VĂN HÓA

Bùi Giáng, gã cuồng khấu nhân gian

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 26-11-2019 • Lượt xem: 7626
Bùi Giáng, gã cuồng khấu nhân gian

Thi sĩ Bùi Giáng là một hiện tượng độc đáo trong văn học nghệ thuật. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về sự nghiệp, tác phẩm của ông. Bài viết của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh đặt cách nhìn riêng hay thử dò tìm vài dấu vết mới trong thế giới ta bà huyền thoại lẫn huyền hồ của “Trung niên Thi sĩ”…

Tin, bài liên quan:

Tranh Bùi Giáng có chủ mới với giá 11.000 USD từ khởi điểm 4.000 USD

Hàn Cung Thương, thơ hạt lệ nhớ quê hương

Nhà thơ Dư Thị Hoàn ‘lối nhỏ’ giao lưu cùng bạn đọc

Xuân Quỳnh, tiếng thơ nghìn mảnh vỡ

Có những từ chỉ cần nhắc chữ là đọc nghĩa. "Người thơ" có lẽ bao hàm trong nghĩa "thi nhân". Nhưng "thi nhân" là từ Hán Việt, còn "người thơ" lại là một từ thuần Việt. Tôi còn có cảm giác từ "Thi nhân" đã mòn cũ hẳn đi kể từ khi nhà phê bình Hoài Thanh viết cuốn Thi nhân Việt Nam giới thiệu đưa ra một loạt những thi sĩ tên tuổi làm nên phong trào Thơ Mới. Từ ấy đến nay cũng đã xấp xỉ tròn thế kỷ. Chữ dùng nhiều cũng vẹt mòn. Chữ chuyên chở một dấu hiệu, một biểu tượng càng đóng khung bó hẹp nó trong một hàm nghĩa. Cũng như tầm quan trọng của Thơ Mới trong lịch sử phát triển thi ca Việt Nam là điều hiển nhiên, khó có thể phản biện nhưng việc kéo dài tầm ảnh hưởng nó qua nhiều thế hệ thơ Việt lại làm trì trệ, chậm lụt, thậm chí suy đồi, giảm hẳn tính sáng tạo, là một lực cản đáng phê phán cho những đường bay nghệ thuật. Bùi Giáng "người thơ" vượt ra khỏi những quy chuẩn có tính áp đặt ấy!

Nguyễn Hữu Hồng Minh bên di ảnh Thi sĩ Bùi Giáng trong một chương trình tưởng niệm "Trung niên Thi sĩ" ở TP.HCM, 9/2018​​​

Gọi Bùi Giáng là "người thơ" tôi muốn xác tín hai điều: Bản chất thuần Việt của thi ca, tác phẩm ông và tính cách dân dã, bụi bặm, "bùi bàng giúi", "búi bàng giùi", "vân mồng", "đười ươi thi sĩ" (1) gần gũi với quần chúng của ông. Trong lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại chưa từng sản sinh ra một trường hợp nào lạ lùng và độc đáo như vậy. Thơ với cuộc đời Bùi tiên sinh như đã được quán luận, được thực hành như một Đạo. Đạo Thơ. Hình ảnh còn lại của ông ngày nay được độc giả yêu thơ, yêu nghệ thuật khắc họa qua tranh, ảnh, thư pháp, điêu khắc… trên các chất liệu sơn dầu, mực tàu, rễ cây, rễ tre… lung linh tiềm ẩn một sức sống kỳ lạ. Nó cho thấy Bùi Giáng như một quan điểm, triết thuyết, một biểu tượng sống. Đôi lúc thấy ông ung dung, "nhi bất hoặc" giữa cuộc đời cũng như đôi khi cần thiết thì sẵn sàng tận hiến, đốt cháy bản thân mình, bày tỏ một thái độ. Đôi mắt với cái nhìn thẳng quắc thước không khoan nhượng vì sự thật và cái đẹp khiến ông như một Tế Điên hòa thượng hay Bồ Đề Đạt Ma trong điển cố.

Bởi thế, viết về Bùi Giáng thật khó. Nhiều giai thoại cuộc đời đã kể về ông cũng như sự cống hiến hết mình cho văn học, nghệ thuật thi ca của ông viết bao nhiêu cũng không đủ. Viết bao nhiêu cũng hóa thừa. Tôi tâm đắc lời dịch giả, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn khi ông nhận định về chuyện này: "Viết đôi lời hay nhiều lời về Bùi Giáng không bằng đọc Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giáng thì thật vui mà thật khó vậy!" (2).

