Thói quen đôi khi là chỉ dấu cho thấy dẫn đến tật xấu. Những câu như "rung đùi mà hát" hay "rung đùi ta uống" lưu truyền trong dân gian, sinh hoạt hàng ngày không thiếu. Nhưng khảo sát kỹ như giáo sư, tiến sĩ Triết học Nguyễn Hữu Liêm trong bài viết "Khi đàn ông Việt rung đùi" gửi đến DDVN thật nhiều bất ngờ, thú vị. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Tin và bài liên quan:
Nguyễn Hữu Liêm và 'Phác thảo về một triết học cho lịch sử thế giới'
Nguyễn Công Khế: Những quả trứng gà quê
‘Triết gia nhà quê’ thành công với ‘Cám dỗ Việt Nam
Lần tới, khi bạn bước vào một nhà hàng, hay vào một phòng họp, hay lớp học, phòng đợi, mời bạn chú ý đến mấy cặp giò của đàn ông Việt Nam chúng ta. Chân đàn ông thì chẳng có chi lạ mà dòm. Chỉ có một cái lạ là đàn ông Việt Nam chúng ta hễ ngồi xuống là rung chân lên bần bật như mấy cái lò xo. Họ đặt cả cánh tay lên đùi để cho nhịp rung được chuyển lên toàn thể thân - và họ tha hồ mà nhịp thật nhanh như là những cái đuôi rắn rung chuông khi bị khích động.
Rung đùi là một cái thú của bọn tiểu nhân. Đã có nhiều nghiên cứu viết như vậy.
Cái tật rung đùi này đã từng được nói đến từ lâu trong văn chương nhân gian. Nó là một cái thú thuần thân xác để tạo nên một trạng thái tâm thần thoải mái trong khi đang rảnh rỗi. Nhưng hơn thế nữa, nó là trái ớt cay, một vị chanh, một tách trà của cung nhịp. Có người rung đùi nhiều, có người rung ít. Bữa trước tôi đi nghe đại nhạc hội, ông bạn ngồi nghe Khánh Hà hát nhạc đau lòng, tỉ tê, chậm rãi, thế mà hắn cứ rung chân lên bần bật, đến nỗi tiếng vải quần nghe xạt xạt rõ mồn một. Tôi gõ vào cái đầu gối anh bạn, anh hỏi tôi là gì thế, tôi nói nhỏ là rung đùi ít lại vì sợ người ta tưởng là đang động đất. Hắn cười, ngồi im được nửa phút, rồi lại rung nữa, lần này càng nhanh hơn, như là để bù trừ. Cái lạ là anh bạn rung đùi trật nhịp. Ngón tay trỏ của hắn thì nhịp nhẹ nhàng theo tiếng hát Khánh Hà, người hắn ngồi thoải mái, im lặng, con mắt nhìn đăm chiêu như là cùng rơi lệ theo tiếng nhạc - nhưng cái đầu gối và cả cái giò bên phải cứ rung lên như là bị điện giật, như là đang nghe nhạc rap kích động vậy.
Có chàng Việt Nam khi đã lên giường ngủ, nhắm mắt giỗ giấc mà đùi vẫn cứ rung. May mà ba tấm nệm càng ngày bọn Mỹ hay Tàu nó càng làm cứng lên mới chịu đựng nhịp rung đùi của các ông. Và nhất là khi đang ăn, nhất là ăn phở hay bún, khi đàn ông ngồi trên cái ghế đẩu bên gốc cây, là vừa hút nước soạt soạt, vừa ngồm ngoàm nuốt bún dài lòng thòng, vừa rung đùi bần bật. Ăn thịt chó, uống rượu đế trên chiếc chiếu thì lại càng rung chân dữ nữa. Không biết là cái ăn là chính - hay là ngược lại, cái rung đùi là chính? Có người ngồi tụng kinh cũng rung đùi, và ngay cả đang thiền cũng rung đùi. Tôi nghĩ rằng người đàn ông Việt Nam khi bắt đầu học thiền, đừng có quán tức (theo dõi hơi thở) mần chi. Cứ theo dõi cái đầu gối xem nó có rung hay không là điều quan trọng nhất.
