Tình trạng sử dụng phải nguồn thực phẩm không an toàn gây nên các vấn đề về sức khỏe và nặng nhất là ngộ độc thực phẩm đang trở thành mối lo lớn được quan tâm. Trong đó, ngộ độc do vi khuẩn Salmonella, tác nhân của hàng loạt vụ ngộ độc tập thể trong những năm gần đây khiến nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng. Đơn cử là vụ việc ngộ độc tập thể tại Trường iSchool Nha Trang dẫn đến 387 học sinh nhập viện theo dõi điều trị.
Cụ thể, sau bữa ăn cơm trưa tại trường học, 387 em học sinh của trường iSchool Nha Trang bắt đầu xuất hiện các triệu chứng và được tức tốc đưa đến bệnh viện để kiểm tra. Thông qua kết quả phân lập xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, Sở Y tế Khánh Hòa kết luận nguyên nhân chính là do vi khuẩn Salmonella.
Thông tin từ Viện Y học ứng dụng Việt Nam, triệu chứng thường gặp nhất khi nhiễm phải vi khuẩn Salmonella là tiêu chảy, co thắt dạ dày, nôn ói, sốt, mất nước (khô miệng, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi). Thời gian tiến triển từ 1 đến 3 ngày sau nhiễm thì khởi phát. Đối với trẻ sơ sinh, người già và những người có hệ miễn dịch kém thì quá trình mất nước diễn ra nhanh hơn, thậm chí chỉ trong 1 ngày là tử vong. Do đó, bệnh nhân cần được nhập việc giải quyết bù điện giải kịp thời để tránh co giật hoặc truyền tĩnh mạch nếu cần thiết. Bên cạnh đó cần có chế độ ăn riêng biệt với các loại thực phẩm tiêu hoá nhanh, tuyệt đối tránh các nhóm từ sữa.
Thời gian điều trị cũng như theo dõi theo phương thức sử dụng kháng sinh thường sẽ diễn ra trong 7 ngày. Nhưng đối với các trường hợp gặp biến chứng thì cần lâu hơn. Bên cạnh đó, khuẩn Salmonella còn nhiễm bệnh lan sang đến các bộ phận như máu, khớp, xương… có thể gây suy đa tạng và nhiễm trùng máu.
Các loại thực phẩm giàu đạm như thịt bò, thịt lợn, các loại gia cầm, sữa, lòng đỏ trứng sống, sữa chưa qua tiệt trùng, rau củ quả bị ô nhiễm hoặc thức ăn mang sẵn mầm bệnh được xem là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn Salmonella sinh trưởng. Nếu thực phẩm giàu protein không được bảo quản đúng cách rất dễ dẫn đến phát sinh lây lan. Tốt nhất nên bảo quản ở tủ lạnh với nhiệt độ âm lạnh để ngăn ngừa hiệu quả. PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất thường đến từ các bếp ăn tập thể do đến từ việc bảo quản chung lượng một thực phẩm lớn. Nếu một nhóm nhiễm bệnh sẽ nhanh chóng lan sang cả khối khác. Chẳng hạn như lây qua dụng cụ cắt, xử lý thực phẩm bị nhiễm Salmonella.
Con đường lây nhiễm vi khuẩn Salmonella bắt nguồn từ việc rời khỏi cơ thể qua phân của vật chủ, sau đó truyền ra môi trường và lần lượt nhiễm sang vật chủ mới với tốc độ nhanh chóng. Do đó rửa tay không đúng cách sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các vật nuôi trong nhà rất dễ gặp phải trường hợp nhiễm phải khuẩn này.
Theo các khuyến cáo từ bác sĩ, biện pháp tránh nhiễm khuẩn chủng Salmonella hiệu quả và đơn giản nhất đến từ việc luôn đảm bảo tuân thủ ăn chín uống sôi. Rửa tay thật kĩ bằng xà phòng trước khi chế biến các loại thực phẩm, sau khi chạm vào thịt sống, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó, để đề phòng lây nhiễm chéo nên vệ sinh dụng cụ bếp kĩ càng. Không chủ quan để các loại thịt vừa mua về hay thực phẩm vừa dùng xong còn thừa ở nhiệt độ thường ngoài môi trường mà cần cho vào tủ lạnh. Mặt khác, đối với thực phẩm dự trữ muốn dùng lại khi lấy từ tủ lạnh ra thì phải nấu lại trước khi sử dụng và không để quá 4 giờ đồng hồ. Cần cẩn trọng khi ăn tại các hàng quán lề đường, ưu tiên chọn những nơi đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ, tránh ẩm thấp.