Thi sĩ Bùi Giáng - Sơn dầu - Tranh họa sĩ Trần Thế Vĩnh

Sự nghiệp của Bùi Giáng tỏa rộng qua nhiều lĩnh vực, từ thơ, nghiên cứu phê bình, bình giảng, làm báo và dịch thuật. Nhưng có thể khẳng định thơ đã "can thiệp", xuyên suốt và xuyên thấu qua hết mọi địa hạt của ông. Nói cách khác, cái lõi của vấn đề Bùi Giáng là "lõi thơ". Không những Bùi Giáng dịch hay như làm thơ (tiêu biểu như các cuốn Cõi người ta, Hoàng tử bé (Saint Exupéry), Mùi hương xuân sắc (Gérard De Nerval), Hòa âm điền dã, Khung cửa hẹp, Trường học đờn bà (André Gide), Ngộ nhận (Albert Camus), Nhà sư vướng lụy (Tô Mạn Thù)... mà ông viết nghiên cứu cũng dào dạt mê cuồng như làm thơ (Tư tưởng hiện đại, Tuyển tập luận đề, Thi ca tư tưởng)... Sự "nhập đồng", thăng hoa ấy hiếm người có được!

Hãy thử khảo sát một vài đoạn trong các tiểu thuyết của André Gide, Gérard De Nerval "phổ" qua thơ của Bùi Giáng để thấy chuyện dịch thuật với ông là thân thuộc, biến hóa, là "ăn dầm nằm dề", "nhiễm sâu vào máu", ý vị, sâu sắc, gần gũi mà bay bổng thế nào. Cái thần kỳ của những câu lục bát: "Hỡi ôi! Quả thật là là/ Song trùng đao kiếm đẩy qua đún về/ Hở hang tồn lý ê chề/ Lẳng lơ chết lịm trận đề huề gieo/ Hỗn mang thị hiện ngặt nghèo/ Cung giây so lệch thu vèo sang đông" là cảm hứng của ông khi đọc đoạn văn tiếng Pháp "Je relis encore une fois tout le chapitre. C’est le depart d’une discussion infinite…"(3)

Bùi Giáng - Tranh họa sĩ Đinh Cường

Một đoạn khác, ca ngợi thân xác, đầy âm hưởng tượng trưng của thơ Bích Khê: "Hương ngây tội lỗi rải mơ màng/ Da thịt du dương của một nàng/ Đã luống đời xanh trên gối lục/ Linh hồn tĩnh dạ hận dư vang" từ tuyệt bút " Le tintement de la cloche du matin était encore dans mon Oreille et m’avait sans doute reveillé…"(4)

Và đây có thể xem là một bài thơ thể 6-8 toàn bích với gợi nhớ từ truyện Kiều của Nguyễn Du. Sức hấp dẫn của Bùi Giáng không chỉ khẳng định tài năng sử dụng ngôn từ uyên áo của mình mà ông còn thuộc rất nhiều thơ, nói cách khác, sẵn sàng cúi đầu lĩnh hội những cái hay, cái đẹp từ thơ của các bậc tiền bối đi trước. Một thái độ học hỏi, nghiêm cẩn, thành tâm rất hiếm thấy ngày nay của các nhà thơ trẻ: "Dư vang tiếng trống tiếng còi/ Rập rờn đầu liễu mộng hoài xanh buông/ Xa xôi thôn ổ ngậm buồn/ Thanh xuân gái dệt từng guồng hoa bay/ Còn nghe điệu hát nghiêng mày/ Sử xanh lần giở bên ngày phù du/ Tràng hoa thêu gấm khơi mù/ Dòng tuôn thúy lục xuân thu lên ngàn/ Ta về ngón lại dư vang/ Rồi mai ly biệt lên đàng nhớ nhung" là lúc cảm hứng xuất thần, không thể kiềm chế với bến bờ phù trầm từ Carnets của Albert Camus: "Le cor et le tambour résonnaient au loin dans les hameaux et dans le bois les jeunes filles tressaient des guirlandes et assortissaient, en chantant, des bouquets ornés des rubans…" (5)

Dẫn chứng như thế để thấy rõ ràng Bùi Giáng đã lấy "thi tưởng" để "quán" hết mọi lẽ trong hành động. Vì thế mới có những nhận định về Bùi Giáng theo kiểu như của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, đó là "ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ" (6).