Có lần một chàng sinh viên Việt Nam, hồi lúc mới qua Mỹ năm 1975, đang ngồi học trong lớp hàng ghế phía trước, hắt xì một cái thật là to, chảy nước mắt, nước mũi ra, xong rồi rung cái đùi lên như trúng phong. Ông giáo sư người Mỹ hoảng hốt kêu xe ambulance cấp cứu vì tưởng là anh ta bị nhồi máu cơ tim. Có một chú rể đang đứng bên cô dâu nghe linh mục làm thánh lễ, vừa làm dấu thánh giá, vừa rung đùi. Nhất là mấy ông bác sĩ Việt Nam, vừa khám, vừa giải phẫu bệnh nhân, vừa rung đùi. Mấy ông nha sĩ cũng rứa luôn. Luật sư vừa tranh biện cũng vừa rung đùi. Còn các kỹ sư sửa xe hơi nữa kia. Vừa nằm dưới gầm xe lem luốc, mồm thì ngậm thuốc lá, đầu óc thì đang tưởng tượng vọng cổ Bạch Thu Hà em ơi, chân lại cũng cứ rung lên như là máy bị rạc ga. Ôi chao đời sao mang đến nỗi nhiều cung điệu thế kia!
Tôi thấy cái chuyện rung đùi của người Việt cũng lạ, thế mới bèn thắp hương, đèn, cầu thần, thánh với một bà lên đồng. Khi bà ta đã lên, bà không còn là bà, mà là một cơ năng cho một kiến thức và tiếng nói từ cõi khác. Bà ta nói giọng đàn ông lớn tuổi và khi tôi hỏi bà về chuyện này, bà cười to, và trả lời, ôi cậu ơi, sao mà cậu ngu thế, rung đùi là "run" đùi thế thôi. Tôi nghiêm nghị yêu cầu bà ta suy diễn ra, vì thực chất thì mọi chuyện nhỏ ở thế gian này đều có thể nghĩ đến một căn cơ nào đó. As above so below. Thân xác và tâm ý này là một tiểu vũ trụ. Nếu cung điệu của thân xác mình mà không ổn thì còn mong chuyện chi khác.
Này nghe, bà ta trả lời, với giọng đàn ông nghiêm trang trở lại, con người ở tầm mức thế gian thì có ba phần: thân xác, tình cảm và trí thức. Mỗi phần đều muốn làm vua của cái quốc vương này. Thằng thân xác thì đòi ăn, đòi ngủ, đòi khoái lạc. Thằng tình cảm thì thích cái xúc động của nó. Còn thằng trí thì ưa suy nghĩ, tưởng tượng. Khi người ta rung đùi là vì cái cảm tính nó đang tràn đầy mà thân thể và trí óc không thỏa mãn được nó. Nên nó mượn cái thân, cái đùi, để giải hóa cái năng lực cảm tính đó thôi. Tại sao? Vì khi đó, cái trí nó đang tưởng tượng một cái gì khác với cái khung cảnh của thân thể đang cư trú, cái cảm xúc thì đang bị mất kiên nhẫn, hay là đang bị khích động. Khi rung đùi là lúc cái thân nó để cho cái năng lực cảm tính vay mượn. Và cái đùi cũng là cái cơ năng giải hóa cái bất an của cơ thể và tâm lý. Người bình an là người có chân gối vững chắc, yên ổn, không rung động. Khi đi đứng, khom, cúi, cái khớp xương đầu gối chịu đựng nhiều nhất. Bởi vậy nên người Quảng Trị gọi cái đầu gối là cái "trục cúi."
