VĂN HÓA

Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 1)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 28-11-2019 • Lượt xem: 11049
Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 1)

Kim Cương là một trong những tên tuổi chói sáng của sân khấu miền Nam. Bà cũng là người xây dựng, sáng tạo, viết rất nhiều kịch bản cho đoàn Kim Cương một thời. Đang ở trên tột đỉnh vinh quang, bất ngờ Kỳ nữ rút lui vào lặng lẽ. Bà trở về sống thức tỉnh, an lành với triết lý Phật giáo và làm từ thiện giúp cho biết bao cuộc đời cơ nhỡ… Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh tình cờ gặp lại Kỳ nữ qua câu chuyện con chó có Phật tính…

Tin, bài liên quan:

Bùi Giáng, gã cuồng khấu nhân gian

Hàn Cung Thương, thơ hạt lệ nhớ quê hương

Nghệ sĩ Kim Cương khó thở, bị nhồi máu cơ tim

Cuộc đời chưa bao giờ là một hành trình bằng phẳng.

Khoảng giữa tháng Tám năm ngoái, tôi bị rơi vào một trạng thái rất kỳ lạ. Gần như tâm thế bất an, chẳng thể trụ được một điểm, cứ bàng bạc canh cánh những lo âu. Tôi tạm thu xếp gánh nặng thường nhật để tìm cách điều trị cho mình. Có lẽ vì cuộc sống bon chen cơm áo căng thẳng quá chăng? Nghỉ ngơi thời gian thử xem những loạn động có an yên?

Kỳ nữ Kim Cương hồi trẻ

Để trong thời điểm này tôi gặp Kỳ nữ Kim Cương và con chó có Phật tính. Nhưng có lẽ phải bắt đầu câu chuyện trước đó một chút.

***

Tại sao chúng ta đang sống tốt bỗng có lúc nhận thấy mọi thứ không có ý nghĩa gì và hoàn toàn trống rỗng? Mà cũng không có biến cố gì lớn! Chỉ tình cờ một buổi sáng ngủ dậy bỗng thấy mọi thứ, mọi lập trình đã khác… Gần đến cột mốc tuổi năm mươi con người chín chắn hơn hay mạo hiểm hơn?

Thời gian phiền trược đó, tôi quyết định dừng lại mọi công việc. Bởi tôi thấy thân tâm như một cỗ xe chạy mãi, rời rạc, đau nhức, không điểm đến và vô đoán định. Nếu không cẩn thận tôi sẽ chết trên đường thiên lý vô tận và bốc cháy thành tro bụi. Tôi cũng không rõ mình đang tìm kiếm lý lẽ gì nữa? Những lạc thú chỉ còn ám ảnh đau nhức khô hạn.

Tôi thường đến chùa ngồi một mình đọc sách. Những hoạt động liền lạc nối tôi với đời sống lúc đó đã đứt đoạn. Chỉ còn dấu vết khá mơ hồ là tôi cần phải sửa chữa cho xong một bản thảo cuốn sách viết về âm nhạc dang dở. Và công việc hoàn tác rất khó khăn. Gần như không thể tập trung. Nhiều ngày tôi chỉ viết được một, hai dòng và chi chít những nét gạch xóa. Tôi nhìn vào những chỗ gạch xóa trong bản thảo như một vết thương của thực tại mà mình không còn cách nào khác phải chiến đấu để hoàn thành.

Bấy giờ công việc đọc và chú tâm đến Thiền học lôi cuốn tôi hơn. Tôi thấy rõ mình chỉ là một kẻ tình cờ đến nơi này, rong chơi “quên nguồn cội” theo cách nói của Trịnh Công Sơn. Cõi này không thực, chỉ là “trú xứ”; và tôi chủ ý tìm đọc nhiều tác phẩm liên quan đến Thiền. Một số cuốn như “Dòng sông thanh tẩy” của Krishnamurti giúp tôi lắng lòng lại, thanh lọc những cuồng nộ bốc đồng ồn ào. “Hành trình về phương Đông” của giáo sư Spalding cảnh giới, định lại cho tôi điểm của tâm, “Đạo của vật lý” của F.Capra, “Cái vô hạn trong lòng bàn tay”… và nhiều trang khác của Trịnh Xuân Thuận cũng như vài tác giả khác giúp tôi “ngộ” hay đã mở ra, không còn đóng lại để tri thức văn hóa nối kết, tự chữa lành thành một thông lộ. Chúng ta chỉ là những ốc đảo vô vàn nhỏ bé với đầy đủ sân hận. Nếu giải chấp, tâm hồn không còn những khu vực tối tăm u buồn mà chảy về phía ánh sáng của chân lý đại dương.

Một số tác phẩm của Bùi Giáng: “Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại”, "Sương Bình Nguyên", Con đường ngã ba"...

Sống và chết cũng không khác. Là hai mặt của vấn đề, là cuộc sống. Thế giới, vì vậy đã trở nên hài hòa hơn, phẳng hơn và do đó, nhân văn hơn. Như những tàng thư, mật khải bí huyền lẻ lạc từ các giao điểm Tây và Đông tìm gặp được nhau. Cái hiện đại và cái cổ xưa đan quyện. Khoa học và minh triết giao hòa. Tôi nghĩ chỉ trong cảnh giới bưng thức im lặng tâm của mỗi người lắng lại mới thấy ánh sáng đó. Nó như những hạt bụi sáng. Mà cũng chính là những hạt vàng ròng giúp cân định.

