VĂN HÓA

Huỳnh Phan Anh, từ 'kinh nghiệm hư vô' đến 'một mùa địa ngục' (2)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 05-09-2020 • Lượt xem: 1899
Huỳnh Phan Anh, từ 'kinh nghiệm hư vô' đến 'một mùa địa ngục' (2)

Dịch giả Huỳnh Phan Anh đã làm được một công việc tối quan trọng mà chưa ai làm trước đó ở Việt Nam dẫu đã có trải qua hàng trăm năm đi nữa. Đó là dịch "Một mùa địa ngục" và toàn bộ tước tác của thi sĩ Arthur Rimbaud. Không dừng lại ở đó, trường hợp giới thiệu nhà thơ hiện đại Yves Bonnefoy trong lăng kính quy chiếu của ông còn là một độc đáo khác. Tân cổ hợp bích...

Tin và bài liên quan:
Huỳnh Phan Anh, từ 'kinh nghiệm hư vô' đến 'một mùa địa ngục' (1)
Giới thiệu thơ Ý Nhi: ‘Chút gì như bóng dáng đời ta’
Joseph Huỳnh Văn, thơ là cái đẹp không bạo lực

Tôi còn nhớ cảm giác đầu tiên của mình khi cầm trên tay tác phẩm "Một mùa địa ngục" do nhà xuất bản Văn Học ấn hành. Hình bìa là chân dung cùa Rimbaud tắm trong màu đỏ kiêu hãnh chói ngời, tôi đã hân hoan và sung sướng như thế nào?

Những thi sĩ vĩ đại tôi có cảm giác gương mặt và câu thơ họ luôn nhô lên cao hơn các thế kỷ xung quanh. Thời gian có thể là rào chắn hầm mộ nhưng lại không bít được những kẽ hở cho sự bay vút lên của những câu thơ. "Ôi những mùa, những lâu đài / Có tâm hồn nào không lầm lỗi?". Câu thơ đó của Rimbaud có thể chữa thành có "thế kỷ nào không lầm lỗi" khi ngăn cản, vướng víu bước chân của thi sĩ? Và nữa, với cột mốc một trăm năm của cuộc đời hữu hạn thì đôi giày ngàn dặm của thi sĩ cũng đến lúc mòn vẹt đến đế và y phải gục xuống. 

Thi sĩ Arthur Rimbaud thời trẻ (Ảnh từ internet)
Nhưng tọa độ của y quy chiếu qua ngôn ngữ, qua thơ thì đâu giới hạn hay chỉ ở tầm ngắm hữu hạn của "đôi giày" ấy mà bay xa hơn. Tôi ghi lại đây hai câu thơ của tôi trích trong tập thơ đầu tay "giọng nói mơ hồ" như tiếp bước tặng thi sĩ vĩ đại Arthur Rimbaud: "Thơ mở ra thời đại, thơ bay qua cái chết / Thơ tiếng kêu thét tang thương thế kỷ anh đang sống...". 

Một tổng kết có thể xem là khá đích đáng của một đời thơ: "Mặc dù sống một cuộc đời ngắn ngủi, thời gian sáng tác lại càng ngắn nhưng Rimbaud đã đánh dấu một mốc mới trong sự phát triển của thơ ca Pháp. Ông là người có công trong việc làm giàu ngôn ngữ, hình tượng cũng như thể loại thơ ca… Nửa cuối thế kỷ XX, Arthur Rimbaud trở thành một hiện tượng văn hóa đại chúng. Hình tượng Rimbaud được thể hiện qua rất nhiều bộ phim nổi tiếng thế giới...". 

Một nghiên cứu khác về "Một mùa địa ngục" cũng khá thú vị. Đây là thi phẩm toàn bích của thi sĩ và chỉ có thể bắt đầu khi sống kiếp giang hồ, du đãng. Có thể thấy qua niên biểu, cột mốc chính mở đầu của Rimbaud là khi ông đến Paris năm 17 tuổi. Sau một năm theo đuổi cách sống “hủy hoại các giác quan”, ông đã từng được biết đến qua đồn đãi bạn bè là người đàn ông "trụy lạc nhất thành phố". Nhưng đã sao? Khi hai năm sau đó vừa tròn 19 tuổi, thi sĩ đã hoàn thành kiệt tác của mình, thi phẩm “Một mùa địa ngục”. Huỳnh Phan Anh đã tái hiện lại toàn phần cuộc đời của thi sĩ bạo động và náo động ấy qua những vần thơ dịch...

Bìa tập thơ "Một mùa địa ngục" của Arthur Rimbaud (giữa) và các dịch phẩm nổi tiếng khác của nhà văn, dịch giả Huỳnh Phan Anh.

DDVN giới thiệu 1 bài thơ độc đáo của Arthur Rimbaud qua bản dịch của dịch giả Huỳnh Phan Anh và chú giải của ông. 