Đôi khi rung đùi là một tình trạng "tranh luận trật đề"
Bà nói tiếp. Rung đùi là sự thể bất đồng của ban nhạc thân, tâm. Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược là thế - cái tình hình mất cung nhịp và đang kinh qua mâu thuẫn nội tại của tâm hồn. Người rung đùi nhiều là con người bất nhất, mất quân bình, và nói theo kiểu mấy kỹ sư thợ máy, họ bị "trật rơ". Trên thế giới có hai dân tộc có tật rung đùi, người Tàu và người Việt. Nhưng người Tàu thí ít lắm. Còn người Việt chúng ta, phải nói là đại đa số. Giới phụ nữ Việt, dù ít hơn, cũng rung đùi bạo chi. Chắc là vì các bà bắt chước các ông.
Tôi suy diễn theo. Thì ra rung đùi là một tình trạng "tranh luận trật đề". Người ta thì nói một đàng, chàng thì tràng một nẻo. Người Việt ta hễ không tranh luận thì chớ, chứ đụng đến là lạc đề. Người ta viết và nói hầu hết từ cảm tính. Người Việt mình còn phí cái năng lực của đầu óc nhiều lắm - tức là lười biếng suy nghĩ. Cứ trật đề. Nhìn đâu cũng thấy chuyện không ăn khớp, lung tung, vô nghĩa.
Tuy nhiên, tranh luận ở đây không có nghĩa hẹp ở chỗ ngôn ngữ, viết lách - mà là mâu thuẫn thân, tâm, ý trong cái vương quốc hiện hữu của từng cá nhân. Nó giống như là hình ảnh của một cỗ xe ngựa. Cỗ xe là thân, con ngựa là tình, và trí óc là người điều khiển. Cả ba chả ai chịu nghe và chấp nhận ai. Xe thì rời rạc, yếu đuối; ngựa thì bất kham, lung tung; kẻ lái xe thì cứ chìu theo ngựa, mê ngủ, say đắm tham dục, và bị mù. Mỗi cái cứ đi theo cái nhịp tự động, máy móc của mình, không dính dáng gì đến chủ đích của chuyến đi cần định hướng. Cỗ xe ngựa này cứ chạy lung tung cho đến khi kiệt sức và suy gục dưới vũng bùn. Trong Kinh Tân Ước, cái mâu thuẫn và lạc lối của cỗ xe này được gọi là "missing the Mark" - là tội lỗi. Vì không biết điều nhịp thân tâm, con người có mắt mà cứ như mù, có tai mà cứ như điếc, có thân mà cứ như là bại liệt. Cũng có thể gọi vấn đề này là một người đang tranh luận, tức là cuộc đời, bị "missing the point - trật đề".
Đàn ông thường rung đùi nhưng lúc thích thú đàn bà có khi cũng rung chân
Gurdjieff, một đạo sư gốc Hy Lạp, cho cái bệnh "trật đề" khởi đi từ tình trạng "máy móc" (mechanicalness) của con người. Ông nói: "Man as man is now, he cannot do. Things are being done - automatically and mechanically. Everything just happens. No one wills or does anything." (Con người như là con người bây giờ, hắn chẳng làm gì được cả. Mọi việc cứ đến một cách tự động và máy móc. Nó cứ xảy ra mà thôi). Theo ông thì con người ta mang cái ảo tưởng to lớn và căn bản rằng họ có thể làm việc này, chuyện kia. Thực chất thì ngược lại. Không ai làm gì cả. Vì nhân loại hiện nay là một tập thể của những chiếc máy hoàn toàn bị tác động từ bên ngoài. Họ là những robots toàn diện. Cho đến khi con người ý thức được điều này, thì tất cả đều sống những cuộc đời "trật đề" và vô nghĩa.
Hay nói gần ra một tí, cho đến khi đàn ông Việt Nam biết đến cái tật rung đùi máy móc, tự động của mình nhằm đem cái thân của mình - khi nói, khi viết - dưới sự kiểm soát của tâm và ý, đứng ngồi ngay ngắn, nghiêm chỉnh, thì phần lớn chúng ta đều đang bị lạc đề và trật rơ - từ thân, tâm đến tư tưởng và cuộc đời.
N.H.L