Và tôi đã đọc lại Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Văn Trung, Kim Định… Và tôi thấy ở Bùi Giáng bay lượn, chấp giới trên tất cả với “Tư tưởng hiện đại”, “Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại”, “Sao không là không có triết học Heidgger”?... thật ta bà, khinh khoái, Trung niên thi sĩ, Bùi Bàng Dúi, Vân Mồng, Bùi Văn Bốn, Đười ươi thi sĩ… một mà hai, hai mà trong muôn một chính là hiện tượng thơ và đạo. Quấn quít, bao biện, uyển chuyển xuất nhập. Đặc biệt, trong những tư liệu tôi đọc thấy, Bùi tiên sinh có một cuộc tình với một người đẹp có tiếng và nổi tiếng thời đó: Kỳ nữ Kim Cương. Thật lòng là tôi không tin. Làm sao lại có thể có một cuộc tình lạ lẫm và chênh lệch như vậy? Tôi rất muốn một lần được gặp Kim Cương để hỏi thăm một lần chuyện tình này xem sao? Nhưng biết cơ duyên nào và sẽ gặp ở đâu?

Thi sĩ Bùi Giáng có một cuộc tình lớn với Kỳ nữ Kim Cương

Vậy mà “cầu được ước thấy”! Cuộc đời kỳ lạ như thế! Một cuộc hội ngộ mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới...

Duyên lành hay Bùi thi sĩ về báo mộng chăng?

***

Duyên khởi nữa là do thời gian tịnh dưỡng đó cuối tuần tôi thường đi ra ngoại thành Sài Gòn để tới một ngôi chùa mới xây. Chùa nằm trong ấp Cây Da thuộc Củ Chi. Đường đi xa lắc mêng mông. Và thường thì ra khỏi địa phận quận 12, tôi cảm giác đang lạc vào đồng quê, không còn chút gì phố thị. Cảm giác tâm hồn như có cánh bay lên thơi thới và nhẹ nhõm. Hình như đã quá lâu chúng ta sống trong một thế giới biệt lập đầy ốc đảo. Mà sự khu biệt đó chính từ không gian chung cư lô nhô cao tầng và quây kín rào chắn vô hình từ những tiếng động ồn ào thành phố.   

Một góc vườn chùa Cây Da Củ Chi chụp tháng 9/2018 (Ảnh: Hoàng Thu An)

Sư trụ trì chùa là sư thầy Thích Viên Anh. Ông là một nhà sư đáng kính trọng. Tuy còn khá trẻ nhưng văn võ song toàn, trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Đặc biệt khả năng thấu thị nhìn người của ông. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Phật học ở Ấn Độ, ông trở về một mình hay bàn tay trắng gầy dựng xây chùa. Ông tự vẽ kiến trúc, tính toán mọi việc và kêu thợ làm. Sư cũng lăn xả vào cùng thợ thầy bốc gạch, khuân hồ. Hai bàn tay sư ít chịu nghỉ ngơi, lúc nào cũng đầy bụi cát. Khuôn mặt chữ điền râu quai nón sạm đi vì nắng lửa trên đất thép. Chỉ có nụ cười sư vi diệu, tự tin, chân thành và độ lượng. Vì kinh phí rất hạn hẹp, nhờ vào lòng thiện tâm thành đạo của bá tánh nên chùa dần dần hình thành. Khu đất cũng được mua nới rộng từng chút. Với một kiến thức uyên bác, chùa Cây Da tuy hiện đại vì mới xây nhưng đẹp như một ngôi chùa cổ.

Mái hiên và cửa sổ chùa Cây Da Củ Chi (Ảnh: Lê Nho Quế Sơn)

Tại chùa Cây Da – Củ Chi, một chiều mưa, tôi viếng, đã viết nên bài thơ “Kinh mưa hay tiếng hát thiên thanh” để tặng sư thầy Thích Viên Anh. Bài thơ tứ tuyệt như sau:

Ở chùa nghe mưa như nghe kinh

Phật trong tượng đá cũng rùng mình

Thân ba nghìn cõi soi qua nước

Cưỡi bóng mà đi bỏ lại hình…”.

Sư thầy Thích Viên Anh trụ trì chùa Cây Da Củ Chi và tác giả (Ảnh: Hoàng Thu An)

Khi chùa vừa tạm xong, một hôm thầy nói với tôi: “Mai chúng ta đón khách quý”. Đó cũng có thể nói là một trong những khách hành hương đầu tiên ghé thăm chùa. Thật bất ngờ! Khi thầy Thích Viên Anh cho tôi biết rằng người khách quý ấy chính là Kỳ nữ Kim Cương, một ngôi sao huyền thoại của sân khấu miền Nam. Và tự nhiên tôi nhớ đến chuyện tình của Bùi Giáng với Kim Cương mà mình tình cờ đọc chỉ mới cách đây vài hôm. Nhưng tôi cũng không tránh khỏi thắc mắc, tại sao một ngôi chùa nhỏ xa xôi chỉ vừa mới xây xong mà Kỳ nữ danh tiếng như bà lại đến thăm viếng? Nếu đúng thật là Kim Cương thì duyên kỳ ngộ…

Và sự thật còn bất ngờ hơn cả tôi tưởng tượng. Kỳ nữ Kim Cương không chỉ đến một mình mà còn có cả con chó Phật tính…

(Còn nữa)