NGUYÊN ÂM - VOYELLES

A đen, E trắng, I đỏ, U lục
O xanh: nguyên âm, nảy sinh tiềm tàng
A, bụng lông đen loài ruồi sặc sỡ
Vo ve quanh mùi hôi thúi hung hăng

E, vẻ trong trắng của lều và hơi.
Mũi băng chĩa, vua trắng, dù run rẩy,
I, màu đỏ tía, máu phun, môi cười
Trong giận dữ hoặc ngất ngây sám hối,

U, chu kỳ, chấn động của biển xanh,
Niềm yên ả bãi chăn thú, sóng gợn,
Thuật luyện đan in lên vầng trán chăm

O, hồi kèn cuối cùng vang điệu lạ,
Niềm im lặng của thế giới, thiên thần.
Hỡi Omega, tia Mắt Nàng tím ngát!

Arthur Rimbaud

*Chú thích của dịch giả: 

Bài thơ khơi gợi cả một văn chương với vô số những nỗ lực soi sáng, giải mã dựa trên những cơ sở khoa học lẫn văn học mặc dầu nói theo Verlaine, Rimbaud "bất cần A có màu đỏ hay màu lục, anh thấy nó như vậy, chấm hết!". Điều không chối cãi ở đây là Rimbaud gán cho màu sắc một giá trị biểu tượng, màu đen gợi ý tưởng về sự chết chóc, màu trắng thuần khiết, màu lục thanh thản..., và chàng đã viết nên bài thơ của mình bằng trực giác thị quan hơn là thính quan, chàng nhìn thay vì nghe các nguyên âm. Từ đó, nói theo Suzanne Bernard, bài thơ gợi lên dưới mắt người đọc những bức tranh rực rỡ, những hình ảnh chuyển động, một thứ kính vạn hoa lấp lánh màu sắc và ấn tượng. Sự liệt kê không bình thường từ A tới O (còn gọi Oméga) cho thấy Rimbaud muốn bao gồm cả cái toàn thể, cái phổ quát. Hồi kèn cuối cùng tức hồi kèn tận thế đánh dấu sự kết thúc của thời gian, điểm Oméga của thế giới...". (Trích "Rimbaud toàn tập" - Huỳnh Phan Anh dịch - Nxb Văn Nghệ 2006). 

***

Nhà văn, dịch giả Huỳnh Phan Anh và nhà thơ đương đại nổi tiếng thế giới Yves Bonnefoy (Ảnh tư liệu của nhà thơ Vũ Trọng Quang)

Nhưng sẽ thật khó thuyết phục nếu như chúng ta không thử làm một phép so sánh khác. Đó là khi đi tìm cái hay cái đẹp của thơ, Huỳnh Phan Anh hoàn toàn không bị câu rút giữa hai vế từ "mới và cũ". Bởi không chỉ dịch toàn bộ tước tác của Arthur Rimbaud, một thi sĩ Tân cổ điển mà đến hôm nay vẫn là một cột mốc của thơ khá quan trọng mà dịch giả còn quan tâm đến những thi sĩ hiện đại hay đỉnh Tân thời đại. Trường hợp của Yves Bonnefoy trong lăng kính quy chiếu của Huỳnh Phan Anh là một độc đáo khác.

Yves Bonnefoy là một thi sĩ hiện đại chứ không cổ điển như Arthur Rimbaud. Và những thi phẩm của ông cũng được giới nghiên cứu phê bình, ngôn ngữ, hình thức thơ đánh giá là "khó bậc nhất". Thật lạ lùng khi ông là một nhà thơ nhưng luôn luôn đề cao thơ và không dám nhận mình là... thi sĩ! Bởi tước hiệu "Nhà thơ" với với ông mạnh hơn bất kỳ một từ ngữ nào và ánh sáng kỳ ảo của nó luôn luôn quyến rũ, khêu gợi, kêu gọi ông đi tới. Và dẫu có viết bao nhiêu bài thơ, in rất nhiều thi phẩm thì "nhà thơ' với ông cũng là cái đích để ngưỡng vọng và phấn đấu đi tới. Điều này cũng là một hấp lực với Huỳnh Phan Anh khi ông chọn dịch chăng? Với một người làm nghệ thuật chân chính thì khát vọng là chân trời chứ không phải những đám mây mù từ những cái ngỡ đã viết ra. 

Thủ bút và chữ ký của nhà thơ Yves Bonnefoy gửi nhà văn, dịch giả Huỳnh Phan Anh (Tư liệu của TS, dịch giả Nguyễn Duy Bình cung cấp cho DDVN).