Tác phẩm Mưa nguồn, tập thơ đầu tay của thi sĩ Bùi Giáng vừa được tái bản

Điều tôi quan tâm ở thơ Bùi Giáng cũng là thái độ về lẽ biến hóa, vô thường đó. Ông là người kết hợp được những lý lẽ uyên áo, trầm mặc của tinh thần Phương Đông với triết lý thực nghiệm, thực dụng của Phương Tây nên càng về cuối đời, thơ Bùi Giáng càng có những cuộc đảo lộn dữ dội về ngôn ngữ, lật nhào cả những hệ thống quan điểm thơ mà gần như cả một đời ông xây dựng. Từ cái thuở tinh khôi và căn nguyên như trong "Mưa nguồn" (7):

"Em về mấy thế kỷ sau 
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không? 
Ta đi còn gởi đôi dòng 
Lá rơi có dội ở trong sương mù."

Hay "Mùa màng tháng Tư" (8):

"Đã đi đã đến cuối trời 
Đã về như vẫn muôn đời đã đi"

Cho đến khi xóa sổ, tung hê hết:

"Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi 
Đi lên đi xuống đã đời du côn."

Triết lý trong cuộc chơi và kiếm tìm ngôn từ của Bùi tiên sinh cuối cùng chỉ còn lại mấy chữ "vui thôi mà!" cứ ngỡ rằng ai hiểu thế nào cũng được. Cao hơn, như Bồ Đề Đạt Ma giảng trong Tuyệt Quán Luận: "Vấn viết: Hà tâm chi tri? Hà mục chi kiến? Đáp viết: Vô tri chi tri, vô kiến chi kiến" (Vấn: Tâm nào thì hiểu được? Mắt nào thì thấy được? Đáp: Hiểu bằng vô tri, thấy bằng vô kiến). (9)

Nhưng theo ý tôi, "vui thôi mà" đó chính là khát vọng và bi kịch của một thi sĩ đã "tuẫn nạn trên lộ trình của chữ". Dường như mỗi thi sĩ đích thực không thể lý giải hết khát vọng và sự có mặt của mình. Bùi Giáng viết:

"Xin chào nhau giữa con đường 
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau".

Nhiều bài viết của các học giả cho rằng, ở văn học miền Nam một giai đoạn, nếu Phạm Công Thiện là đỉnh cao của trí tuệ thì Bùi Giáng chính là tinh hoa của trời đất (10).

Vì thế Bùi Giáng là kẻ hát rong giữa chợ đời hay kẻ vì yêu đời quá mà hóa điên, trở thành một gã cuồng khấu vô vọng? Không ai hiểu hết những con đường nào mà thi sĩ đã đi. Đường trần, đường thơ, đường định mệnh. Khi tôi biết Bùi Giáng và đến chơi với ông thì ông không còn đi rong nữa. Có lẽ ông đã thuộc lòng mỗi con đường, mỗi ngõ phố Sài Gòn. Ông dường như chỉ còn ngồi một chỗ trong căn nhà của một người cháu tên là Nguyễn Thanh Hoài trên đường Lưu Quang Định, quận Gò Vấp (11). Trên trán ông, lớp băng trắng vẫn còn thấm máu bởi những vết thương đời do những kẻ ít hiểu thi sĩ gây ra. Chỉ riêng hai con mắt vẫn sáng bừng như muốn nhìn thấu, muốn ôm trọn hết mọi cõi. Đến lúc ấy tôi mới hiểu hai câu thơ:

"Bây giờ riêng đối diện tôi 
Còn hai con mắt khóc người một con."

Tất nhiên, ý thơ này là của Bùi Giáng chứ không phải của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cũng cần phải nói thêm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng sử dụng rất nhiều ý tưởng của Bùi Giáng cho nhạc của mình nhưng ít khi ông chính danh về điều đó. Ví như ý câu thơ "Từ khi trăng là nguyệt" vậy. Nhưng Bùi Giáng, theo chỗ tôi biết, chưa một lần có phản ứng về điều này. Đến khi Bùi Giáng mất, Trịnh Công Sơn là người đã khóc trên báo Thanh Niên (12) số tưởng niệm Bùi Giáng. Trịnh Công Sơn viết đại ý, ngày còn sống Bùi tiên sinh đã có thơ tặng ông. Thơ viết rằng:

"Công Sơn trịnh trọng phiêu bồng 

Thưa rằng thơ nhạc có ngần ấy thôi."

