VĂN HÓA

Khám phá văn hóa Kawaii Nhật Bản đang gây sốt tại Mỹ

Nguyễn Hậu • 04-08-2023 • Lượt xem: 1601
Khám phá văn hóa Kawaii Nhật Bản đang gây sốt tại Mỹ

Người Nhật dùng Kawaii để nói về sự ngây thơ, trong trẻo, đáng yêu mang tính tích cực. Ở Nhật Bản, Kawaii được xem là một nét văn hóa. Vì vậy hầu hết các món đồ sản xuất tại đây đều mang một dáng vẻ dễ thương.

Mỗi khi trông thấy một thứ gì xinh xắn đáng yêu người Nhật sẽ thốt lên Kawaii. Từ này đã trở nên thông dụng đối với người Nhật và xuất hiện từ khoảng hơn 1.000 năm trước. Theo tài liệu lịch sử ghi chép lại thì Kawaii xuất phát từ một từ cổ là Kaohayushi – 顔 映し sau đó bị biến thành Kawayushi – かわゆし. Từ năm 1336 - 1573 thời Muromachi, từ Kawayushi – かわゆし được chuyển thành Kawaii có ý nghĩa là dễ thương và đáng yêu như hiện nay.

Ẩm thực mang phong cách Kawaii.

Trong một nghiên cứu đến từ Đại học Hiroshima thực hiện một số thí nghiệm trên sinh viên. Kết quả những sinh viên sau khi xem những hình ảnh dễ thương của chó con và mèo con có khả năng tập trung tăng lên, do vậy hiệu suất làm việc tăng lên. Dựa vào kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã ủng hộ sử dụng những đồ vật và hình ảnh dễ thương vào không gian làm việc để tăng năng suất lao động của nhân viên. Các nhà sản xuất Nhật Bản đã khéo léo kết hợp văn hóa Kawaii vào sản phẩm để thu hút khách hàng mọi lứa tuổi. Văn hóa Kawaii xuất hiện trong mọi lĩnh vực từ chữ viết tay, vật phẩm, phong cách thần tượng, phong cách sống, phong cách thời trang, ẩm thực...

Thời trang phong cách Kawaii.

Sebastian Masuda, một nghệ sĩ người Nhật Bản, người góp phần hình thành khái niệm Kawaii. Anh đã thu hút được sự chú ý khi mang văn hóa Kawaii ra thế giới. Sebastian Masuda chuyển đến New York sinh sống vào năm ngoái khi nơi này vẫn chìm trong sự ảm đảm của đại dịch Covid-19. Anh mong muốn người dân thành phố sẽ vui vẻ lên bằng cách làm cái gì đó mà họ chưa bao giờ được thấy nên đã mở một nhà hàng đầu tiên tại Mỹ. Anh cho biết: "Tôi không thấy có nhà hàng Nhật Bản nào ở New York lấy cảm hứng từ văn hóa đại chúng. Vì vậy, tôi đã mang những nét văn hóa mới nhất của Nhật Bản từ Tokyo đến với New York".

Nghệ sĩ Sebastian Masuda - chủ nhà hàng Sushidelic.

Mèo phong cách Anime.

Không gian bên trong Sushidelic.

Giữa một rừng nhà hàng ở New York đều giống nhau và không có gì mới. Vì thế nhà hàng của anh đã tạo nên một điều mới lạ ở đây. Nhà hàng có tên là Sushidelic vừa mới mở cửa lần đầu tiên vào ngày 28/6 nhưng có danh sách khách chờ lên tới hơn 3.000 người. Dự kiến nhà hàng sẽ cần nhiều tháng mới có thể đón khách không đăng ký trước. Tại nhà hàng Sushidelic, anh Masuda đã kết hợp đồ ăn Nhật Bản với các màu sắc và hình tượng đáng yêu từ băng chuyền màu hồng tươi sáng, ánh đèn neon đầy màu sắc, những món đồ trang trí với nhiều hình dáng khác nhau như những chú mèo theo phong cách Anime, những thỏi son môi treo trên trần nhà... tất cả đều toát lên phong cách Kawaii.