Anh trong trí nhớ họa sĩ Đinh Trường Chinh với nỗi tiếc thương ngày ông qua đời.

Rốt lại, việc dịch thơ nhận ra và làm nổi bật tính thống nhất của thân phận con người. Tứ đó chính nó góp phần mãnh liệt nhất vào sự hiểu biết qua lại giữa các nền văn hóa, và vào tình hữu nghị mang chúng lại gần nhau mặc dù những ngộ nhận và những va chạm mà lịch sử, bất hạnh thay, đã quá quen thuộc. 

Và vì thế mà tôi rất biết ơn Huỳnh Phan Anh đã thực hiện và làm tốt công việc "chuyển vị" sang Việt ngữ những bài thơ của tôi vốn thường khi khá tĩnh lược. Tôi nghĩ, vượt ngoài một tác phẩm đặc thù, chính anh đang làm công việc kéo gần lại hai nền văn minh vĩ đại. Và điều đó, giữa lúc việc giới thiệu càng có ích hơn khi vấn đề trọng đại của thế kỷ tới, theo sự xác tín của tôi, sẽ là bắt một nhịp cầu giữa phương Đông và phương Tây vốn thừa kế những truyền thống tư tưởng có thể bổ sung cho nhau, để đàn ông và phụ nữ trong tương lai học được cách chế ngự những cơn điên kỹ thuật, mở lại mắt trước những điều hiển nhiên của thế giới tự nhiên và của cuộc sống giản dị, mong muốn sự khôn ngoan ngang bằng nếu không vượt trội khoa học"...

(Thư của nhà thơ Yves Bonnefoy gửi dịch Huỳnh Phan Anh).

***

 

Tuyển thơ Yves Bonnefoy do dịch giả Huỳnh Phan Anh chọn và dịch xuất bản ở Việt Nam

Nhớ đến Huỳnh Phan Anh trong tôi còn lưu lại câu chuyện cảm động. Đó là thời gian mới tốt nghiệp Báo chí ra trường tôi về thực tập tại báo Tuổi Trẻ và đi viết những bài báo đầu tiên. Với đề tài hẹp như văn học thật khó để có những bài báo lớn đánh động được dư luận. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi đã báo đề tài với tòa soạn là sẽ thực hiện một chuyên đề về văn học dịch. Làm đề tài này, tôi có dụng ý sẽ phỏng vấn nhiều dịch giả, nhà văn trong nước, tạo thế đứng và uy tín cho bài viết một thực tập sinh mới ra trường. 

Một số tác phầm của nhà văn Huỳnh Phan Anh sưu tập của NST Nguyễn Trường Trung Huy 

Và quả nhiên, khi bài đăng lên trên báo Tuổi Trẻ đã có sự tham gia của nhiều dịch giả, học giả nổi tiếng. Tôi nhớ vài cái tên như Vương Hồng Sển, Cao Xuân Hạo, Lê Khánh Trường, Huỳnh Phan Anh, Bùi Văn Nam Sơn... và nhiều tên tuổi khác nữa. Thầy Cao Xuân Hạo có nói một câu nổi tiếng lúc bấy giờ được trích dẫn lại nhiều là từ bài báo của tôi: -" Một đất nước hơn 63 triệu dân, sách in chỉ 1000 cuốn mà bán không hết. Thật là kỳ lạ!". Câu nói này sau khi in báo ngày thì báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật đã chọn đăng lại trong mục theo dòng sự kiện trích dẫn những câu nói nổi tiếng.

Và kỷ niệm của tôi với Huỳnh Phan Anh cũng bắt đầu từ đây! 

Nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh cho tôi số điện thoại của dịch giả. Câu đầu tiên nghe xin gặp phỏng vấn ông từ chối ngay. "Tôi không muốn gặp báo chí! Lâu nay tôi không có xuất bản tác phẩm nào mới cả!...". Và ông rút lui sau một câu rất nhã nhặn: " -Dù sao, cũng cảm ơn anh đã nhớ đến tôi...".

Rồi ông gác máy.

Bỏ mặc tôi vô cùng thất vọng, tay vẫn còn cầm chiếc telephone của tòa soạn đang đổ dài hằng tiếng kêu tuýt tuýt tuýt thật đáng ghét xa xôi...  

(Còn tiếp 1 kỳ)

Sài Gòn, tòa soạn DDVN, chiều 9.9.2020.

Nguyễn Hữu Hồng Minh