Yves Bonnefoy nói về thơ: "Người ta không nên gọi mình là nhà thơ. Nó sẽ là tự phụ. Nó có nghĩa là người ta đã giải quyết được những vấn đề mà thơ đưa ra. Nhà thơ là một từ mà người ta có thể sử dụng khi nói về người khác, nếu người ta ngưỡng mộ họ đủ. Nếu ai đó hỏi tôi làm nghề gì, tôi sẽ nói tôi là một nhà phê bình, hoặc một nhà sử học...".
Như vậy rõ ràng ông đã nói về công việc của mình một cách vừa khiêm tốn, vừa kiêu hãnh bậc nhất. Và mệnh đề "Thơ" và vai trò của "Nhà Thơ", không có đối thủ và hình như, đã vượt lên trên tất cả như tôi đã phân tích ở trên. 
Một trong những bài thơ hay mà Huỳnh Phan Anh đã chuyển ngữ như "một giọng nói khác".

MỘT GIỌNG NÓI KHÁC - UNE AUTRE VOIX 

Em giữ tóc hay tro của Phượng hoàng
Cử chỉ nào em thử phác ra khi tất cả dừng lại

Và khi nửa đêm trong vật thể soi sáng những chiếc bàn?

Dấu hiệu nào em giữ lại trên đôi môi bầm đen của em
Lời nói thả hại nào khi tất cả lặng im

Que củi cuối cùng còn cháy khi lò lửa ngập ngừng và đóng lại?

Tôi sẽ sống trong em, tôi sẽ tước đoạt trong em
Mọi ánh sáng

Mọi hiện thân, mọi cản trở ngầm, mọi luật lệ

Và trong khoảng trống, nơi tôi nâng em lên, tôi sẽ mở ra
Con đường sấm sét

Hoặc tiếng thét vang dội vật thể chưa thử bao giờ

Nếu đêm này khác với đêm
Em hãy hồi sinh, tiếng nói xa xôi, lành thánh
Em hãy đánh thức
Thứ đất sét chắc nhất nơi hạt đã ngủ
Em hãy nói: tôi chỉ còn là vùng đất khát vọng
Cuối cùng đây là những từ của bình minh và mưa
Nhưng hãy nói tôi là vùng đất thuận lợi
Hãy nói còn chăng một ngày vùi lấp

Yves Bonnefoy

(Huỳnh Phan Anh dịch - NXB Hội nhà văn 1999)

***

Thư của nhà thơ Yves Bonnefoy (Pháp) gửi cho dịch giả Huỳnh Phan Anh (tư liệu của TS, dịch giả Nguyễn Duy Bình)

Tiểu sử của thi sĩ hiện đại Yves Bonnefoy có thể tóm tắc như sau. Ông sinh năm 1923, là một nhà thơ và nhà sử học nghệ thuật người Pháp. Ông đã xuất bản một số tác phẩm, đáng chú ý nhất là tập thơ "Về chuyển động và bất động của nhân đôi" (Du mouvement et de l'immobilité de Douve) vào năm 1953. Đây là thi phẩm như ông trả lời báo chí "tôi tìm được tiếng nói của mình và được chú ý". Trước đó ông chuyển dịch các vở kịch của William Shakespeare được coi là một trong những tác phẩm hay nhất bằng tiếng Pháp. Ông là giáo sư tại Collège de France từ năm 1981 đến năm 1993 và là tác giả của một số tác phẩm về nghệ thuật, lịch sử nghệ thuật và các nghệ sĩ bao gồm Miró và Giacometti , và một chuyên khảo về nghệ sĩ Iran Farhad Ostovani ở Paris. Bonnefoy được giới nghiên cứu phê bình đánh giá "là nhà thơ Pháp quan trọng nhất của nửa sau thế kỷ 20". Một đặc biệt khác của phong cách thơ Bonnefoy là ông quan tâm đến việc khai triển từ sự đơn giản đến khó hiểu của từ vựng. Từ đối với ông là sinh mệnh và quyết định việc thành công hay không của một bài thơ. 


Bìa Tuyển thơ Yves Bonnefoy do dịch giả Huỳn Phan Anh chuyển ngữ - Nxb Hội Nhà Văn. 

Thật thú vị trong quá trình chuyển ngữ thơ của một thi sĩ lớn mà khi ông qua đời, tổng thống François Hollande đã tuyên bố nhà thơ đã "nâng tầm ngôn ngữ của chúng ta lên mức độ chính xác và vẻ đẹp tuyệt vời" thì giữa dịch giả Huỳnh Phan Anh và Yves Bonnefoy thường xuyên trao đổi thư từ cho nhau. Qua dịch giả Nguyễn Duy Bình tôi đã có trong tay lá thư của thi sĩ. Tình bạn giữa họ vô cùng đẹp đẽ. Thật đáng trân trọng và kính trọng...

(Còn tiếp)

Sài Gòn, Tòa soạn DDVN, thứ Bảy, 5.9.2020 
Nguyễn Hữu Hồng Minh