Duyên Dáng Việt Nam

Kỳ bí hồ nước 50.000 năm chuyển sang màu hồng

Kim Ngân • 19-06-2020 • Lượt xem: 658
Kỳ bí hồ nước 50.000 năm chuyển sang màu hồng

Những ngày qua, nhiều du khách thích thú khi hồ Lonar ở bang Maharashtra, Ấn Độ đột nhiên chuyển từ xanh sang màu hồng. Trước đây, hồ nước 50.000 năm tuổi này cũng từng đổi màu nhưng không có màu hồng rõ rệt như năm nay.

Tin, bài liên quan:

Hòn đảo đổi màu xanh sang xám sau khi núi lửa phun trào

'Thủy triều đỏ' khiến bãi biển phát sáng màu xanh kỳ ảo

Vũng nước nguyên sơ hàng nghìn năm tuổi trong hang động

Các chuyên gia tin rằng hồ Lonar đổi màu có thể là do độ mặn trong nước tăng lên, hoặc do sự hiện diện của tảo và cũng có khả năng là sự kết hợp của cả hai yếu tố này, tương tự như sự đổi màu của các hồ Great Salt hoặc Hillier ở Úc.

Gajanan Kharat, một nhà địa chất địa phương, cho biết trước đây, điều này đã xảy ra nhưng không nổi bật. Ông nói: “Nó có màu hồng rõ rệt trong năm nay vì độ mặn của nước đã tăng lên. Lượng nước trong hồ đã giảm và hồ trở nên cạn hơn, do đó độ mặn đã tăng lên khiến màu nước thay đổi”.

Kharat nói rằng các nhà nghiên cứu cũng đang điều tra xem có phải do nước hồ có tảo đỏ nên mới thay đổi màu sắc hay không. Các nhà khoa học đã thu thập các mẫu nước từ hồ để nghiên cứu, xác định nguyên nhân hồ đổi màu. Tuy nhiên, nhiều khả năng, đó là do một loại vi sinh vật phát triển mạnh trong nước có nồng độ muối cao.

Hồ Lonar trước khi đổi sang màu hồng

Tương tự như hồ Hillier ở Úc, được cho là có màu sắc từ Halobacteriaceae, một loại vi sinh vật màu hồng phát triển mạnh trong nước có độ mặn cao. Hồ Hillier cũng có một loại tảo đơn bào Dunaliella salina, khi điều kiện nước thuận lợi, D. salina có màu xanh nhưng trong điều kiện căng thẳng, chẳng hạn như độ mặn cao hoặc lượng ánh sáng cao, tảo tạo ra các chất bảo vệ có màu đỏ cam. Tuy nhiên, nước hồ Hillier có màu hồng liên tục và không thay đổi trong một vài ngày. 

Hồ Hillier ở Úc có màu hồng liên tục không thay đổi

Hồ Lonar còn được gọi là miệng núi lửa Lonar nằm ở bang miền trung Maharashtra của Ấn Độ, cách siêu đô thị Mumbai khoảng 500 km về phía đông. Hồ có đường kính khoảng 1,2km, sâu khoảng 150m, được hình thành sau một vụ va chạm thiên thạch khoảng 50.000 năm trước.

Đây là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng thế giới và đã được các nhà khoa học trên toàn cầu nghiên cứu. Theo đó, một số khoáng chất trong hồ Lonar giống với một số thành phần trong đất đá mà tàu Apollo mang về từ Mặt trăng.
 

(Theo CNN, The Hindu)