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh đang hát ca khúc "Chào miên man" phổ thơ Bùi Giáng trong một chương trình tưởng niệm thi sĩ

Tôi có nhiều lần được tiếp xúc và gặp gỡ với Bùi Giáng nhưng không có một buổi trò chuyện nào ông chịu hết mình với tôi. Dường như ông muốn vô ngôn trước mọi cuộc đối thoại. Ông thường nằm đu đưa trên cánh võng trong khu vườn nhỏ tịch diệt cô đơn. Nhưng anh Hoài cho biết, ông vẫn âm thầm viết, âm thầm dịch thuật, ghi chú cho đến ngày cuối cùng. Ông thường viết chữ nắn nót rất đẹp trên những trang giấy nhàu nát, vỏ bao thuốc lá ông tình cờ nhặt đâu đó. Nhiều bài thơ trong di cảo ông, anh Hoài đã góp nhặt được bằng cách ấy. Một trong những bài trên giấy rác ấy, ông viết:

"Trước khi về chín suối 
Em xin gửi đá vàng 
Của trăm năm buồn tủi 
Về trở lại nhân gian"

Cho thấy một nỗi niềm, một nỗi buồn nhân thế! Không ai có thể chia sẻ. Ở một góc nào đó, theo tôi, chính là niềm đau thân phận mà ông và các văn nghệ sĩ bạn bè cùng lứa ngẫu nhiên bị cuốn vào, tan tác, quay cuồng trong bão loạn của thời đại. Và tôi cũng hiểu tài năng, cốt cách của những nghệ sĩ lớn thường được thử thách đến cùng qua những "điểm chết" hay biến cố của lịch sử. Bùi Giáng là một trong những tài năng lớn giữa được, bảo vệ được vẹn toàn nhân cách đó. Chính ông đã trở thành một biểu tượng cho chính những người yêu thơ ông vì thế!

Một điểm nữa mà tôi muốn nói là Bùi Giáng rất hay nổi điên khi có một người nào truy bức ông đến cùng. Cho dù đó là thi ca hay học thuật. Tôi cho rằng ông tránh các cuộc va chạm nảy lửa và tàn khốc ấy với hai lý do: Một, cuộc đời ông quá đủ đầy như một minh chứng; và hai, ông không muốn tái lặp bất cứ một đặt đề, một định đề nào cho Nghệ thuật. Đi vào nó thì giống như đi vào "sa mạc phát tiết" (13). Ước mơ của ông là tung hê hết chữ nghĩa để nhảy múa và hát ca. Mang tinh thần Lão Tử, hòng diễn giữa chợ đời hiện đại. Vì thế ở một góc chợ Bà Chiểu, hay giữa cầu Trương Minh Giảng, người ta đã từng thấy thi sĩ múa may quay cuồng hay "nhập đồng" phóng ào từ trên xích lô xuống diễn kịch, múa gậy vây giữa đám đông hồ hởi và cuồng nhiệt. Những hình ảnh thơ như thế sẽ không bao giờ còn nữa. Ông chính là "người thơ" cuối cùng của một thế kỷ và đã ra đi giữa một thời đại đang ngày càng xa vắng những tâm hồn và những tâm tình thơ...

----------------

Chú thích: 

(1) Theo Đặng Tiến trong bài "Bùi Giáng, sơ thảo tiểu truyện": Đây là một vài bút hiệu của Bùi tiên sinh trong rất nhiều bút hiệu của ông và người đời đặt cho ông. Xin lưu ý thêm ở đây ghi chú của tôi: Những bút hiệu tưng tửng, cà rỡn cách đây hơn nửa thế kỷ này đã đầy ắp tính giễu nhại của văn học Hậu-hiện đại. Hậu-hiện đại đâu phải chỉ mới bắt đầu từ hôm nay? 

(2) Bùi Văn Nam Sơn - Vài nét về Bùi Giáng (Tưởng nhớ thi sĩ Bùi Giáng - Nxb. Trẻ 1999) 

(3) Hòa Âm Điền Dã - La Symphonie Pastorale - André Gide - Bùi Giáng dịch (Nxb.Võ Tánh 1969) 

(4) Mùi Hương Xuân Sắc - Sylvie Souvenirs Du Valois - Gérard De Nerval - Bùi Giáng dịch (Nxb. Văn Nghệ 2006) 

(5) Ngộ Nhận - La Malentendu - Albert Camus - Bùi Giáng dịch (Nxb. Văn Nghệ 2006)